Phải công khai, minh bạch về tài chính và chất lượng giáo dục

Điều này sẽ giúp người dân lựa chọn trường tốt cho con em mình. Chính áp lực xã hội sẽ giúp và buộc các trường nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn 

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định như vậy.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, nhiều người đồng tình với việc tăng học phí. Tuy nhiên, họ lại lo ngại về việc công khai tài chính. Công việc này từ trước tới nay dường như chúng ta làm chưa tốt lắm?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Không phải chưa tốt mà chúng ta chưa có qui định chính thức về việc phải công khai những gì và kiểm tra đến đâu. Trong đề án này có đề cập vấn đề này. Mục này không liên quan đến học phí (7 giải pháp còn lại không liên quan đến học phí). Chính phủ đưa ra hai nguyên tắc – làm thế nào để sử dụng hiệu quả và tăng nguồn thu (có 7 giải pháp). Trong đó có giải pháp qui định trách nhiệm kiểm tra của các cấp (Bộ kiểm tra những gì, uỷ ban, phòng giáo dục có nhiệm vụ ra sao, và nhà trường tự kiểm tra).

Thứ nữa là ngành Giáo dục phải thực hiện "ba công khai". Công khai gồm: Mỗi nhà trường công bố chất lượng dạy và học (in thành văn bản gửi cho các bậc phụ huynh, đến hết năm học trả lời rằng thực tế đạt đến đâu, kết quả thi cử, học tập... ra sao); thứ hai là công bố nguồn lực và thứ ba là công bố tài chính (thu bao nhiêu tiền, chi như thế nào..). Cho nên, nếu các trường học không công khai hết thì người dân phải giám sát (trước kia chưa có cơ chế này thì có thế nào thì học thế đấy).

Theo Đề án này, các Sở Giáo dục- Đào tạo sẽ có trang điện tử công khai tất cả mọi thông tin cho từng nhóm trường (mầm non, tiểu học, trung học) để người dân có thể vào xem.

Tôi cho rằng thực hiện tốt việc công khai thông tin tài chính, chất lượng giáo dục giúp người dân có thể lựa chọn trường tốt cho con em mình. Chính áp lực xã hội đó sẽ giúp và buộc các trường nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn khác.

Ở khối đại học hiện nay đã làm việc này rồi. Đã có 20 trường đại học đánh giá bên trong, đánh giá ngoài và có khoảng hơn 200 trường đang đánh giá bên trong và đến 2010 phải xong.

Những tin, bài liên quan
>> Học phí giáo dục mầm non và phổ thông vẫn ở mức cao
>>Tăng học phí phải đi kèm tăng chất lượng giáo dục
>>Đạt tiêu chuẩn đào tạo ở mức nào thì được thu học phí ở mức ấy
>>Học phí sẽ tăng dần theo từng năm
PV: Thế nhưng hiện nay lực lượng giám sát chất lượng dạy-học và các hoạt động khác của trường học còn rất mỏng?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đúng vậy, cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay chỉ có Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Bộ đang có lộ trình hình thành 3 trung tâm. Phương án khả thi nhất là có thể sử dụng Trung tâm kiểm định đại học của Đại học quốc gia ở 3 vùng. Cán bộ ở các Trung tâm này sẽ được đào tạo cẩn thận. Bộ sẽ mời các chuyên gia kiểm định quốc tế đến dạy và cấp chứng chỉ. Lúc đó mới có thể cho phép họ thay mặt Bộ kiểm định chất lượng giáo dục. Bộ chỉ có một Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thì không thể kiểm định được 369 trường đại học ở cả 3 vùng.

Còn ở cấp phổ thông, muốn đánh giá cũng phải có cơ quan chuyên trách. Đến năm 2005, các Sở Giáo dục không có Phòng quản lý chất lượng. Từ năm 2007 đến nay đã có khoảng 60 Sở Giáo dục có phòng quản lý chất lượng. Có phòng này rồi thì mới từng bước tham gia đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Hướng đi thì đã rõ nhưng phải có lộ trình để cơ sở tự làm và chúng ta xây dựng bộ máy kèm theo. Trong quá trình này báo chí có vai trò phát hiện thực tiễn. Những gì liên quan đến ngành mà báo chí phản ánh là chúng tôi phải xử lý nhanh chóng.

Nhà nước phân cấp giáo dục phổ thông do tỉnh quản lý vì địa phương sử dụng trên 70% kinh phí cho hoạt động này. Bộ trực tiếp quản lý giáo dục cao đẳng, đại học. Cấp giáo dục nào đông, gần dân thì đại diện cơ sở giám sát là chính xác nhất.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, khoản tăng thu của nhóm đối tượng thu nhập cao liệu có bù được cho nhóm đối tượng phần lớn là nghèo, ở khu vực nông thôn?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nguyên tắc của việc thu học phí không phải là như vậy. Học phí của đại học, cao đẳng, dạy nghề tăng là do chi phí đào tạo cao hơn. Chi phí cao hơn thì học phí phải cao hơn. Đầu tiên chúng ta xác định là có cần tăng chi phí cho đào tạo không để thày giáo, sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn.

Giải quyết bài toán chi phí cho đào tạo bằng 2 nguồn chính là: đóng góp của người đi học và ngân sách Nhà nước. Vấn đề đặt ra cho việc nâng cao chất lượng giáo dục là người học phải đóng tăng thêm và Nhà nước cũng phải đầu tư thêm nữa chứ không phải phần tăng của người học là bù chi toàn bộ.

Hiện nay, Nhà nước cho sinh viên vay tiền để học. Vậy, nếu học phí đại học, cao đẳng tăng thì mức cho vay hiện nay sẽ phải tăng lên tương ứng để sinh viên không bị ảnh hưởng về khả năng tài chính.

PV: Vậy đề án đã tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi đối tượng chưa, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đề án này tạo cơ hội học tập nhiều hơn cho đối tượng từ mầm non đến đại học. Trong điều kiện Nhà nước tăng học phí nhưng người nào có khả năng đóng góp thì đóng góp thêm để tổng nguồn xã hội tăng thêm.

Việc tăng học phí tập trung vào 3 vấn đề là: tăng chất lượng, tăng qui mô, tăng đóng góp (Nhà nước và nhân dân đóng góp trong khả năng, không quá tải).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Sẽ tăng cường các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục

PV: Chúng ta đang khuyến khích học nghề, vậy vì sao học phí học nghề lại tăng cao như vậy, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Trong quá trình tổng kết chúng tôi thấy rằng, đào tạo nghề ở nước ta rẻ quá. Trung cấp nghề phải thực hành nhiều, tốn que hàn, xăng dầu… vì thế chi phí đào tạo tăng. Trong việc tăng học phí này cần sự chia sẻ.

PV: Hiện nay, cách quản lý đối tượng chính sách của chúng ta còn nhiều bất cập. Vậy làm cách nào ngành Giáo dục có thể hỗ trợ học phí đúng đối tượng, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Ngành giáo dục tự mình thấy rằng chưa thể giám sát được vấn đề này. Vì thế, chúng tôi sẽ thông qua Hội Phụ nữ để giám sát với phương châm người mẹ là người gần nhất lo cho con đi học. Nếu khó khăn thì họ sẽ gặp ngành giáo dục. Nếu không gặp ngành giáo dục thì người đầu tiên họ gặp là Hội Phụ nữ. Hội Phụ nữ sẽ gặp nhà trường để nhà trường biết là hỗ trợ bao nhiêu và ai thực hiện chi trả.

Những bà mẹ có hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ đăng ký với Hội phụ nữ và Hội khuyến học để áp dụng triệt để mọi chính sách xã hội khác.

Bây giờ cơ chế có rồi thì phải làm cho sát, phát hiện đến đâu hỗ trợ đến đó.

Vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng thống nhất sẽ có rà xét thực hiện chính sách xã hội. Tôi vẫn biết là có những nơi vẫn làm sót, có người gặp khó khăn mà ta không biết.

PV: Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên