Phải đổi mới tư duy trong sử dụng nhân tài!

Khi nền kinh tế thị trường phát triển, cạnh tranh ngày càng khốc liệt và sự hội nhập càng mạnh mẽ thì nhân tài chính là “lợi thế” của quốc gia. Mặc dù việc đào tạo và thu hút nhân tài đã trở thành quốc sách nhưng hiệu quả vẫn còn khiêm tốn.

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Giáo dục, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với phóng viên Báo TNVN xung quanh vấn đề này.

** Những năm qua, nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài, Giáo sư đánh giá như thế nào về hiệu quả của những chính sách đó?

Một trong những chính sách thu hút nhân tài đang được nhiều tỉnh, thành phố triển khai đó là mức lương phù hợp bên cạnh nhiều chính sách đãi ngộ thỏa đáng và môi trường làm việc tốt. Một số địa phương, đội ngũ lãnh đạo có chính sách tốt trong việc thu hút người tài như: Nghệ An, TP. HCM, Bình Dương. Đơn cử, năm 1996, TP. HCM đã gửi 300 cán bộ thạc sỹ ra nước ngoài đào tạo, mặc dù phải bỏ chi phí rất cao. Khi học xong có bằng thì mời vào biên chế, cấp nhà.

Sau 12 năm triển khai chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn và thực hiện các chương trình đào tạo 300 và 500 tiến sĩ, thạc sĩ, hiện nay, TP. HCM đã và “đang” hái những “quả ngọt” đầu mùa. Những cán bộ trẻ trong diện quy hoạch, đào tạo được bố trí về các sở, ban, ngành và các quận, huyện bước đầu đã phát huy sức trẻ của mình trong hệ thống chính trị…

Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng lại đãi ngộ những người có trình độ cao tự nguyện làm việc lâu dài tại thành phố với chính sách mang tính đặc thù của đô thị loại I này. Đà Nẵng có chính sách đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở ở nước ngoài trong giai đoạn 2006 - 2012. Vừa qua, thành phố cũng đã công bố Quyết định thành lập “Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, một “tấm thảm đỏ” bền vững không chỉ đón mà còn đào tạo nhiều nhân tài cho tương lai.

Lễ tôn vinh các thủ khoa tại Hà Nội

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế là số địa phương thực hiện được điều này không nhiều và thể hiện vẫn chưa thực sự trọng dụng nhân tài. Nguyên nhân là do vấn đề người quản lý, chính sách, chế độ. Đây là một vấn đề rất lớn đối với đất nước mà chúng ta cần thực hiện cho bằng được.

** Hiện nay, nhiều địa phương tổ chức tôn vinh thủ khoa rất rầm rộ, nhưng sau đó, cũng đã có không ít thủ khoa rơi vào tình trạng thất nghiệp. Giáo sư bình luận thế nào về thực tế này?

Năm nào Hà Nội cũng tổ chức lễ tôn vinh thủ khoa, tuyên dương hàng trăm em nhưng sau đó thu hút thì chưa được bao nhiêu. Thậm chí, có năm cả đội ngũ thủ khoa chỉ có 1 em vào được cơ quan Nhà nước. Lễ tuyên dương vẫn chỉ là một hình thức đề cao nhưng sau đó nhiều em không có việc làm, hoặc có thì lương rất thấp.

Gần đây, báo chí cũng có nêu một số trường hợp nghịch lý ở một số địa phương, như có sinh viên tốt nghiệp đại học kinh tế loại giỏi, đi xin việc nhưng đều bị các cơ quan từ chối, cuối cùng, Chủ tịch UBND tỉnh phải ra quyết định nhận em đó. Hay ở Bắc Ninh, một thủ khoa bị từ chối nhận vào làm việc nhưng một em khác trình độ chỉ trung cấp lại được nhận. Tôi biết có trường hợp tốt nghiệp tiến sỹ ở Đức nhưng khi về Việt Nam làm ở cơ quan Nhà nước mỗi tháng chỉ được 2 triệu đồng, trong khi một trường ở Singapore sẵn sàng trả họ mức lương là 50 triệu đồng/tháng. Nhìn vào thực tế đó để thấy, việc đào tạo và sử dụng nhân tài như thế là rất lãng phí. 

** Vậy theo Giáo sư, để chính sách thu hút nhân tài có hiệu quả thực sự thì cần những điều kiện gì?

Theo tôi, trước tiên, từ đường lối phát triển của Nhà nước phải coi trọng đào tạo và sử dụng nhân tài. Cần có 3 điều kiện cơ bản: Thứ nhất, cần phải có chính sách thu hút nhân tài; thứ 2 là môi trường để có cuộc sống và nơi hoạt động nghề; và đặc biệt là thái độ của nhà quản lý phải thực sự trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, công việc này không đơn giản.

Trước hết, như người ta thường nói là “phải đổi mới tư duy”, vì nếu dùng tư duy kiểu “ban ơn” thì sẽ không có sức hút. Một số địa phương thường đưa ra cách thức: Nếu tiến sĩ, thạc sĩ về địa phương thì được nhận vào biên chế, được cấp đất, cấp nhà, được trợ cấp một khoản tiền ban đầu. Nhưng với những người có năng lực thật sự thì họ sẽ còn cân nhắc nhiều với những câu hỏi: Công việc có phù hợp năng lực của mình không? Điều kiện làm việc có tốt không? Tương lai có phát triển không? Điều kiện sống như thế nào? Ví dụ, tỉnh miền núi như Hà Giang có thể có chính sách tốt nhưng đi lại không thuận lợi, môi trường hoạt động không tốt nên phải cải tạo được môi trường tốt thì mới thu hút được người giỏi.

Theo tôi, việc tạo môi trường thu hút, hấp dẫn mang tính quyết định đối với nhân tài, bởi vì họ mong muốn trước hết là được làm việc và cống hiến. Về vấn đề này, cần có các yếu tố sau: điều kiện làm việc tốt (đối với cán bộ khoa học và công nghệ, giáo sư sẽ bao gồm: cơ sở hạ tầng như phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm…); Có không khí làm việc cởi mở, minh bạch, dân chủ và người quản lý thật sự trọng thị và trọng dụng nhân tài; Nhân tài được quyền tự chủ trong lĩnh vực hoạt động của mình; Có cuộc sống ổn định. Những điều kiện trên là môi trường hấp dẫn nhân tài và cũng là môi trường để nhân tài nảy nở và phát triển. Đặc biệt, trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, họ thường yêu cầu cao về điều kiện làm việc.

** Khi nền kinh tế thị trường phát triển, cạnh tranh ngày càng khốc liệt và sự hội nhập càng mạnh mẽ thì theo Giáo sư, việc thu hút nhân tài có ý nghĩa đặc biệt như thế nào?

Có thể khẳng định rằng, việc sử dụng và thu hút người tài là việc hệ trọng với quốc gia. Không có người giỏi, người tài thì đất nước không thể đi lên được. Bác Hồ cũng đã từng nói, nhà trường phải khai thác tiềm năng của học sinh, nghĩa là tiềm năng của từng con người. Trong chiến tranh, chúng ta thành công cũng chính là nhờ biết dùng người. Đội ngũ nhân tài chính là đầu tàu của tất cả nhân lực từ người lãnh đạo công nhân, nông dân. Đầu tàu mà yếu thì cả đoàn tàu cũng chậm. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải xác định mỗi người là một giá trị quan trọng nhất, giá trị đó cần phải được khai thác tối đa và tổng hợp lại thành nội lực của quốc gia. ở các nước,  họ rất coi trọng giá trị từng con người, bởi đây chính là cội nguồn vô cùng quan trọng tạo nội lực quốc gia. Đáng mừng, đội ngũ giáo sư mới được vinh danh trong số các ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm qua có nhiều người trẻ hơn các năm trước. Như vậy là đội ngũ giáo sư của chúng ta đang có xu hướng trẻ hóa. Chỉ cần chú ý đào tạo, sử dụng nhân tài, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều người tài hơn trước.

** Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này!./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên