Tăng dần học phí để đầu tư cho các trường ĐH, CĐ

Đây là một trong những nguồn thu chủ yếu để nâng cấp cơ sở vật chất mà các trường ĐH, CĐ sẽ phải thực hiện nhằm giảm sự trợ cấp từ ngân sách Nhà nước.  

Hàng năm, Nhà nước dành 20% ngân sách thu được để đầu tư cho phát triển Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT). Trong đó, dành 10% ngân sách đầu tư cho phát triển hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Đây là số tiền tương đối lớn trong khi còn nhiều cấp, bậc học cũng cần phải chú trọng quan tâm. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên các trường ĐH, CĐ cho rằng, số tiền như vậy vẫn chưa thể “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam đến năm 2020” theo như Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ đề ra.

Xây dựng ký túc xá đạt chuẩn đang là nhu cầu của nhiều trường ĐH, CĐ

Thiếu cơ sở vật chất đạt chuẩn

Một trong những yếu tố góp phần đưa hệ thống giáo dục ĐH, CĐ của Việt Nam tiến kịp so với khu vực và thế giới là các trường ĐH, CĐ phải có cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị đào tạo (TBĐT) đạt chuẩn quốc tế. Thế nhưng, hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ công lập có diện tích sử dụng còn chật hẹp, phải đi thuê địa điểm, không đủ không gian cho sinh viên (SV) học tập, tham gia vào các hoạt động thể thao. Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP HCM là một trường hợp ví dụ điển hình.

Tiến sĩ Huỳnh Trọng Khải, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP HCM cho biết: Quy mô đào tạo hệ chính quy của trường là 1.500 SV. Mặc dù trong những năm gần đây, trường rất muốn tăng quy mô đào tạo nhưng không thể thực hiện được vì diện tích, khuôn viên của trường quá chật hẹp so với tiêu chuẩn của Việt Nam năm 1985: Dưới 2.000 SV phải cần 20ha (tương đương 200.000m2), trong khi diện tích của trường chỉ dưới 10.000 m2. Nếu chia tổng diện tích này cho số SV cần đào tạo thì tính ra diện tích học tập của 1 SV là chưa đến 5m2 (thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 6m2/SV). Đặc biệt là đối với trường có chuyên môn đào tạo thể thao, cơ sở vật chất chật hẹp đã hạn chế  khả năng tập luyện của SV. Vì vậy, mỗi khi tập huấn cho SV tham dự các kỳ thi quốc gia, quốc tế thể thao, trường lại phải thuê địa điểm ở một số sân bãi khác.

Vì diện tích hạn hẹp, nhiều trường ĐH, CĐ không thể xây dựng thêm phòng học, ký túc xá cho SV. Do đó, nhiều SV phải thuê nhà trọ ở bên ngoài đắt hơn nhiều so với giá thuê ở trong trường.

Không chỉ hạn chế về diện tích, nhiều trường ĐH, CĐ còn rơi vào cảnh thiếu thốn trang thiết bị giảng dạy, phòng thí nghiệm chưa đạt tiêu chuẩn đề ra. Một số khoa, chuyên ngành đào tào như: Điện dân dụng, chế tạo máy, hóa chất… rất cần được đầu tư về trang thiết bị, vật dụng để SV thực tập nhưng lại thiếu nên nhiều khi nhà trường phải dạy “chay”, giảng lý thuyết cho SV, còn số giờ thực hành bị giảm xuống.

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm 2015, ngành GD cần khoảng 827.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) cho hơn 400 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), học viện công lập trên toàn quốc.

Tại hội nghị đánh giá thực trạng CSVC và thiết bị đào tạo (TBĐT) tại các trường ĐH, CĐ công lập vừa diễn ra ở Hà Nội, ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục CSVC (Bộ GD-ĐT) cho biết: Hiện nay, suất đầu tư TBĐT là 1,36 triệu đồng/SV/năm, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu thí nghiệm, thực hành theo chương trình đào tạo. Như vậy, để đáp ứng 100% nhu cầu thí nghiệm, thực hành theo chương trình đào tạo (chưa tính đến nghiên cứu khoa học), con số đầu tư TBĐT bình quân/SV/năm sẽ phải là 3,4 triệu đồng/SV/năm.

Không cần quá trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước cấp

Nhà nước cần tăng ngân sách lên từ 12-14% để đầu tư cho phát triển giáo dục ĐH, CĐ. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính-Sự nghiệp, Bộ Tài chính. Từ nguồn ngân sách được đầu tư này, ngành GD sẽ phân bổ chủ yếu vào cải thiện và nâng cấp phòng thí nghiệm, mua sắm trang thiết bị, bổ sung giáo trình. Việc thí điểm xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ từ Hà Nội đến TP HCM với khoảng 10 trường trọng điểm có CSVC đạt chuẩn quốc tế sẽ là tiền đề thúc đẩy phát triển giáo dục ĐH, CĐ trong cả nước.

Đối với việc xây dựng phòng học, khu vui chơi mới, ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, các trường không nên quá ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp mà hãy phát huy việc mua trái phiếu Chính phủ, kêu gọi hoạt động xã hội hóa giáo dục.

Quan điểm này cũng được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng tình và cho rằng: Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ nhiều hơn. Như vậy, các trường sẽ phải có trách nhiệm cùng Nhà nước lo xây dựng thêm phòng ký túc xá, tự lo kinh phí nâng cấp phòng thí nghiệm, sân bãi. Để có kinh phí cho hoạt động này, các trường phải thúc đẩy tăng dần học phí theo lộ trình 20%/năm. Đây sẽ là nguồn thu chính nhằm tái đầu tư cho CSVC và TBĐT để ít nhất đến năm 2015, có từ 20-26% số sinh viên được ở trong ký túc xá, hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế.

Sinh viên mong ước được thực hành với đầy đủ trang thiết bị vật chất (ảnh minh họa)



Với số tiền 827.000 tỷ đồng để đầu tư cho CSVC như trên là khá lớn trong khi ngân sách Nhà nước dành cho phát triển GD-ĐT hàng năm không phải là nhỏ, đất nước ta còn rất nhiều lĩnh vực khác cần phải chú trọng đầu tư.

Thay vì đầu tư dàn trải cho hơn 400 trường ĐH, CĐ công lập trên cả nước, nguồn vốn để đầu tư xây dựng CSVC và TBĐT nên được ưu tiên đầu tư cho những trường, khoa, ngành thu hút nhiều SV theo học. Khi được đầu tư CSVC mới, các trường phải biết cách quản lý nguồn tài sản của mình. Nếu không biết quản lý tốt, các trường sẽ rơi vào tình trạng “có mà không biết dùng”, “cha chung không ai khóc”. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Cơ, Phó Giám đốc Học viện Tài chính Hà Nội chia sẻ.

Đầu tư xây dựng CSVC và TBĐT là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục ĐH, CĐ công lập. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm cho GD-ĐT khó có thể tăng hơn 20% thì bài toán đặt ra đối với các trường hiện nay là “liệu cơm gắp mắm”, thực hiện phải theo lộ trình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên