“Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây”: Mỗi thay đổi cần cân nhắc kỹ

VOV.VN - Thánh Gióng là một nhân vật mang tính lịch sử nên khi nhân cách hóa, thay đổi chi tiết trong sách giáo khoa cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng…

Trong cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A, tại bài 26C “Liên kết câu bằng từ ngữ thay thế” ở phần 1 đưa ra 2 câu hỏi (a và b) là: Những từ in đậm trong đoạn văn dưới đây dùng để chỉ nhân vật nào? và việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?

Đoạn trích: Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết. 

Bên cạnh đó, sách Tiếng Việt lớp 5 cũng có đoạn tương tự, trong phần luyện từ và câu (trang 86) “Luyện tập thay thế từ ngữ để liên kết câu”.

 

Chi tiết trên khiến nhiều phụ huynh và giáo viên ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thắc mắc vì cho rằng, trong truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương thường kể về Thánh Gióng là một nhân vật trong cổ tích của dân gian Việt Nam. Thánh Gióng sinh ra ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào thời Hùng Vương thứ 6. Ông là “người trời” đã đầu thai xuống trần thế để giúp nhân dân ta đánh giặc Ân sang xâm lược. Sau khi đánh tan giặc Ân, ông đuổi giặc đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), rồi lên đỉnh núi cưỡi ngựa bay về trời. Vua nhớ công ơn ông, phong là Phù Ðổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay tại quê nhà.

Trước những thông tin phản hồi, băn khoăn này, một số giáo viên dạy Ngữ văn đã bày tỏ quan điểm khác nhau.

Cô giáo Huỳnh Nguyễn Thùy Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 5, trường Huỳnh Kiến Hoa, quận 5, TP HCM cho rằng: Truyền thuyết là thể loại có thể được hư cấu từ đời này sang đời khác. Vì vậy, sách hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A  có chi tiết “Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...” khác so với chi tiết khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đuổi giặc đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), rồi lên đỉnh núi cưỡi ngựa bay về trời là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cốt truyện vẫn phải giữ được tính chính xác.

Sách hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5

Chi tiết Thánh Gióng bị nhân cách hóa như con người được in trong sách hướng dân Tiếng Việt lớp 5 tập 2A như là một cuốn sách tham khảo nên giáo viên có thể cho học sinh biết thêm về trường hợp này. Trước khi các trường đưa sách này vào giảng dạy thì họ cần tìm hiểu rõ nguồn gốc chi tiết này được đưa vào sách bắt nguồn từ đâu vì không phải tự dưng một nhà xuất bản nào có thể đưa được chi tiết  này vào sách.

Cô Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội nêu ý kiến: Thánh Gióng là nhân vật đặc biệt có trong truyền thuyết. Truyền thuyết A nói về Thánh Gióng có chi tiết khác với truyền thuyết B là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu như truyền thuyết nói về Thánh Gióng mang tính chất lịch sử tiêu biểu thì trong các sách giáo khoa, tham khảo, các chi tiết về nhân vật nên có sự thống nhất.

Mặc dù đoạn văn trên đã được trích dẫn đúng nhưng trong sách hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A, Nhà xuất bản cần phải nói rõ giữa chi tiết thay đổi, khác biệt về nhân vật Thánh Gióng và chi tiết truyền thống mà mọi người vẫn hiểu là ông đuổi giặc đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), rồi lên đỉnh núi cưỡi ngựa bay về trời. Nếu trong sách có giải thích cụ thể, rõ ràng về sự khác biệt thì chắc chắn người dân, phụ huynh, học sinh, giáo viên không có nhiều ý kiến thắc mắc.

Cô Ngô Thị Lan Anh, giáo viên dạy Ngữ văn, trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho rằng, nếu hình tượng Thánh Gióng được nhân cách hóa, hư cấu như hình tượng con người, gần gũi hơn với con người cũng là điều hình thường vì đây là nhân vật trong truyền thuyết. Tuy nhiên, Thánh Gióng cũng là một nhân vật rất đặc biệt mang tính lịch sử nên chi nhân cách hóa phải đắt giá và đẹp hơn trong mắt mọi người.

“Hình tượng Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...” không được đẹp lắm. Nếu là nhân vật mang tính lịch sử thì trong các sách giáo khoa, tham khảo phải có sự thống nhất về chi tiết. Vì nhân vật lịch sử sẽ ăn sâu vào tâm trí, tiềm thức từ người lớn tuổi cho đến trẻ nhỏ, người già có thể kể cho con cháu họ biết về một nhân vật lịch sử nổi tiếng của dân tộc” – cô Ngô Thị Lan Anh nói.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng cần tìm hiểu kỹ, lắng nghe phản hồi từ dư luận khi đưa những chi tiết mới, khác lạ vào trong sách giáo khoa hay sách tham khảo. Dù cho rằng, sách để dạy thử nghiệm của một chương trình giáo dục nào đó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên