Giao lưu Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Xuyên suốt buổi giao lưu là những ý kiến thảo luận về hình tượng Bác Hồ cũng như chủ đề thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2011), tối 4/6 tại Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Giao lưu Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Tới dự có ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

Tham gia chương trình giao lưu, Đại tá Trần Trọng Trung-Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự; Phó Giáo sư Tiến sỹ Bùi Đình Phong đến từ Học viện Chính trị-hành chính quốc gia cùng gần 400 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng tại nhiều địa phương trên cả nước đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ một số nội dung như: Bối cảnh chính trị-xã hội Việt Nam thời điểm Người ra đi tìm đường cứu nước; ý chí, quyết tâm đi tìm con đường cứu nước của Người và những chuyển biến trong nhận thức khi Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin; Những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội - con đường mà Người đã lựa chọn cho dân tộc; về thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như phong trào Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.

Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911

Vào ngày 19/5/1911 khi vừa đặt chân đến Pháp, Bác Hồ đã viết một bức thư gửi từ cảng Marseille cho Tổng thống Pháp để xin được học tại Trường thuộc địa Pháp với mong muốn được hưởng văn minh giáo dục của thế giới.

Chia sẻ ý nghĩa về quyết định này của Bác, Phó Giáo sư Tiến sỹ Bùi Đình Phong đến từ Học viện Chính trị- hành chính quốc gia nói: “Ý định của Nguyễn Tất Thành từ khi mới 13 tuổi là muốn nghiên cứu kỹ thuật, muốn nghiên cứu văn minh phương Tây và đó chỉ là cách thức để phụ vụ một mục đích duy nhất đó là phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào, độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho nhân dân tôi. Đó là tất cả những cái gì Nguyễn Tất Thành muốn, là tất cả những gì Nguyễn Tất Thành biết. Để làm được những cái đó Nguyễn Tất Thành có rất nhiều cách thức, rất nhiều cách làm và đó là một cách làm của Người”.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong những năm qua mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng Nguyễn Ngọc Sơn, đến từ Phú Thọ đã không quản ngại gian khó dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh, dạy lịch sử miễn phí cho nhiều bạn học sinh thi Đại học, rồi nuôi thỏ lấy tiền đỡ đần cha mẹ.

Chia sẻ về những động lực của mình, Sơn nói: “Những yếu tố thôi thúc em không thể đầu hàng là bạn bè, thầy cô những người đã cho em dòng máu quý nhất của bản thân mình. Nhưng có lẽ động lực lớn nhất là mỗi lần em nhìn vào đôi mắt của mẹ em là thấy mình phải cố gắng để không phụ lòng mẹ. Ước mơ của em là được đưa mẹ đi trên máy bay. Tuy nhiên không ngờ 6 năm đèn sách như công dã tràng và cái ngày em đưa mẹ đi chơi ở Hà Nội là ngày em được bác sĩ thông báo bị bệnh giai đoạn cuối…”.

Đại tá Trần Trọng Trung - Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự chia sẻ suy nghĩ của mình đối với thế hệ trẻ: “Đất nước của chúng ta nói chung và thế hệ trẻ nói riêng chuẩn bị đứng trước những thử thách rất lớn trong những năm tới: dân số già đi, tài nguyên cạn dần trước tình trạng lâm tặc, than tặc…”.

Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ và các vị khách mời còn được xem nhiều clip như: Quật cường của Người thanh niên trẻ Nguyễn Ái Quốc trên con đường đi tìm lối đi cho một nước thuộc địa như Việt Nam; phóng sự Hồ Chí Minh qua cái nhìn của các nhà sử gia và bạn bè quốc tế; clip Hồ Chí Minh đọc diễn văn ngày 1/1/1955 và phóng sự Bác Hồ với thanh niên....

Cuối buổi Giao lưu các bạn trẻ và các vị khách mời đã cùng nhau cất vang lời bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên