Hàng năm có hơn 5.000 người bị tai nạn lao động

(VOV) -Nếu như năm 2010 cả nước có 5.300 người bị tai nạn lao động thì năm 2011 là trên 6.150 người.

Hôm nay (8/12), tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết 18 năm thi hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động và định hướng triển khai đến năm 2020.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo, tham luận về tình hình thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 1995-2012 và định hướng triển khai đến năm 2020. Dù được nhiều sự quan tâm của các Bộ, ngành, nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động trong những năm qua còn nhiều thách thức.

Nếu như năm 2010 cả nước có 5.300 người bị tai nạn lao động thì năm 2011 là trên 6.150 người. Tai nạn lao động nghiêm trọng, tập trung trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản.

Điển hình như vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2008 làm 53 người chết; mới đây nhất ngày 5/12, vụ tai nạn do nổ bồn chứa gas tại Khu Công nghiệp Bắc Ninh làm 47 người bị thương.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, công nghệ sản xuất nhiều ngành còn lạc hậu, đặc biệt là ý thức người lao động chưa cao.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Một bộ phận người lao động chưa có ý thức tự bảo vệ mình trong lao động sản xuất, lực lượng thanh tra lao động mỏng nên thanh tra được rất ít các doanh nghiệp, chế tài xử phạt còn nhẹ; còn ít số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự bị can, nên tính răn đe còn hạn chế. Hệ thống luật pháp về an toàn, vệ sinh lao động tuy nhiều nhưng phân tán, có việc còn chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực thi.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay trên toàn quốc đã thành lập 58 khoa sức khỏe nghề nghiệp, khoa y tế và 37 tỉnh, ngành đã có phòng khám bệnh nghề nghiệp. 8 tỉnh thành phố đã thành lập và củng cố được Trung tâm Sức khỏe môi trường lao động…

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ làm công tác vệ sinh lao động đã được kiện toàn từ tuyến Trung ương đến cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, năng lực của hệ thống chưa đồng đều, trình độ chuyên môn chưa chuyên sâu do tốt nghiệp từ nhiều trường đào tạo khác nhau.

Công tác huấn luyện mới được thực hiện chủ yếu cho tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, tuyến huyện, xã hầu như chưa được thực hiện. Việc quản lý sức khỏe cho người lao động các cơ sở lao động ở mức thấp mới có khoảng 10 đến 15% cơ sở thực hiện công tác này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội: Số người bị thương do tai nạn cháy nổ tăng
Hà Nội: Số người bị thương do tai nạn cháy nổ tăng

(VOV) -Đặc biệt, số vụ cháy nổ do gas tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Nội: Số người bị thương do tai nạn cháy nổ tăng

Hà Nội: Số người bị thương do tai nạn cháy nổ tăng

(VOV) -Đặc biệt, số vụ cháy nổ do gas tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.