Hát Xoan được công nhận Di sản phi vật thể của nhân loại

Công bố được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali (Indonesia).

Trưa 24/1, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali (Indonesia), Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Trong danh sách 23 hồ sơ đề cử xem xét là di sản phi vật thể cần được bảo tồn khẩn cấp, hồ sơ Hát Xoan của Việt Nam được đánh giá cao vì được chuẩn bị rất tốt và nêu lên được giải pháp bảo tồn có hiệu quả.

Hát Xoan chính thức được công nhận Di sản phi vật thể của nhân loại.

Hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ đã hội đủ các yêu cầu cần thiết của UNESCO để được công nhận: Đó là tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác; đó là sức sống mạnh mẽ của Hát Xoan cũng như các cam kết bảo vệ nghệ thuật này không bị biến mất trong đời sống hiên đại. Đây là một số ít những hồ sơ nhận được toàn bộ sự ủng hộ của hội đồng tư vấn khoa học xét duyệt sơ khảo trước đó.

Tin Hát Xoan - Phú Thọ được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại đã một lần nữa làm nức lòng những người làm công tác văn hoá cũng như nhân dân cả nước. Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam nhấn mạnh: Tất cả những người có liên quan trong lĩnh vực hoạt động di sản văn hoá đều rất tự hào và mừng vui. Tự hào vì Việt Nam lại có được thêm một di sản được vinh danh ở tầm quốc tế. Đó là sự đóng góp xứng đáng của Việt Nam để làm nên sự đa dạng, phong phú của Kho tàng di sản văn hoá nhân loại. Kèm theo niềm vui còn có gánh nặng trách nhiệm là làm sao chúng ta phải giữ gìn để không làm biến dạng di sản. Trách nhiệm này không chỉ của các cơ quan quản lý Nhà nước và cả cộng đồng cư dân nơi đang gìn giữ di sản.

Ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL)  khẳng định: Sau khi được UNESCO công nhận, chúng ta sẽ công bố chương trình hành động cụ thể, toàn diện và thiết thực để bảo tồn di sản này được tốt nhất trong thời gian tới.

Hát Xoan là một Di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa... Nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang, vì vậy hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời đại bình minh dựng nước...

Hát Xoan được vinh danh góp phần tôn vinh các giá trị, đạo lý của Việt Nam, khẳng định vị thế dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Chính vì thế cùng với niềm tự hào về di sản được vinh danh, tỉnh Phú Thọ cũng nhận thấy rõ trách nhiệm của mình đối với việc bảo tồn di sản quí giá này.

Ông Nguyễn Doãn Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nêu rõ: “Hát Xoan được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đã là một thành công rất lớn. Để giữ được những giá trị văn hoá này thực sự trường tồn lâu dài với dân tộc và phát huy giá trị đòi hỏi Phú Thọ phải cố gắng rất nhiều để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này bằng việc đầu tư vật chất và công sức, truyền dạy cho các thế hệ mai sau”.

Theo ông Hoàng Dân Mạc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật hát Xoan, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ chú trọng phổ biến, quảng bá giới thiệu giá trị của hát Xoan với cộng đồng trong tỉnh, trong cả nước và với bạn bè quốc tế. Tổ chức cho các thế hệ người Việt Nam nói chung và Phú Thọ nói riêng để truyền dạy và phổ biến rộng rãi nghệ thuật này ở trong cả nước. Tỉnh cũng đưa hát Xoan vào dạy trong các trường học ở TP Việt Trì, đồng thời tại các làng Xoan cổ sẽ khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ trẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên