Vụ thất thoát 42 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh:

Hậu quả của cơ chế xin - cho

Theo Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, để mất 42 tỷ là nguy hiểm, nhưng cơ chế lạc hậu đang vận hành nền điện ảnh của chúng ta còn nguy hiểm hơn

Vụ thất thoát 42 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh đã gây chấn động giới điện ảnh và dư luận từ nhiều tháng nay. Nhưng sự việc trở nên "nóng" hơn khi ông Lại Văn Sinh - Cục trưởng và ông Lê Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nộp đơn xin từ chức. Tại sao trong khi tiền làm phim vô cùng thiếu thốn mà lại có một số tiền lớn như vậy bị thất thoát? Sự việc vỡ lở, lòng tin của giới điện ảnh nước nhà đang bị lung lay và nhiều bài học về quản lý nhà nước đang đặt ra.

Ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh

42 tỷ "bốc hơi"- dư luận bất bình

Theo thông tin mới nhất, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã quốc tế đối với nhân viên kế toán Phạm Thanh Hải, nghi phạm "thụt két" 42 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an cho biết, đã xác định được thủ đoạn rút tiền của Phạm Thanh Hải, sinh năm 1977, nguyên kế toán viên của Cục Điện ảnh Việt Nam. Mặc dù chỉ là kế toán viên, nhưng Hải lại được lãnh đạo Cục Điện ảnh trao cho đặc quyền là khi kế toán trưởng đi vắng, anh ta được ủy quyền đi rút tiền. Lợi dụng kẽ hở này, Hải đã nhiều lần lấy danh nghĩa kế toán trưởng, giả chữ ký chủ tài khoản rồi lợi dụng quyền hạn của mình là được ủy quyền chi khi kế toán trưởng đi vắng để rút tiền của cơ quan.

Việc “thất thoát” chỉ được phát hiện khi Hải bỗng dưng biến mất, không nói lý do nghỉ việc, để lại vợ và hai con ở trong một căn hộ chung cư nhỏ tại Hà Nội.

Liên quan đến vụ việc này, trả lời báo chí tại cuộc họp báo về Liên hoan phim lần thứ 17, ông Lê Ngọc Minh - Cục phó Cục Điện ảnh Việt Nam khẳng định đây là một vụ lừa đảo: “Vụ thất thoát tiền của Cục Điện ảnh là tổn thất của ngành chúng tôi. Một vụ lừa đảo. Hiện nay các cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra và bản thân chúng tôi có nhiệm vụ hợp tác cung cấp các thông tin làm rõ điều này”, ông Lê Ngọc Minh nói.

Đạo diễn Khải Hưng

Cho dù là lừa đảo hay là gì đi nữa thì việc để mất 42 tỷ đồng là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Mỗi năm, các hãng phim trong cả nước chỉ làm được dưới 10 phim truyện nhựa, một con số quá ít ỏi với một đất nước gần 86 triệu dân. Nguyên nhân chủ yếu là do không có tiền. Chính vì thế, thông tin Cục Điện ảnh để 42 tỷ đồng "không cánh mà bay", khiến cả giới làm phim bàng hoàng và bất bình. Theo nhiều nghệ sĩ, khoản thất thoát này không chỉ là tổn thất về vật chất, mà nếu không được xử lý nghiêm túc, dẫn đến sa sút niềm tin về ước vọng nâng tầm nền điện ảnh nước nhà vốn đã tồn tại khá chật vật.

Với ngành điện ảnh thì đây là một sự tổn thất lớn, một sự xúc phạm nặng nề tới tất cả các nhà làm phim. “Chúng ta đã biết, đời sống cũng như tiền bạc để đầu tư rất èo uột. Rất nhiều đề tài phim đã được nộp lên nhưng không được thực hiện bởi lẽ cũng do tiền bạc chậm trễ hoặc không có tiền. Cho nên khi nghĩ đến 42 tỷ vô lý trong ngân sách của Cục Điện ảnh (mà mọi người đều hiểu là tiền ngân sách có nghĩa là tiền đóng thuế của dân tiền nhà nước cấp) biến mất, chúng tôi rất đau”, Đạo diễn Khải Hưng thẳng thắn nhìn nhận.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, ông không bất ngờ khi nghe câu chuyện thất thoát nhiều tỷ đồng này của ngành Điện ảnh, bởi đây là câu chuyện của cơ chế xin - cho. Vì cơ chế xin - cho mới có việc làm giả hồ sơ, mới có việc thất thoát tiền. Để mất 42 tỷ là nguy hiểm, nhưng cơ chế lạc hậu đang vận hành nền điện ảnh của chúng ta còn nguy hiểm hơn!

Phép thử về trình độ quản lý và xử lý sai phạm

Sau 3 tháng kể từ khi Công an khởi tố vụ án, sau sự lúng túng trong cách xử lý, cuối cùng Bộ VH-TT&DL đã thành lập một Ban thanh tra làm việc với Cục Điện ảnh từ ngày 12/9 kéo dài đến hết ngày 22/9. Sau đó, Ban thanh tra sẽ báo cáo kết quả với lãnh đạo Bộ để xem xét và có chấp nhận việc từ chức của hai lãnh đạo của Cục Điện ảnh là ông Lại Văn Sinh - Cục trưởng và ông Lê Ngọc Minh - Cục phó hay không.

Công việc thanh tra đang tiến hành, nhưng dư luận không khỏi băn khoăn và đặt ra câu hỏi: Tại sao ba năm liền bị rút ruột công quỹ mà lãnh đạo Cục Điện ảnh không hề biết? Đối với Kho bạc Nhà nước, chi một đồng cũng phải có chứng từ. Thật không bình thường và khó mà tin về việc kế toán viên Phạm Thanh Hải rút tiền trong 3 năm mà không ai phát hiện được.

Với mong mỏi làm sao tiền đóng thuế của nhân dân phải được đưa vào làm phim để phục vụ lại nhân dân, nhiều nghệ sĩ viết đơn lên cấp trên đề nghị sự việc phải được điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh. Ông Nguyễn Thái Hòa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phim Giải phóng (Hãng phim Giải phóng trước đây) cũng nêu rõ trách nhiệm, cho dù rất cảm thông với giới văn nghệ sĩ làm quản lý: “Nếu nói về trách nhiệm thì người quản lý đương nhiên là người chịu trách nhiệm. Nhưng theo tôi đây là một tai nạn, bởi vì kế toán viên Phạm Thanh Hải đó lừa được cả Kho bạc, thì cỡ như ông Sinh, ông Minh - mấy ông văn nghệ sĩ thì bị lừa dễ ợt”, ông Nguyễn Thái Hòa nói.

Dù là nghệ sĩ, nhưng năng lực quản lý và trách nhiệm của lãnh đạo Cục điện ảnh cần được xem xét nghiêm túc trong vụ thất thoát 42 tỷ đồng. Cùng với việc bình tĩnh để chờ kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần thay đổi mô hình tổ chức quản lý của ngành Điện ảnh.

“Chúng ta phải nhìn nhận hoạt động điện ảnh như là một ngành sản xuất, nó là một ngành kinh tế. Càng nhiều khâu trung gian thì càng kém hiệu quả. Tôi thấy vai trò của Cục rất thừa, đôi khi “vừa đá bóng lại vừa thổi còi”. Cho nên, tốt nhất Nhà nước nên quản lý theo ngành dọc. Nên để Vụ Điện ảnh là phù hợp, chứ không nên là Cục Điện ảnh. Hơn nữa vai trò của Cục Điện ảnh lâu nay cũng không được phát huy mạnh lắm”, Đạo diễn Khải Hưng nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên