Họa sĩ Phan Kế An kể về chuyến đi vẽ Bác Hồ

Ở tuổi ngoài 90, sức khỏe suy yếu đi nhiều nhưng người họa sĩ ấy vẫn còn nhớ như in chuyến đi vẽ Bác và những kỉ niệm khi được sống cùng Bác tại Khuôn Tát (Thái Nguyên) năm 1948.

Có một người họa sĩ đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ chống Pháp và chống Mỹ, ông là người đầu tiên ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và là họa sĩ nổi tiếng của báo Sự Thật, đó là Phan Kế An.

PV: Thưa ông, là một người đã từng có thời gian sống gần Bác, ấn tượng về sự giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọng lại trong ông như thế nào?

Họa sĩ Phan Kế An: Lúc bấy giờ, đến trạm liên lạc của Bác, gặp anh trạm trưởng cũng là người quen, anh chỉ cho tôi con đường vào cơ quan của Bác, chỉ cách đấy chừng 300m thôi. Đấy là đường mòn, lần mà đi, được nửa đường đã thấy Bác mặc bộ đồ nâu đi đến đón tôi.

Bác để đầu trần, tóc đã hơi bạc. Chòm râu quen thuộc tôi đã được biết qua nhiều cuộc gặp ở hội nghị, lần này, người có chòm râu ấy ôm lấy tôi và ghé tai nói: “An đấy à!". Bác gọi tôi bằng tên và Bác xưng là mình: "Về đây ở với mình, ở bao lâu tùy An. Mình làm việc quanh đây, khi chỗ này khi chỗ khác. Bây giờ xuống chỗ của anh em nghỉ, muốn tắm thì xuống suối ở gần đấy”.

Họa sĩ Phan Kế An bên những bức ký họa chân dung Bác Hồ. (Ảnh: Nhân Dân)

Bác dẫn tôi đến chỗ nhà sàn của Bác. Nói nhà sàn vì có sàn cao không đến 1m, có ba bậc thang thôi. Ngồi đấy nói chuyện uống nước, Bác chỉ cho tôi gian Bác ở thì nhỏ hẹp, chỉ trải được hai cái chiếu cá nhân và có một cái ngách, trên có cái bàn bằng tre nứa.

Việc Bác ra đón tôi ở giữa đường và ôm lấy tôi, đấy là một cử chỉ khiến tôi cảm động đến tận bây giờ. Lần đầu tiên, một Chủ tịch nước ôm lấy tôi và nói những câu thân tình như người trong gia đình. Tôi nhớ mãi, kể cả lúc đến và lúc về Bác cũng tiễn tôi đến nửa đường, đi khỏi mấy chục mét, qua những bụi rậm sắp sửa lấp không nhìn thấy, quay lại vẫn thấy Bác trong bộ đồ nâu vẫy tay tiễn tôi. Đến tận bây giờ, tôi đã 90 tuổi nhưng vẫn nhớ ông cụ đầu râu tóc bạc, mặc bộ đồ nâu đứng tiễn tôi.

PV: Ông có thể kể một kỷ niệm về Bác mà ông thấy sâu sắc nhất trong thời gian được ở cùng Bác?

Họa sĩ Phan Kế An: Trước khi ra về, Bác còn rút điếu thuốc lá ra, châm diêm cho tôi hút. Có lúc tôi mải vẽ, tôi lại cất điếu thuốc lá vào túi, với ý định là cơ quan mình có rất nhiều cán bộ lão thành mà chưa bao giờ được gặp Bác Hồ, tôi nghĩ giữ một số điếu thuốc đem về cho anh em ở cơ quan chắc là anh em thích lắm. Không ngờ việc tôi cất giữ Bác biết. Bác tinh lắm, không giấu được cái gì đâu.

Bác nói: “An tích trữ được bao nhiêu điếu rồi?”. Tôi nói cơ quan có nhiều cán bộ chưa được gặp Bác, tôi muốn đem về cho anh em ở nhà, chắc các đồng chí ấy sung sướng lắm. Bác hỏi cơ quan có bao nhiêu người, tôi ngồi đếm thử cả cán bộ, thủ trưởng, giám mã, liên lạc… "Thưa cụ có 30 người".

Bác nói: “An cất được bao nhiêu điếu rồi?”. Tôi đáp lại: “Thưa cụ 13 điếu”. Cụ cầm hộp thuốc Craven A 50 điếu, cụ đếm 17 điếu đưa tận tay tôi, An đem về cho anh em nhớ, còn điếu mình vừa mời An hút đi. Điều này cho thấy, Bác Hồ chú ý đến từng điểm nhỏ.

PV: Bác Hồ là một tấm gương sáng với nhiều đức tính tốt cho chúng ta học tập. Vậy ông học được gì từ Bác? 

Họa sĩ Phan Kế An: Tôi thấy Bác giúp tôi hiểu được qua nhiều điều. Bác mong rằng mọi người đầu tiên phải giữ được cái trung thực. Thứ hai là đã trung thực phải thẳng thắn và nhất là bộc lộ được cái thẳng thắn trung thực của mình bằng lời nói, việc làm. Học ở Bác thì học suốt đời không hết.

Điều làm cho tôi thấm nhuần là mình nghĩ trung thực và mình thẳng thắn nói điều trung thực đó ra. Ngay cả những khi điều thẳng thắn ấy mang hại cho mình mà vẫn làm. Chính cuộc đời tôi đã có những lúc như thế, biết là có hại nhưng nói ra điều mình cho là đúng, cho là trung thực, cho là có lợi cho cách mạng thì vẫn nói, vẫn làm.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên