Hoàn tất việc sơ tán dân trước 12 giờ đêm 28/9

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp vào miền Trung lập Ban Chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 9 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn lập Ban Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng.

>> Sẵn sàng đối phó với bão số 9  / Các huyện vùng ven biển Nghệ An chủ động phòng chống bão

** Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp cấp bách đối phó với bão số 9

Ngày 28/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Công điện khẩn số 1802/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp cấp bách đối phó bão số 9, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của cơn bão có sức gió giật tới cấp 14 dự kiến đổ bộ vào đất liền trong trưa mai (29/9). Trước đó, ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 1794/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống cơn bão này.

Nội dung Công điện số 1802 nêu rõ: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và các tỉnh Bắc Tây Nguyên chỉ đạo các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo các công việc như nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn số tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm di chuyển tìm nơi tránh trú bão an toàn. Hoàn thành việc sơ tán dân trước 24 giờ đêm nay; hướng dẫn nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở, bệnh viện, trường học. Thực hiện triệt để việc di dời dân ra khởi vùng cửa sông, ven biển, vùng thường xuyên nhập sâu, cùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Cử người canh gác, nghiêm cấm việc đi lại qua các bến đò ngang và ngầm giao thông ngập sâu khi có bão, lũ, tránh xảy ra chết người do thiếu trách nhiệm, chủ động bố trí lương thực, thuốc men, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết tại các vùng thường xuyên bị chia cắt.

Nhiều tàu thuyền ở ngoài khơi đang hối hả vào bờ tìm nơi tránh bão (Ảnh: Vnexpress)

Các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam triển khai việc sơ tán dân hoàn thành trước 24 giờ ngày 28/9. Các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 29 và 30/9. Thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương Theo Công điện khẩn, Ban Chỉ đạo tiền phương được thành lập, đặt tại TP Đà Nẵng để trực tiếp chỉ đạo các địa phương triển khai những biện pháp cấp bách đối phó với bão số 9.

Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: Vào 6h30 sáng nay, trên tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có 31.286 tầu với 130.283 lao động đang hoạt động trên biển đã được thông báo, hướng dẫn về vị trí, diễn biến của bão số 9 để chủ động di chuyển phòng tránh.

Nhanh chóng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo như vậy trong cuộc họp khẩn sáng 28/9 với Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bàn biện pháp đối phó với cơn bão số 9 (Ketsana).

Cũng trong hôm nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ trực tiếp vào miền Trung lập Ban Chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 9 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn lập Ban Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng.

Tâm của cơn bão này được Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương xác định sẽ đổ bộ vào khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam, vùng ảnh hưởng từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Bởi vậy, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, công tác sơ tán dân cần đặc biệt làm sớm và quyết liệt đối với các vùng bãi ngang,vùng trũng, thấp, ven sông, ven suối, các hộ nhà yếu ở đô thị và nông thôn, người trên tàu thuyền, các nhà lồng bè,... Các trường học cũng thực hiện cho học sinh nghỉ học.

Chiều 29/9, bão sẽ đổ bộ vào miền Trung

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết vào hồi 13 giờ ngày 28/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thừa Thiên Huế- Quảng Nam khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15 và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực nam Vịnh Bắc Bộ.

Ảnh vệ tinh cơn bão số 9

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 -  15km. Như vậy từ đêm nay (28/9), vùng gió mạnh trước bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Đến 13 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc, 109,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 70km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350 km.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Như vậy khoảng chiều và tối ngày 29/9 vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Đến 13 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc, 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Đông Bắc Thái Lan. Đến 13 giờ ngày 01/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc, 103,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Từ đêm nay (28/9), các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Từ sáng sớm ngày (29/9), các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kom Tum gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng. Vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hoá  đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận – Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. 

Dự báo hướng đi của bão số 9

Diện tàn phá của cơn bão có khả năng rộng hơn bão Sangxen

Trả lời phỏng vấn của VOV sáng nay, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương Bùi Minh Tăng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Việt Nam chịu ảnh hưởng từ 2-3 cơn bão, nhưng đều là những cơn bão yếu. Con bão số 9 này mạnh hơn nhiều, về cường độ có thể tương đương thậm chí mạnh hơn cơn bão Sangxen đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng năm 2006. Diện tàn phá của cơn bão sẽ rộng hơn. Dự báo toàn bộ các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9. Cụ thể từ Nghệ An cho đến Quảng Ngãi sẽ ảnh hưởng trực tiếp.  Trong đó, các tỉnh từ Quảng Bình cho đến Quảng Nam sẽ có gió mạnh cấp 9 cấp 10 vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12 và có thể đạt cấp 13 và giật cấp 14 cấp 15. Từ Thanh Hoá cho đến Bình Định và vùng Bắc Tây Nguyên từ hôm nay cho đến hết ngày 30/9 sẽ có mưa rất lớn, phổ biến cỡ khoảng từ 200 đến 300 mm, thậm chí đến 600-700 mm”.

Theo ông Bùi Minh Tăng, với lượng mưa lớn như vậy, trong khi lũ trên các sông Nghệ An, Hà Tĩnh đang trên báo động cấp 1, cấp 2, thì rất có khả năng, trên nhiều sông sẽ có lũ lớn trên báo động 3, thậm chí có thể gây lũ lịch sử và những hiện tượng như lũ quét và sạt lở đất là rất lớn.

Ông Bùi Minh Tăng cho rằng, các địa phương nằm trong tâm bão phải chấp hành Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/9. Đây là cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng, cường độ rất lớn và gây mưa lớn. Để chủ động, các tàu thuyền trên biển phải nhanh chóng vào nơi trú ẩn an toàn, tốt nhất là kéo lên trên bờ nếu đậu mà không được chằng chống có thể va đập vào nhau vẫn gây thiệt hại. Các tàu thuyền vùng nguy hiểm không được ra khơi. Trên bờ, nhân dân phải chủ động chằng chống nhà cửa, phải lên phương án sơ tán dân. Đến nửa đêm nay, tất cả các phương án sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm phải được thực hiện triệt để để tránh thiệt hại có thể xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên