Họp báo việc giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Sáng nay 6/8, tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra buổi họp báo về việc giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đoạn qua thị xã Phúc Yên.

Dự án đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai, đoạn qua Vĩnh Phúc có tổng chiều dài 40,82 km, đi qua 23 xã, phường của 5 huyện, thị, với tổng diện tích phải thu hồi là gần 305ha, trong đó đoạn qua thị xã Phúc Yên dài 3,1km.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, chỉ đạo các huyện, thị, các xã có dự án đi qua làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện dự án.

Ngày 3/6/2008, tỉnh đã lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng tại 3 xã phường là: Nam Viêm, Tiền Châu và phường Phúc Thắng.

Ngày 28/11/2008, Ban quản lý dự án Công trình giao thông 2 phối hợp với Hội đồng bồi thường thị xã Phúc Yên và Ủy ban nhân dân xã Nam Viêm tổ chức chi trả bồi thường và tất cả các hộ dân đã nhận tiền bồi thường là 43,5 triệu đồng/sào và ký cam kết bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Tuy nhiên, ngày 17/5/2011, một số người dân xã Nam Viêm đòi hỗ trợ thêm giá đền bù giải phóng mặt bằng tương đường giá bồi thường tại xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là 236 triệu đồng/sào.

Tiếp đó, ngày 18/5/2011, 60 người dân xã Nam Viêm lên trụ sở tiếp dân tỉnh Vĩnh Phúc đòi bồi thường, hỗ trợ thêm.

Sau khi xem xét, tỉnh Vĩnh Phúc kết luận không đủ căn cứ để hỗ trợ thêm cho các hộ dân này. Từ đó đến nay, các hộ dân liên tục tổ chức ngăn cản không cho các đơn vị thi công.

Để đảm bảo tiến độ thi công dự án, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức bảo vệ thi công dự án đường cao tốc. Sau thời gian bảo vệ thi công, một số hộ dân lại tiếp tục ra cản trở không cho thi công. Thủ tướng Chính phủ có nhiều công điện và chỉ đạo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp thị sát hiện trường, làm việc với các địa phương yêu cầu phải khẩn trương bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo thị xã Phúc Yên và chủ đầu tư đã trả lời các câu hỏi xung quanh vấn đề liên quan đến tiến độ thi công dự án có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân không; lý do hiện nay người dân đang chống đối lại các đơn vị thi công; hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân vùng thu hồi đất; ai chịu trách nhiệm khi để dân chiếm lại mặt bằng; làm thế nào để giải quyết việc người dân đang chiếm giữ mặt bằng…

Trả lời câu hỏi làm thế nào để giải quyết việc người dân đang chiếm giữ mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, ông Khổng Sơn Trường - Bí thư Thị ủy Phúc Yên cho biết: “Phương châm của tỉnh là kiên trì vận động, thuyết phục người dân trả lại đất, giải tỏa đám đông. Nếu người dân cố tình không chấp hành, tỉnh sẽ huy động các đơn vị dân sự vào tháo dỡ lều trại. Nếu người dân cố tình chống đối mới phải dùng lực lượng để bảo vệ thi công. Tuy nhiên phải làm đúng chính sách và đảm bảo an toàn cho lực lượng bảo vệ và người dân”.

Ông Khổng Sơn Trường cho biết, lãnh đạo địa phương mong muốn người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định và bàn giao mặt bằng cho việc thi công dự án, đồng thời cũng có phương án xử lý các tình huống để đảm bảo mặt bằng thi công dự án./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên