Hợp tác nghề cá vì phát triển bền vững ở Biển Đông
VOV.VN - Ngày 15/3, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Đối thoại Biển lần 2 với chủ đề “Hợp tác nghề cá ở Biển Đông”.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Lê Hải Bình bày tỏ lo ngại rằng, trong vài thập kỷ qua, tình trạng đánh bắt cá bừa bãi, đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông đã dẫn đến việc trữ lượng cá dự trữ tại đây giảm mạnh. Ông Lê Hải Bình dẫn thông tin từ các nghiên cứu cho thấy, trữ lượng cá dự trữ tại đây chỉ còn ở mức 5% so với những năm 1990.
Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu khai mạc Đối thoại. Ảnh: Hùng Cường
Cũng theo ông Lê Hải Bình, việc trữ lượng cá bị sụt giảm mạnh không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế mà còn cả xã hội và mưu sinh của những người sinh sống dựa vào nghề cá trên Biển Đông.
Chính vì thế, ông Lê Hải Bình khẳng định, việc hợp tác đánh bắt cá trên Biển Đông cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định trên biển, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.
Ngoài ra, các bên tham gia vào việc đánh bắt cá ở Biển Đông cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ hệ sinh thái của vùng biển trong khu vực.
Ông Lê Hải Bình cho biết, cuộc Đối thoại lần 2 này tạo cơ hội để các chuyên gia, học giả, thảo luận và chia sẻ quan điểm về cách thức quản trị đại dương và đánh bắt cá bền vững.
Các diễn giả trao đổi tại Đối thoại. Ảnh: Hùng Cường |
Các chuyên gia tham gia Đối thoại cũng đồng tình với quan điểm của ông Lê Hải Bình và cho rằng, là một quốc gia phụ thuộc vào kinh tế biển và nguồn lợi thủy, hải sản, giờ là lúc Việt Nam cần phải tìm cách hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực không chỉ trong việc bảo vệ nghề cá mà còn trong lĩnh vực bảo vệ đại dương.
Nhiều chuyên gia cho rằng, từ những kinh nghiệm quý báu mà Trung Quốc, Indonesia và cả nước chủ nhà Việt Nam chia sẻ, các bên tham gia đánh bắt cá ở Biển Đông sẽ sớm tìm ra những cách thức phù hợp đối với mỗi quốc gia để có thể đạt được mục tiêu phát triển nghề đánh bắt cá trong khi vẫn bảo tồn được môi trường và sự cân bằng sinh thái trong khu vực./.