Hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung từ 1/5

Thông tư Liên tịch số 03/2009 do Bộ Nội vụ-Bộ Tài chính ban hành quy định, mức lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tính bằng mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/người/tháng nhân với hệ số lương, phụ cấp hiện hưởng.

Liên Bộ Nội vụ-Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có các hướng dẫn cụ thể về thực hiện mức lương tối thiểu chung mới 650.000 đồng/tháng từ ngày 1/5/2009 đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị sự nghiệp; công ty nhà nước và công ty TNHH 1 thành viên và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng nghỉ hưu và mức trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã đã nghỉ việc.

Thông tư Liên tịch số 03/2009 do Bộ Nội vụ-Bộ Tài chính ban hành quy định, mức lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tính bằng mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/người/tháng nhân với hệ số lương, phụ cấp hiện hưởng.

Đối với người lao động trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập sẽ căn cứ vào mức lương tối thiểu chung để tính mức lương ghi trong hợp đồng; tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Đại biểu HĐND các cấp sẽ tính lương theo công thức: mức lương tối thiểu nhân với hệ số hoạt động phí theo quy định.

Người làm công tác cơ yếu là quân nhân, công an nhân dân áp dụng cách tính mức lương và phụ cấp theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Theo Thông tư 10/2009/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cách tính mức lương trong các thang lương, bảng lương và phụ cấp lương cho người lao động tại công ty nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được thực hiện tương tự như cách tính đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Các công ty nhà nước được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2003 và một số đơn vị đang áp dụng chế độ tiền lương như công ty nhà nước áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 1,34 hoặc 2 lần so với mức lương tối thiểu chung để tính đơn giá tiền lương.

Ngoài ra, trợ cấp mất việc làm và đi tìm việc làm mới của người lao động dôi dư thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, hay trợ cấp thêm của người lao động dôi dư thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi cũng được tính theo mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/tháng.

Mức tiền ăn giữa ca trong công ty nhà nước không vượt quá 550.000 đồng/tháng.

Cùng với việc thực hiện cách tính lương mới,  Thông tư 11/2009/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định, từ 1/5/2009, tăng 5% lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cho cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng...

Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng được tăng mức trợ cấp 20,37% so với mức hiện hưởng.

Ngoài ra, mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/tháng cũng được áp dụng để tính trợ cấp cho người hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước ngày 1/5/2009; người đang hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản trước ngày 1/5/2009 mà từ sau 1/5/2009 vẫn còn thời hạn được hưởng trợ cấp.

Người đang hưởng lương hưu mà sống cô đơn, nếu mức lương hưu điều chỉnh thấp hơn 975.000 đồng/tháng, thì từ 1/5/2009, được điều chỉnh bằng 975.000 đồng/tháng….

Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT-BNV-BTC do Bộ Nội vụ-Bộ Tài chính ban hành quy định về việc điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã nghỉ việc. Theo đó, mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu nghỉ việc được tăng thêm 5%. Cụ thể, mức trợ cấp đối với cán bộ xã nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là 820.000 đồng/tháng; cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực đảng ủy, Ủy viên Thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã là 790.000 đồng/tháng; các chức danh còn lại là 725.000 đồng/tháng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên