Khai thác thủy sản theo hướng tận diệt ở Cà Mau

Tại các vùng biển của tỉnh Cà Mau, hàng chục chiếc ghe được trang bị máy nổ, bộ kích điện, bình ắc-quy, lưới giăng công khai đánh bắt cá trên biển.

Cà Mau là tỉnh có bờ biển dài với ngư trường rộng lớn, là điều kiện để ngành thủy sản phát triển bền vững. Tuy nhiên, do một số ngư dân khai thác không đúng quy định, nguồn lợi thủy sản Cà Mau đã giảm xuống đến mức báo động và có nguy cơ cạn kiệt trong thời gian tới.

Trước hết xin kể đến việc một số ngư dân Cà Mau sử dụng xung điện để khai thác cá. Đây là phương tiện rẻ tiền nhưng khai thác rất hiệu quả so với các phương tiện khác. Vào những ngày của tháng 7 và tháng 8 này, hầu hết các vùng biển của tỉnh Cà Mau, hàng chục chiếc ghe được trang bị máy nổ, bộ kích điện, bình ắc-quy, lưới giăng công khai đánh bắt cá trên biển.

Không chỉ dùng xung điện đánh bắt thủy hải sản, nhiều ngư dân còn bất chấp nguy hiểm sử dụng cả thuốc nổ, lưới cào để đánh bắt gây suy thoái, ô nhiễm môi trường. Hầu hết các phương tiện này chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Với cách khai thác này, chỉ cần 1 ngòi thuốc nổ thì tất cả loại thuỷ sản lớn nhỏ đều chết nổi trên mặt nước.

Ông Đỗ Chí Sỹ, Chi cục trưởng, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: Ngoài việc sử dụng hóa chất, xung điện ngư dân Cà Mau còn làm những nghề đã bị cấm như te và cào bay. “Hiện có khoảng 700 phương tiện hoạt động bằng nghề sát hại nguồn lợi thủy sản. Nguy hiểm nhất là những cào bay, nghề cào đôi, tàu sử dụng công suất rất lớn.  Những nghề này hoạt động ảnh hưởng rất lớn” – ông Sỹ nói.

Việc sử dụng quá nhiều phương tiện khai thác mang tính hủy diệt đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh vật nhỏ và những ấu trùng mới sinh; trữ lượng cá trên vùng biển Cà Mau từ đó cũng đã giảm đáng kể. Công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý ở tỉnh từ nhiều năm nay đã được triển khai thường xuyên nhưng không những không đẩy lùi mà thực trạng này ngày càng diễn biến phức tạp hơn; tác động tiêu cực đến ngành thủy sản địa phương.

Ông Trần Trọng Hiệp, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: Tình trạng khai thác cá mang tính hủy diệt diễn ra phất phổ biến, nhưng việc phát hiện xử phạt hành chính không nhiều vì phần lớn những người sử dụng phương tiện này đều là hộ nghèo; không có tiền đóng phạt; trong khi ghe, tàu là tài sản duy nhất của cả gia đình. Do đó công tác kiểm tra, phát hiện, tịch thu phương tiện và xử phạt hành chính của địa phương diễn ra rất khó khăn.

Ông Trần Trọng Hiệp cho biết thêm: Việc triển khai bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sắp tới là vô cùng cần thiết để bảo vệ giống loài những loài thủy sản có nguy cơ tuyệt chủng nhằm đảm bảm cho cuộc sống của bà con ngư dân là hết sức cần thiết. Chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng cho bà con hiểu về nguồn lợi thủy sản đó là bảo vệ chính cho mình; tiếp tục tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý thủy sản ở địa phương về ngành thủy sản để nâng cao tay nghề để thực hiện nhiệm vụ này được tốt hơn.

Rõ ràng, việc một số ngư dân ở Cà Mau sử dụng các phương tiện khai thác thủy sản mang tính hủy diệt đã tồn tại từ nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa được đẩy lùi do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đã đến lúc các cấp, các ngành ở Cà Mau cần thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn nữa để chấm dứt tình trạng này, bảo vệ môi trường và đặc biệt bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giúp  phần đông bà con ngư dân Cà Mau có cuộc sống khấm khá hơn từ nguồn tài nguyên quý giá từ biển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên