Khoảnh khắc và mãi mãi

Từ khoảnh khắc truyền đi lời Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập trên làn sóng phát thanh vào lúc 14h chiều 2/9/1945, Đài TNVN đã trở thành một chứng nhân lịch sử

Khi ông Nguyễn Cung, nhà kỹ thuật phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam nghỉ hưu thì tôi mấp mé tuổi bốn mươi, thành ra câu chuyện của một già một trẻ hay bị ngắt quãng. Ông thì say sưa kể về kỹ thuật vô tuyến điện những ngày đầu lập nước Việt Nam mới, còn tôi thì hay hỏi về tiết trời, mưa nắng, cảm xúc. Cuối câu chuyện, ông nheo nheo mắt, thả giọng: “Sáng mùng 2/9/1945, đã có gió heo may, se se, nhưng người tôi nóng bừng, mướt mát mồ hôi, vì phải làm một việc hệ trọng…”.

Ông được tổ chức phân công đưa máy phát sóng phát thanh 300W vừa được cải tiến từ máy phát tín lên nóc nhà số 4 Đinh Lễ, trụ sở của Nha Thông tin để truyền thử tín hiệu từ cuộc mít tinh lớn ở quảng trường Ba Đình. Hồi ấy bí mật lắm. Ông chỉ biết là buổi chiều, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào, còn nội dung cuộc lễ thế nào, kéo dài bao lâu thì không được biết. Mấy ngày trước, ở đài phát tín Bạch Mai, ông đã cho thử đi thử lại nhiều lần máy phát sóng phát thanh với câu nói đầu tiên “Đây là Đài Phát thanh Việt Nam” với đĩa nhạc Tây, bài hát tiền chiến. Các nơi thông báo về là có nghe được. Ông và anh em trong nhóm kỹ thuật mừng lắm. Nhưng bây giờ làm thử như thật, mà phát đi một sự kiện rất hệ trọng của cách mạng, của nước Việt Nam mới, nên ông lo lắm. Nhỡ thử kêu, đốt tịt thì sao?

Hai giờ chiều. Cuộc lễ bắt đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tiếng Bác được truyền qua làn sóng, phát lên không trung, lan tỏa khắp trời Hà Nội: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Sau khi Chính phủ lâm thời long trọng tuyên thệ trước quốc dân, đồng bào, Hồ Chủ tịch nói: “Độc lập, tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”.

Nhà báo lão thành Nguyễn Văn Nhất, một trong 10 người đầu tiên khởi nghiệp Phát thanh Việt Nam kể lại: 11giờ trưa ngày 7/9/1945, tức là 5 ngày sau Đại lễ Quốc khánh, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam mới được thành lập với đầy đủ các bộ phận, tên gọi, danh xưng, nhạc hiệu, nhưng nếu Đài là chứng nhân lịch sử thì phải là 2 giờ chiều ngày 2/9/1945 - Khoảnh khắc lịch sử truyền đi lời Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập trên làn sóng phát thanh. Tiếng Bác ấm áp, lời văn Tuyên ngôn bình dị, dễ hiểu mà sâu sắc, nên khi được phân công soạn chương trình phát thanh đầu tiên, ông Nguyễn Văn Nhất trang trọng giới thiệu và đọc đĩnh đạc, rành rọt toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập. Tiếp đến là bài của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ Chính phủ Lâm thời, kiêm Tổng Chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng kêu gọi toàn dân đoàn kết giúp đỡ, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, quân đội cách mạng.

Trong lời tựa cuốn “Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1995, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Khoảnh khắc thời gian ấy, giờ phút lịch sử ấy chỉ diễn ra trong 90 phút, nhưng mãi mãi in đậm vào ký ức của người Việt Nam”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên