Thị trường xuất khẩu lao động UAE:

Kỳ 2: Để kéo dài hồi thái lai…

Muốn giữ gìn và phát triển một thị trường với nhiều cơ hội như UAE, cần có sự siết chặt quản lý của cơ quan chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu lao động và ý thức chấp hành kỷ luật của người lao động

>> Kỳ 1: Qua rồi cơn bĩ cực

Bên cạnh số đông LĐ chăm chỉ, có ý thức chấp hành kỷ luật tốt, được chủ sử dụng khen ngợi thì khi đến UAE lần này, tôi được nghe không ít những lời than phiền. Ngoài những yếu kém mang tính “trường diễn” như tay nghề, ngoại ngữ thì ý thức tổ chức kỷ luật, tính chấp pháp luôn là những vấn đề đang lo ngại nhất.

Lao động vi phạm- vẫn là những câu chuyện dài

Cách đây hơn 2 năm, lần đầu tiên tôi có mặt tại Trung Đông, khi ấy, số lượng LĐ Việt Nam mới khoảng trên 7.000 người, những căn bệnh ở các thị trường truyền thống như: Uống rượu, đánh bài, đánh nhau, ăn cắp… cũng chỉ mới xuất hiện ở mức độ “manh nha”. Tuy nhiên, quay trở lại lần này, tôi thực sự ngỡ ngàng vì sức “sáng tạo” và mức độ vi phạm của LĐ chúng ta là vô hạn

Tôi gặp anh Nguyễn Chiến Thắng quê ở Hà Tĩnh, một lao động kỳ cựu với hơn 10 năm làm việc ở đất nước này. Mức lương trên dưới 20 triệu đồng, mỗi năm về phép một lần, chi phí đi lại chủ sử dụng trả, ngày công vẫn được tính… với anh chẳng có điều gì đáng phàn nàn. Tuy nhiên, điều mà anh Thắng cảm thấy ái ngại nhất chính là những phức tạp mà những người LĐ đồng hương liên tục gây ra. Theo anh Thắng, tình trạng quan hệ nam nữ bừa bãi, trộm cắp, gây rối trật tự… không còn là hiện tượng đơn lẻ nữa mà thực sự là căn bệnh trầm kha và phổ biến ở những nơi tập trung nhiều LĐ Việt Nam. “Tôi thực sự xấu hổ mỗi khi nghe giới chủ nhắc đến những phức tạp mà đồng hương của mình gây nên” anh Thắng tâm sự.

Tập đoàn xây dựng China State có mặt ở thị trường UAE đã 5 năm. Họ sử dụng LĐ trên 20 quốc gia, có biện pháp quản lý LĐ khá chặt chẽ. Thế nhưng, cách đây ít lâu và cũng là lần đầu tiên họ phải cầu cứu sự can thiệp của cảnh sát Dubai trước cảnh quậy tưng bừng của nhóm LĐ Việt Nam tại Camp (ký túc xá của người LĐ).

Cầm đầu nhóm quậy phá là Đỗ Thanh Tùng (thôn Trịnh Hà, xã Hoàng Trung, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Dù làm ở vị trí foreman (quản lý một nhóm LĐ), mức lương trên 3.000 Dh/tháng, nhưng Tùng lại thường xuyên kích động anh em gây rối đánh lộn, gây mất đoàn kết trong nội bộ. Cho đến khi vụ ẩu đả gây hỗn loạn khu ký túc xá, phải nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát, trật tự mới được lập lại. Sau vụ việc, Tùng cùng với 3 LĐ khác bị trục xuất về nước. 2 LĐ khác phạm tội uống rượu cũng cùng chung số phận.

Khi chúng tôi trực tiếp xuống thăm  nơi ăn ở của LĐ Việt Nam, bên cạnh đa số anh em có ý thức tổ chức kỷ luật tốt thì vẫn có những LĐ tỏ thái độ bất cần, kích động các LĐ khác, thậm chí “quây” đoàn cán bộ với những câu nói khó nghe. Ông Ly Xiaohan – phó GĐ nhân sự công ty tỏ thái độ không hài lòng với một bộ phận LĐ Việt Nam: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận LĐ có thể chưa giỏi về tay nghề nhưng phải có ý thức kỷ luật tốt. Thời gian qua chúng tôi đã siết chặt quản lý, không chấp nhận bất kỳ vi phạm nào gây ảnh hưởng đến uy tín công ty cũng như chất lượng công trình. Sẽ thanh lọc và trục xuất những LĐ có ý thức tổ chức kém”- ông Ly cương quyết… Và để chứng minh quan điểm của công ty, trong bảng danh sách “đen” đã có tên 11 LĐ. 5 trong số 11 lao động đó được gia hạn thử thách trong 1 tháng. 6 LĐ còn lại sẽ phải trở về nước trong nay mai.

Ông Nguyễn Xuân Vui- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần và Dịch vụ thương mại hàng không Airseco, DN Việt Nam duy nhất cung ứng LĐ cho tập đoàn China State cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã rất thận trọng trong công tác tuyển chọn LĐ, giáo dục định hướng, cương quyết loại trừ những LĐ kém ngay từ khi đào tạo, nhưng cũng không thể sàng lọc hết. Những LĐ phải về nước như thế, thiệt hại chia đều cho cả 3 bên nhưng là biện pháp cần thiết”.

Không chỉ dừng lại ở những vụ việc đánh lộn, uống rượu mà LĐ Việt Nam còn gây ra những vụ việc tày đình. Theo ông Nguyễn Quang Khai, Đại sứ Việt Nam tại UAE, hơn 1 năm ở cương vị Đại sứ, ông Khai thường xuyên nhận được những thông báo, những cuộc điện thoại về việc LĐ trộm cắp. Vừa mới đây, Đại sứ nhận được thông báo về vụ việc một LĐ phạm tội giết người. LĐ này ở Phú Thọ, sang lao động rồi trốn ra ngoài sống lưu vong và hành nghề trộm cắp. Trong một lần lấy cắp đồ điện tử đã bị một LĐ người Bangladesh phát hiện, tên trộm này đã dùng dây trói nạn nhân, lấy băng dính dán mồm, mũi, gây nghẹt thở và dẫn đến tử vong…

Hiện nay ở UAE cũng đã xuất hiện những băng nhóm tội phạm người Việt. Mới đây cảnh sát UAE đã tóm gọn 1 băng nhóm gồm 5 tên chuyên hành nghề cạy cửa siêu thị, cửa hàng, ăn trộm máy tính. Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, số lượng LĐ Việt Nam phạm pháp đang phải thụ án có thể  lên tới hàng trăm người. Có nhiều người phải chịu mức án cao nhất trong khung hình phạt của UAE.

Một vấn đề mới nhưng đã ở cấp độ báo động là việc lao động bỏ trốn. Hiện nay có hàng trăm LĐ đã phá hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài. Nổi đình đám nhất là Công ty Simco Sông Đà có tới 55 LĐ trốn ra ngoài làm… Điều này đã tác động tiêu cực đến cách nhìn của chủ sử dụng đối với LĐ Việt Nam.

Xuất khẩu LĐ sang UAE: Tăng “lượng”, giảm “chất”!

Năm 2007, theo con số thống kê của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động TBXH, có khoảng 20 DN đăng ký đưa LĐ sang thị trường Trung Đông. Tuy nhiên chỉ sau hơn 2 năm, chỉ tính riêng thị trường UAE, con số này đã tăng lên hơn 50 DN. Số lượng DN tham gia thị trường đông nhưng số LĐ được đưa sang lại tăng không đáng kể. Nếu như thời điểm đầu năm 2007 đã có khoảng trên 4.000 LĐ sang UAE theo con đường chính thống thì sau hơn 2 năm, số LĐ hiện nay là 10.000 người. 

Những năm trước Việt Nam và UAE chưa có một thỏa thuận nào về vấn đề LĐ, cũng chưa có Ban quản lý LĐ tại thị trường này thì đến nay chúng ta đã có ký kết các bản ghi nhớ (MOU) với UAE, có nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao để xúc tiến hợp tác LĐ và đã có Ban quản lý LĐ, song số lượng và chất lượng LĐ cũng chưa được cải thiện.. Theo thống kê, trong số 50 DN thì chỉ có 18 DN đưa được trên 100 LĐ!!! Chưa nói đến những thiếu sót, tồn tại của các DN mà chỉ nhìn vào công tác quản lý của chúng ta còn nhiều bất cập. Dù đã có Ban quản lý LĐ của Cục Quản lý LĐ ngoài nước tại UAE và đầu năm 2009 đã cử cán bộ phụ trách về LĐ nằm trong sứ quán song thực tế việc quản lý vẫn luôn “nằm ngoài tầm kiểm soát”.

Những thông tin mà ông Nguyễn Quang Khai - Đại sứ Việt Nam tại UAE đưa ra đã khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Ông Khai nói: “Chúng tôi hoàn toàn không nắm được hiện nay có bao nhiêu DN đưa LĐ sang bên này. Họ không thực hiện chế độ báo cáo với Đại sứ quán. Có những DN như Công ty Cổ phần Xây dựng và Cung ứng LĐ Quốc tế; Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, Công ty Dịch vụ thương mại và XKLĐ Trường Sơn đưa hàng trăm LĐ từ nhiều năm nay mà bây giờ mới thực hiện báo cáo”.

Do không nắm được số lượng DN cũng như LĐ chính xác nên vấn đề bảo hộ công dân trên đất bạn là hết sức khó khăn. Cũng theo ông Khai, mặc dù số lượng DN tham gia đưa LĐ sang đây có thể lên đến hàng chục, có DN hiện có đến hàng ngàn LĐ song đến nay chỉ có duy nhất Công ty Airseco có văn phòng đại diện bên này.

Có đi thực tế mới thấy, người LĐ đi XKLĐ gặp vô vàn khó khăn trên đất khách. Công ty Airseco dù có tới 4 đại diện nằm vùng tại UAE, thường xuyên cắm chốt ở các ký túc xá, các công trường nhằm giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho người LĐ mà nào đã hết những khó khăn, bức xúc. Huống hồ những DN chỉ làm nhiệm vụ thu tiền, đưa LĐ sang và… chấm hết, khác nào đem con bỏ chợ. Không chỉ “phủi trách nhiệm” mà nhiều DN đã có dấu hiệu lừa đảo như đưa LĐ sang bằng vida du lịch. Nhiều LĐ không có việc làm, sống chui lủi, cù bơ cù bất trên đất người. Thậm chí cách đây không lâu, một nhóm LĐ rơi vào cảnh “trở đi mắc núi, trở về mắc sông” khi không có visa, không được nhập cảnh. Muốn về nước cũng không có tiền, vậy là “chôn chân” ở sân bay Dubai nhiều ngày.

Một dạng lừa đảo khác tinh vi hơn cũng đã xuất hiện. Người môi giới bắt người LĐ ký 2 hợp đồng với 2 mức lương khác nhau: một ký với chủ sử dụng để làm thủ tục trả lương, một ký với người môi giới với mức lương rất thấp. Người môi giới nhận lương từ chủ và chỉ trả cho người LĐ với mức lương theo hợp đồng thứ 2.

Do bị bỏ rơi nên gặp những vấn đề khó khăn không thể tự giải quyết được, người LĐ chỉ còn biết “bấu víu” vào Đại sứ quán. Có nhiều hôm, 50- 70 LĐ đến “ăn vạ” ở Đại sứ quán. Hiện cán bộ Đại sứ quán phải thường xuyên trực tiếp đi giải quyết hầu hết những vụ việc phát sinh và khiếu nại của LĐ. Mà thực tế Đại sứ quán chỉ có 6 người với nhiều công việc phải đảm nhiệm.

Mặc dù chính thức có trên 20 DN đưa LĐ sang làm việc tại UAE song trên thực tế, nhiều công ty đưa LĐ sang không qua Bộ LĐ-TB&XH thẩm định. Hôm chúng tôi đến thăm một công trường, trao đổi với một số LĐ, nhiều anh em đã thật thà nói rằng, đã có "đường dây" có "mối" chào hàng, rủ rê LĐ bỏ trốn đến nơi khác có thu nhập cao hơn. Thậm chí họ còn biết những đường dây đưa người đi theo con đường du lịch.

Những khuất tất, thiếu trách nhiệm của các DN, những bất cập của cơ quan quản lý là những nguyên nhân khiến người LĐ khi sang làm việc, đối mặt với thực tế đã vỡ mộng, dẫn đến những hành vi tiêu cực.

Để không theo vết xe đổ tại thị trường Qatar

Bên cạnh những “điểm sáng lung linh” như: nhanh nhẹn, thông minh, làm việc chăm chỉ thì những tồn tại, những căn bệnh nêu trên đã khiến nhiều chủ sử dụng LĐ e ngại, thậm chí họ chấp nhận thiệt hại, đành lòng phá bỏ hợp đồng tiếp nhận LĐ Việt Nam. Bài học “nhãn tiền” và đắt giá về một thị trường tương tự là Qatar vẫn còn đó. Chỉ cách đây chưa đầy 3 năm, Qatar còn là thị trường tiềm năng, cũng là điểm đến hấp dẫn của LĐ Việt Nam. Thế nhưng chỉ sau vài năm tiếp nhận LĐ, cánh cửa vốn rộng mở ấy đã khép lại. Làm gì để giữ và ổn định một thị trường mà chúng ta vẫn đánh giá là tiềm năng này?

Ông Nguyễn Xuân Vui- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần và dịch vụ thương mại Airserco, người nhiều năm lăn lộn ở thị trường UAE và cũng là DN đưa được nhiều LĐ nhất hiện nay, cho rằng: “Chúng ta không thể đưa LĐ đi bằng mọi giá. Để giữ vững thị trường, cách thuyết phục chủ sử dụng lao động tốt nhất phải bằng chất lượng LĐ và chất lượng DN XKLĐ. Cơ quan quản lý phải đưa ra những tiêu chí rõ ràng cho các DN khi tham gia vào thị trường này như cần có văn phòng đại diện…, cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm minh những DN vi phạm hoặc hoạt động kém hiệu quả”.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, thời điểm này, cơ hội để chúng ta “ghi bàn” là rất lớn. “Trước hết Cục Quản lý lao động ngoài nước phải tăng cường công tác quản lý, siết chặt hoạt động của các DN. Đề nghị Cục rút giấy phép những DN vi phạm hoặc hoạt động không hiệu quả. Về phía các DN, cần phải tập trung cho công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ thật tốt và đặc biệt chú trọng giáo dục định hướng cho người LĐ”- Đại sứ nhấn mạnh.

Kinh tế UAE đang có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu tiếp nhận LĐ số lượng lớn đang mở ra cơ hội cho LĐ các nước, trong đó có LĐ Việt Nam. Hy vọng đó không phải là cánh cửa mở ra rồi lại đóng lại với LĐ của chúng ta như một số thị trường khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên