Lấy mẫu xăng ở các vùng có xe cháy kiểm tra acetone

Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN) cho biết đang cử cán bộ đi các vùng có xe máy bị cháy để thu thập mẫu xăng về kiểm tra acetone.

Trước thực tế hàng loạt xe máy, ô tô bỗng nhiên bốc cháy, trong khi cơ quan chức năng chưa thể đưa ra nguyên nhân cụ thể, người dân đặt câu hỏi tập trung vào chất lượng xăng.

Nhiều ý kiến cho rằng, các chủ cây xăng đã pha acetone vào xăng vì mục đích lợi nhuận đã gây nên những vụ cháy, nổ kinh hoàng thời gian qua.

Tuy nhiên, ý kiến chuyên gia cho rằng, khả năng cháy xe do xăng “bẩn” hay pha acetone rất khó xảy ra.

Một điểm bán xăng E5 (Ảnh:tienphong)

Trả lời báo Datviet, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN) cho biết đang cử cán bộ đi các vùng có xe máy bị cháy để thu thập mẫu xăng về kiểm tra acetone, các chỉ tiêu đặc dụng xem có gì bất thường. Tổng cục cũng gửi công văn đến các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng để phối hợp thực hiện.

“Mặc dù xăng là chất dễ cháy, nhưng về nguyên tắc không thể tự cháy nổ. Nhưng tôi được biết có trường hợp ở Đà Nẵng, xe tắt máy vẫn bị cháy”, ông Vinh nói và cho biết vừa qua ở TP.HCM cũng xảy ra vụ cháy xe, do được dập tắt kịp thời, bình xăng và ống dẫn xăng vẫn nguyên, chứng tỏ không phải do rò rỉ xăng mà là nguyên nhân khác.

Về ý kiến cho rằng xăng E5 là nguyên nhân gây cháy, nổ xe, TS Phan Ngọc Trung, Viện trưởng Viện Dầu khí Quốc gia khẳng định điều này không hoàn toàn hợp lý, vì loại xăng Ethanol được sử dụng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, do đó không thể đổ lỗi cho loại xăng này.

Xăng Ethanol là hỗn hợp xăng truyền thống (A92) với ethanol. Tùy hàm lượng ethanol mà có các loại xăng khác nhau. Hiện ở VN đang cho sử dụng loại xăng Ethanol E5 (là hỗn hợp của 5% Ethanol và 95% xăng A92). Loại xăng này có trị số octan cao (khoảng 95%). Khi pha vào xăng gốc, nó cũng làm tăng trị số octan của hỗn hợp nhiên liệu nên khả năng chống kích nổ của động cơ tăng, giúp nâng cao hiệu suất cháy và công suất động cơ đồng thời giúp giảm phát thải hydrocarbon (HC) và monoxide carbon (CO).

Như vậy, có thể nói, đến thời điểm này việc tìm ra nguyên nhân thực sự khiến từ xe máy đến ô tô biến thành “ngọn đuốc” vẫn chưa tiến triển là bao. Công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân vẫn đang được các cơ quan chức nặng, đơn vị liên quan tiến hành. Hy vọng rằng, “thủ phạm” gây ra các vụ cháy, nổ xe sớm được làm rõ để người dân có thể yên tâm và có cách phòng tranh phù hợp./.

Tin bài liên quan:

  • Xe cháy, nổ vì xăng có pha acetone ?
  • Ô tô trong gara “bỗng dưng”… cháy rụi
  • Ô tô Lacetti bốc cháy dữ dội
  • Xe máy lại bùng cháy dữ dội trên đường phố
  • Thêm 2 xe máy Luvias và Air Blade bỗng dưng... bốc cháy
  • Cận cảnh chiếc xe Luvias bị cháy rụi ở TP HCM
  • Cần thêm thời gian để kết luận về các vụ cháy nổ ô tô, xe máy
  • Thêm xe Air Blade và Wave Alpha bốc cháy
  • Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên