Mía cháy không rõ nguyên nhân ở Gia Lai

(VOV) -Nghi vấn do tranh chấp vùng nguyên liệu, dẫn đến có người phóng hỏa đốt mía khiến người trồng mía lo lắng.

Các huyện phía đông nam tỉnh Gia Lai là vùng nguyên liệu mía trọng điểm của tỉnh và khu vực Tây Nguyên, với hơn 7.000ha. Nhưng đây cũng đang là vùng trọng điểm xảy ra cháy mía. Mỗi năm có hàng trăm vụ cháy, thiệt hại đến gần nghìn ha mía với trị giá vài chục tỷ đồng. Ngoài vấn đề thời tiết hanh khô, nghi vấn do tranh chấp vùng nguyên liệu, dẫn đến có người phóng hỏa đốt mía là vấn đề không nhỏ khiến người trồng mía lo lắng, đứng ngồi không yên. Đáng nói là vấn đề  đã tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa có câu trả lời rõ ràng.

Mía cháy là mía đắng, vì thế những nông dân gắn bó với nghề trồng mía ở vùng đông nam tỉnh Gia Lai rất cẩn thận trong việc đề phòng lửa. Thế nhưng, không rõ nguyên nhân vì sao, khoảng vài năm trở lại đây, năm nào trong vùng cũng liên tiếp xảy ra cháy mía. Bà con nông dân một nắng hai sương chỉ biết ngậm ngùi xót xa và bức xúc khi ruộng mía của gia đình bị cháy.

Hàng ngàn nông dân trồng mía tại Gia Lai đã phải chịu thiệt hại nặng nề do ruộng mía bị cháy (Ảnh: tintaynguyen.com)

Ước tính, cứ mỗi ha mía bị cháy, nông dân bị thiệt hại khoảng 25 -30 triệu đồng. Đó là trong trường hợp các nhà máy chế biến mía đường đầu tư vào vùng nguyên liệu trong vùng chia sẻ khó khăn với nông dân. Ông Nguyễn Văn Lừng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường - nhiệt điện Gia Lai cho biết: Trong điều khoản của hợp đồng đầu tư vào vùng nguyên liệu, các nhà máy có quyền không thu mua mía bị cháy, tuy nhiên, để nông dân gắn bó với nhà máy, với cây mía, việc chia sẻ khó khăn với nông dân là đương nhiên.

Trước thực trạng mía ồ ạt bị cháy, chính quyền, ngành chức năng cùng các nhà máy mía đường trong vùng đã thành lập 4 đội phòng chống cháy cho vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, hiệu quả của 4 đội này là không đáng kể, khi thiếu các phương tiện cần thiết như xe cứu hỏa hay bình dập lửa. Cùng với đó, đường đi lại khó khăn khiến hầu hết các ruộng mía nếu xảy ra cháy thì bị cháy hoàn toàn. Tính đến thời điểm này vụ mía 2012 - 2013, toàn vùng đông nam của tỉnh Gia Lai đã có gần 700ha mía bị cháy, ước tổng thiệt hại trên 15 tỷ đồng.

Số vụ cháy, diện tích mía bị cháy tăng đột biến khiến nhiều người đặt nghi vấn có người cố tình phóng hỏa. Ngành chức năng các huyện trong vùng cũng đã vào cuộc điều tra nguyên nhân. Tuy nhiên, vẫn chưa có vụ mía cháy nào xác định rõ nguyên nhân.

Thượng tá Lê Quang Trung, Phó Trưởng công an huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cho biết: “Vụ mía năm 2012 – 2013, trên địa bàn huyện Phú Thiện xảy ra rất nhiều vụ cháy. Sau khi nhận công văn của nhà máy đường phản ánh về việc mía cháy, lãnh đạo Công an huyện đã cử cán bộ xuống địa bàn phối hợp với công an các xã, thị trấn nơi xảy ra các vụ cháy mía để xác minh làm rõ. Quá trình điều tra, Công an huyện chưa phát hiện được vụ nào mà do mẫu thuẫn đốt mía”.

Với  hơn 7.000 ha mía nhưng đến thời điểm này, ở vùng đông nam Gia Lai đã có tới khoảng 700ha bị cháy. Trong khi đó, cùng điều kiện tự nhiên, nhưng theo thống kê, ở vùng nguyên liệu mía các huyện phía đông tỉnh mới chỉ có 40ha bị cháy trong tổng số hơn 22.000 ha mía nguyên liệu. Chỉ dựa vào con số này, nhiều người nghi ngờ đã có kẻ cố tình phóng hỏa đốt mía trong vùng.

Sợ mía cháy, sợ ép cấp ép giá, nông dân tìm cách bán mía sang các địa phương khác. Theo tìm hiểu của phóng viên, ở vùng nguyên liệu mía đông nam của tỉnh Gia Lai đã có luật bất thành văn nhằm ngăn chặn việc bán mía ra khỏi vùng, nó được hiểu như là “ngăn sông cấm chợ” vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên, hiện mỗi ngày vẫn có khoảng vài chục xe tải chở mía “chui” đi xuống tỉnh Phú Yên hoặc ngược lên tỉnh Kon Tum. Việc tranh chấp vùng nguyên liệu là có cơ sở khi hiện trong vùng đông nam của tỉnh Gia Lai thì đang thừa, còn các khu vực khác thì đang “khát” mía nguyên liệu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khô hạn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ
Khô hạn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

(VOV) -Lượng mưa và dòng chảy đều hụt so với trung bình nhiều năm khiến các hồ chứa mực nước thấp hơn bình thường

Khô hạn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Khô hạn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

(VOV) -Lượng mưa và dòng chảy đều hụt so với trung bình nhiều năm khiến các hồ chứa mực nước thấp hơn bình thường

Cà phê Tây Nguyên tiếp tục giảm giá
Cà phê Tây Nguyên tiếp tục giảm giá

(VOV) - Giá cà phê sáng nay giảm thêm 500.000 đồng/tấn xuống bình quân 43,8 - 44 triệu đồng/tấn.

Cà phê Tây Nguyên tiếp tục giảm giá

Cà phê Tây Nguyên tiếp tục giảm giá

(VOV) - Giá cà phê sáng nay giảm thêm 500.000 đồng/tấn xuống bình quân 43,8 - 44 triệu đồng/tấn.