Miền Trung chìm trong mưa lũ

Do ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới, từ Đà Nẵng đến Bình Định hiện đang có mưa to và rất to, bước đầu đã gây một số thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân.

Tại Quảng Trị, từ chiều tối qua cho đến 7 giờ sáng nay (4/9) lượng mưa đo được ở xã Hải Sơn là 439mm, tại Hải Tân huyện Hải Lăng 339mm làm mực nước các triền sông lên mức báo động 2 và đang tiếp tục lên.

Riêng ở huyện Hải Lăng mực nước sông Ô Lâu, sông Mỹ Chánh dâng cao đã tràn vào đồng ruộng các xã vùng ũng trũng. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng, mưa lớn làm nước lũ đã tràn qua đê, làm vỡ 1 số cống và đập của hệ thống đê bao cũ của các xã Hải Chánh, Hải Hòa, đê cát của xã Hải Dương... Tại các xã vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng như Hải Tân, Hải Thành, Hải Hòa... có 2.500 hécta lúa hè thu chưa thu hoạch, đang ngập sâu trong nước lũ.

Hiện tại, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Hải Lăng chỉ đạo biện pháp chống lũ, yêu cầu chính quyền và nhân dân các xã vùng trũng nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa còn lại với phương châm xanh nhà hơn già đồng. Mặt khác, huyện Hải Lăng tổ chức nhân lực, tập kết vật liệu gấp rút hàn khẩu những nơi đê bị vỡ; đồng thời có kế hoạch di dời dân ở những vùng thấp lên vùng cao.

Tại Thừa Thiên - Huế, mưa to kéo dài từ đêm qua đến sáng nay với lượng mưa từ 272mm - 438mm. Mực nước sông Hương tại Kim Long vào 7h30 sáng nay là 3,02m, vượt báo động 3 là 0,2m; tại Phong Bình trên sông Bồ là 2,05m, vượt báo động 3 là 0,3m. Nhiều tuyến đường ở thành phố Huế như Bến Nghé, Hùng Vương, Võ Thị Sáu, Chu Văn An và các đường thuộc khu vực thành nội Huế bị ngập lụt. Tuyến đường qua Đập Đá ngập sâu 0,8m, lực lượng cảnh sát giao thông phải chắn đường, phương tiện giao thông phải đi vòng qua đường tránh. Các xã Quảng Thành, Quảng An của huyện Quảng Điền, xã Phú Thanh, Phú Mậu của huyện Phú Vang và các tuyến tỉnh lộ 9, 11 qua các vùng thấp trũng giao thông bị gián đoạn.

Tại Quảng Bình: Từ 1h ngày 2/9 đến 7h sáng nay (4/9), Quảng Bình có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, kéo dài trên diện rộng. Lượng mưa đo được phổ biến từ 55mm - 143mm... Mưa to tập trung ở vùng thượng nguồn sông Kiến Giang và vùng giữa của hai huyện vùng trọng điểm lúa là Lệ Thuỷ và Quảng Ninh. Mưa to làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thu hoạch lúa mùa của nông dân hai huyện Quảng Nình và Lệ Thuỷ.

Tỉnh Quảng Bình đã hoãn các cuộc họp chưa cần thiết; cử cán bộ về cơ sở, nhất là những vùng thấp lụt, giúp dân thu hoạch lúa mùa, bảo vệ nguồn lợi trong các hồ nuôi trồng thuỷ sản và triển khai ngay các phương án phòng chống lụt bão, sạt lở vùng núi, vùng ven sông, suối và lũ quét, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Từ đêm qua đến sáng nay (4/9), Đà Nẵng có mưa vừa và mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm, một số nơi mưa có lượng mưa 200mm, gây ngập trên diện rộng. Tại quận Cẩm Lệ, một đoạn quốc lộ 14B bị ngập nặng gây ách tắc tắc giao thông trong nhiều giờ liền, đến 8h sáng nay (4/9), nước rút giao thông mới trở lại bình thường. 200 hộ dân thuộc xã Hoà Thọ Đồng và Hoà Phát bị ngập nước 70cm, gây khó khăn trong sinh hoạt và đi lại của người dân. Huyện Hoà Vang có 7 Trạm xá bị ngập vào đêm nên nhiều dụng cụ y tế bị hư hỏng...

Suốt ngày và đêm qua, tại Quảng Nam, trên địa bàn các huyện phía Nam như Phú Ninh, Thăng Bình, thành phố Tam Kỳ có mưa to xấp xỉ 500mm gây ngập úng hàng trăm hécta lúa hè thu, nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi đang xây dựng dở dang bị sạt lở.

Riêng huyện Phú Ninh, hơn 500 hécta lúa hè thu sắp thu hoạch bị ngập úng, trong đó xã Tam An, 320 hécta, Tam Đàn, Tam Thành hơn 100 hécta. Một số xã vùng cao như Tam Ngọc, Tam Lãnh xảy ra hiện tượng lũ núi nhưng chưa có thiệt hại lớn. Hiện, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương có mưa tập trung khơi thông dòng chảy chống úng, bảo vệ lúa.

Theo kế hoạch, hôm nay tất cả các trường từ tiểu học và trung học phổ thông ở Quảng Nam đồng loạt khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, liên tục từ ngày 3/9 đến nay, ở Quảng Nam đã có mưa to rất to, gây ngập úng cục bộ nên các trường phải hoãn khai giảng năm học mới. Trước tình hình này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các trường, tùy theo tình hình thời tiết linh hoạt tổ chức khai giảng năm học mới. Đến sáng nay (4/9), phần lớn các trường trên địa bàn vẫn chưa thể tiến hành lễ khai giảng năm học mới.

Tại Quảng Ngãi, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hôm nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, Quảng Ngãi có 2 tàu bị chìm và 1 tàu mất liên lạc, 1 tàu bị hỏng máy đang trên đường kéo vào bờ. Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Quảng Ngãi hiện còn 1.178 tàu thuyền với 9.363 lao động đang hoạt động tại các khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển các tỉnh phía Bắc, phía Nam và vùng biển Quảng Ngãi. Hiện, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh áp thấp nhiệt đới.

Tại Sóc Trăng, sau khi áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển đông, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng phân công cán bộ trực suốt ngày đêm. Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng liên lạc và thông báo cho ngư dân biết về vị trí và hướng đi của áp thấp nhiệt đới để ngư dân biết và chủ động phòng tránh. Toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 1 nghìn chiếc tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi. Hiện nay, hầu hết đã liên lạc được với đất liền.

Bộ Y tế ra công điện khẩn phòng bão, lũ

Hôm nay, Bộ Y tế gửi công điện khẩn tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Tây Nguyên và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế để chỉ đạo về việc triển khai kế hoạch đề phòng diễn biến xấu của áp thấp nhiệt đới trong ngành Y tế.

Bộ Y tế chỉ đạo sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế triển khai ngay những phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra mưa bão; Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu cả ngày đêm, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra, các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh; Những đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hoá chất, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động trực 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra; Sở Y tế và các đơn vị báo cáo số lượng cơ số thuốc, hoá chất dự trữ tại địa phương, đơn vị và có báo cáo nhanh về kết quả triển khai công tác đối phó với mưa lũ về Bộ Y tế.

Áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Đông Nam

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, trưa nay (4/9), sau khi đi vào vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu đi một ít. Hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam – Bình Định khoảng 60 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Đông Nam, sau đó là giữa Đông Đông Nam và Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định. Đến 13 giờ ngày 5/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Cần đề phòng ngập úng ở vùng trũng, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên