Minh Lý đọc cho người ta khóc

VOV.VN - Ngay từ ngày đầu làm biên tập viên, phát thanh viên Đài Tiếng nói Nam Bộ tại đình Thọ Lộc, làng Tôn Đính, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (năm 1946) bà đã tập đọc, luyện giọng, thở sâu, giữ bình tĩnh để đọc suôn sẻ, truyền cảm hứng từng bản tin, từng bài bình luận đến thính giả.

Tôi làm Bí thư Chi đoàn Đối Nội, bà Minh Lý (Nguyễn Thị Minh Lý) là Thư ký Công đoàn Ban. Trong một lần chuyện trò bên bàn nước trước cuộc họp chi bộ hàng tháng, tôi kể chuyện hồi ở chiến trường Trị Thiên Huế gian khổ, ác liệt như thế, nhưng vẫn có đêm trăng đi soi cá trên thượng nguồn sông Ba Lòng cùng nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Võ Mạnh Lập. Nhà thơ Thanh Hải sợ rắn không đi. Thấy chúng tôi mang cá về, ông tròn xoe mắt: “Chao ôi là tiếc”. Nghe đến đây bà Lý đập nhẹ tay xuống bàn:

-        Dừng, dừng, em bảo sao? nhà thơ Thanh Hải à?

-        Vâng! Chị quen à?

-        Đã gặp đâu mà quen, nhưng rất nhớ em ạ.

Lần này thì tôi trố mắt.

Chuyện kể rằng: Ngày 26/01/1959, Hà Nội tổ chức cuộc biểu tình tuần hành lớn phản đối đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm gây ra vụ thảm sát ở Phú Lợi bằng thuốc độc. Cả ngàn người từ em nhỏ đến cụ già, phụ nữ mang thai chết tức tưởi vì nắm cơm thuốc độc. Những dòng tin uất nghẹn lan theo làn sóng Đài Phát thanh Quốc gia. Cả miền Bắc dậy sóng căm hờn. Anh chị em phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam vừa đọc vừa lau nước mắt.

Minh Lý được phân công cùng Tổ Thời sự Ban Đối nội làm tường thuật trực tiếp tại chỗ ở Nhà hát lớn. Cả đêm trằn trọc với những dòng chữ như múa, như reo hò của biên tập viên viết sẵn, Minh Lý lo lắng không biết nói thế nào để bày tỏ hết tấm lòng hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, gởi gắm thương yêu, chia sẻ nỗi đau với bà con Phú Lợi, thưa cùng quê cha Tư Nghĩa, quê má Sa Đéc.

Sáng sớm 26/01 se lạnh, bầu trời Hà Nội phủ mây chì như ghé sát xuống mặt đất, như thấu hiểu lòng người nặng trĩu đau thương từ các ngả đường tiến vào trung tâm thành phố. Không khí như nén chặt lại. Ngồi trước micro lạnh giá kim loại mà Minh Lý cảm nhận được sức nóng từ dòng người đổ về với ánh mắt rực lửa căm hờn và dải băng tang đen nặng trĩu đau thương trước ngực.

Cả quảng trường như bật dậy, vang lên tiếng hô đả đảo quân giết người, tiếng gọi thù này phải trả. Đôi mắt đẫm nước mắt vừa dõi theo các đoàn biểu tình, vừa bám sát kịch bản đọc cho khớp, nhưng rồi cảm xúc dâng trào, Minh Lý nói theo, hô theo khẩu hiệu đang lay động lòng người. Không thể ngồi được nữa, Minh Lý đứng dậy hô to khẩu hiệu theo đoàn biểu tình. Nếu không có biên tập viên bên cạnh đẩy vai ngồi xuống trước micro chắc phát thanh viên Minh Lý đã đi theo đoàn tuần hành. Vừa đọc, vừa nói, vừa hô khẩu hiệu, giọng Minh Lý khản đặc. Nhưng sáng hôm sau đến ca phải đọc bản tin. Mặc dù đã ngậm nước muối, đã cố gắng hết mức, nhưng giọng đọc bản tin vẫn khàn.

Ít lâu sau Minh Lý nhận được bức thư cùng bài thơ từ miền Nam “gửi chị Minh Lý, phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Buổi phát thanh ngày 26 tháng 1, chị đã khản cổ sau một ngày biểu tình đả đảo đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm gây ra vụ thảm sát Phú Lợi. Việc này đã gây xúc động trong một căn phòng ở miền Nam:

Hai mẹ con trong phòng

Sát tai kề bên máy

Lắng nghe từ ngoài ấy

Tiếng ban mai vọng vào

Những buổi sáng hôm trước

Giọng chị sao thanh cao

Mà sáng nay thổn thức

Giọng chị như nghẹn ngào.

Em bé ôm lấy mẹ

Hỏi mẹ - sao mẹ ơi

Chị ấy sao khản cổ

Lời đứt quãng từng lời.

Mẹ ôm con siết chặt

Hai hàng nước mắt rơi

Riêng vành khăn tang tóc

Như nói hết cả rồi

Con ơi, chị nghẹn lời

Vì hôm qua chị khóc

Giữa triệu người miền Bắc

Chị vang thét căm hờn

Chị chửi quân bạo cường

Quân mặt người dạ thú

Đã giết chết cha con

Đã giết chết miền Nam.

Hàng ngàn người trong máu

Hàng ngàn người trong lửa

Bằng nắm cơm thuốc dữ…

Nghẹn ngào mẹ ôm con

Siết chặt con hơn nữa

Tiếng chị trong máy nhỏ

Vẫn như tiếng lệ trào

Ẩy rời cánh tay mẹ

Lòng con cũng nghẹn ngào

Con đến ôm máy nhỏ

Con sát má con vào

Như ôm chị ngày nào

Khi chị ngồi chị khóc

Bên xác chết không đầu

Chị nằm trong vũng máu.

Tiếng chị trong máy nhỏ

Càng căm uất nghẹn ngào

Sát má tròn em bé

Như hai má bên nhau.

Em Nam và chị Bắc

Chửi mặt bọn ngựa trâu

Gây mồ côi, góa bụa…

THANH HẢI (Thừa Thiên)

Minh Lý đặt bức thư lên bàn, áp vào ngực thổn thức cùng hai mẹ con trong một căn phòng nhỏ ở miền Nam đang ngày ngày lặng lẽ, bí mật dõi theo tiếng nói từ miền Bắc. Làm nên làn sóng phát thanh quốc gia là công sức của nhiều người, nhưng người trực tiếp mang thành phẩm đến cho người nghe là tiếng nói của Phát thanh viên.

Không phải đến bây giờ, Minh Lý mới ý thức được điều đó. Ngay từ ngày đầu làm biên tập viên, phát thanh viên Đài Tiếng nói Nam Bộ tại đình Thọ Lộc, làng Tôn Đính, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (năm 1946) bà đã tập đọc, luyện giọng, thở sâu, giữ bình tĩnh để đọc suôn sẻ, truyền cảm hứng từng bản tin, từng bài bình luận đến thính giả. Bởi đó là tiếng nói của kháng chiến, của Bác Hồ gửi đến đồng bào chiến sỹ Nam Bộ cùng cả nước. Trọng trách và nhiệm vụ thiêng liêng hàng ngày ấy đặt lên vai Minh Lý - người con gái trắng trẻo, xinh đẹp, trẻ trung.

Bà nhớ những năm cuối thập niên năm mươi đầu sáu mươi của thế kỷ trước anh chị em phát thanh viên Đài TNVN tranh luận khá rôm rả: đọc hay nói. Cuối cùng chốt lại là phóng viên viết để đọc, phát thanh viên đọc như nói. Phiên hiệu của đơn vị cũng chuyển từ Tổ Đọc sang Tổ Nói. Nói cho gần gũi người nghe.

Có lần tôi hỏi:

-        Chị có nhớ là chuyển từ phát thanh viên sang biên tập viên từ lúc nào không?

-        Năm tháng thì chị không có nhớ, nhưng địa chỉ thì nhớ đến phát tức lên được.

-        Sao thế chị?

-        Là ở cái sân Quán Sứ này này, anh Tư Tiểng, lúc đó là Phó Tổng Biên tập Đài bảo: “Sáng nay nghe Minh Lý đọc bản tin mà tôi cứ thò tay vào ví, không biết có nợ tiền cô không nữa”. Nói vậy là anh ấy bảo giọng chị chua như dấm, chuyên đòi nợ còn gì. Tức quá đi. Nhưng mà nhớ lại hồi làm Đài Nam Bộ ở Quảng Ngãi, anh Tư thương tụi chị dữ lắm ha, nên chị xí xóa cho ảnh… Nhưng mà ngẫm lại, chị đã lớn tuổi rồi, giọng đọc không được như trước nữa nên chị chuyển nghề em ạ.

Cuối đông năm 1999, kết thúc chuyến đi công tác đồng bằng sông Cửu Long, tôi bất chợt ghé thăm anh chị Minh Lý, Trần Châu ở tư gia số 235 Võ Thị Sáu, thành phố Hồ Chí Minh. Anh chị mừng rỡ đón tôi như đứa em xa về. Áy náy quá, vội lên sân bay nên chưa mua được quà tặng anh chị. Tôi lục các túi. May quá còn hơn chục quả sấu già. Mặt tôi ỉu xìu, còn chị Minh Lý reo lên:

-        Anh Châu ơi, sấu Trần Phú, Phan Đình Phùng, sấu Hà Nội nè.

-        Thế à. Chiều nay được bữa rau muống luộc dầm sấu rồi.

-        Nói cho em nghe. Hồi ở ngoài đó, tụi Bình Minh, Chí Vịnh leo sấu giỏi lắm nghen. Tụi nó vòng từ Trần Phú sang Phan Đình Phùng là nhà chị với anh chị Trần Lâm đầy sấu tươi ngon. Vô đây, cái gì của Hà Nội cũng nhớ em à.

Bà Minh Lý sinh năm 1925, ông Trần Châu hơn vợ 5 tuổi.

Ở tuổi của ông quên nhiều hơn nhớ, nhưng ông không thể quên 6 giờ sáng ngày 17/10/1947, Đài Tiếng nói Nam Bộ phát thay Đài Tiếng nói Việt Nam ở Việt Bắc đang bị địch truy quét. Ông Trần Châu là người duy nhất nói giọng Bắc được đọc lời xướng “Đây là Tiếng nói Việt Nam”

Ở tuổi 80 ông vẫn được vợ chiều chuộng, làm hết mọi việc nhà cho ông thảnh thơi đọc báo, nghe đài, xem ti vi. Ngắm cảnh đầm ấm của hai ông bà, tôi buột mồm:

- Sao chị chiều anh quá vậy?

- Cậu cứ hỏi khó chị. Hồi mới gặp, ảnh đẹp trai dữ ha. Chị nhìn thấy đã run hết chân tay rồi mà.

Yêu. Chiều. Hạnh phúc đong đầy. Tôi về cơ quan kể lại mọi chuyện cho anh chị đồng nghiệp, đồng thời chung vui với đôi bạn già chung thủy đến cuối đời. Ấy vậy mà ngày 9/4/2006, hay tin ông Trần Châu đã trút hơi thở cuối cùng vì tuổi cao sức yếu. Tôi lặng người. Dẫu biết rằng mệnh đời khó cưỡng, nhưng cứ nghĩ chị Minh Lý sẽ khóc nhiều, sẽ đau biết nhường nào khi người bạn đời thương yêu nhất vĩnh viễn ra đi.

Tôi chợt nhớ đến lời của ông Lương Hưng, biên tập viên, phát thanh viên một thời của Đài Nam Bộ kháng chiến, Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Đài Phát thanh Giải Phóng: “Cái nghề của mình đòi hỏi đọc làm sao cho người ta nghe bật ra tiếng khóc, chứ không phải mình khóc trước người nghe”./.

Cựu phát thanh viên Đài Tiếng nói Nam Bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thị Lý (Nguyễn Thị Minh Lý), sinh năm 1925 tại Phnom Penh; Quê quán: Quảng Ngãi.

Từ trần hồi 9h10' ngày 17/1/2021 (tức ngày mùng 5 tháng Chạp năm Canh Tý), thượng thọ 96 tuổi.

Lễ viếng được tổ chức từ 15h00 ngày 18/1/2021 (tức ngày 6 tháng Chạp năm Canh Tý). Lễ truy điệu lúc 13h30' ngày 19/1/2021 (tức ngày 7 tháng Chạp năm Canh Tý). Linh cữu được hỏa táng tại Phúc An Viên - Quận 9.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

VOV tiên phong trong công tác truyền thông về người Việt ở nước ngoài
VOV tiên phong trong công tác truyền thông về người Việt ở nước ngoài

VOV.VN - Sáng 13/11, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên một số báo, đài trung ương về thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về người Việt ở nước ngoài.

VOV tiên phong trong công tác truyền thông về người Việt ở nước ngoài

VOV tiên phong trong công tác truyền thông về người Việt ở nước ngoài

VOV.VN - Sáng 13/11, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên một số báo, đài trung ương về thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về người Việt ở nước ngoài.

Gần 80 cá nhân, tập thể được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước VOV
Gần 80 cá nhân, tập thể được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước VOV

VOV.VN - Các đại biểu đại diện cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã về dự Đại hội thi đua yêu nước VOV lần thứ V giai đoạn 2015-2020 được tổ chức sáng nay 9/11.

Gần 80 cá nhân, tập thể được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước VOV

Gần 80 cá nhân, tập thể được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước VOV

VOV.VN - Các đại biểu đại diện cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã về dự Đại hội thi đua yêu nước VOV lần thứ V giai đoạn 2015-2020 được tổ chức sáng nay 9/11.

VOV gặp mặt cán bộ hưu trí nhân kỷ niệm 75 năm thành lập
VOV gặp mặt cán bộ hưu trí nhân kỷ niệm 75 năm thành lập

VOV.VN - Sáng 7/9, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức gặp mặt các thế hệ cán bộ nhân kỷ niệm 75 năm thành lập (7/9/1945-7/9/2020).

VOV gặp mặt cán bộ hưu trí nhân kỷ niệm 75 năm thành lập

VOV gặp mặt cán bộ hưu trí nhân kỷ niệm 75 năm thành lập

VOV.VN - Sáng 7/9, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức gặp mặt các thế hệ cán bộ nhân kỷ niệm 75 năm thành lập (7/9/1945-7/9/2020).