Mới chỉ có 80% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh

Bởi vậy, để việc cung cấp nước sạch cho người dân đạt được hiệu quả cần xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách, hệ thống tổ chức quản lý chất lượng nước sạch cho mọi người dân.

Sáng 12/10, tại Hà Nội, Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với Tổ chức phi chính phủ quốc tế của Mỹ về sức khỏe (PATH) tại Việt Nam  tổ chức hội thảo “Xử lý nước và trữ nước tại hộ gia đình tại Việt Nam”.

Báo cáo của Văn phòng Thường trực Chương trình Quốc gia về nước sạch về vệ sinh môi trường cho biết, tỷ lệ dân nông thôn được tiếp cận nước sinh hoạt đã tăng từ 32% năm 1998 lên 79% đến hết năm 2009. Tuy nhiên có tới 60% dân số nông thôn chưa được sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch do Bộ Y tế ban hành.

Trong số gần 80% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh thì chỉ có 28% sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung, còn lại 60% dân số vẫn đang sử dụng các công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình.

Bà Mona Byrkit - Trưởng đại diện Tổ chức phi chính phủ Quốc tế của Mỹ về sức khỏe, tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc xử lý nước và trữ nước tại hộ gia đình. Tuy nhiên, mỗi vùng có nguồn nước khác nhau nên việc xử lý đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ cho người dân cũng khác nhau. Vì vậy, để giúp người dân sử dụng nước sạch trong thời gian tới, tổ chức đang cùng với các nhà nghiên cứu, các chuyên gia xem xét thực trạng từng nguồn nước, từ đó có biện pháp xử lý và trữ nước cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn hộ gia đình.

Để việc cung cấp nước sạch cho người dân đạt được hiệu quả thiết thực, Việt Nam cần xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách, hệ thống tổ chức quản lý chất lượng nước sạch cho mọi người dân, đặc biệt là nông thôn. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng về nước sạch. Có như vậy mục tiêu phấn đến năm 2020 được sử dụng nước sinh hoạt theo quy chuẩn quốc gia mới đạt hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên