Băn khoăn chiến lược nước sạch nông thôn

Thiếu nguồn nước khiến cho đến hết năm 2010, nông thôn nước ta vẫn còn 16% số trường học chưa có nước sạch, mới có 17% số chuồng trại có công trình biogas…

Giai đoạn 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (2011-2015) đặt mục tiêu 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, 75% số gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; giảm ô nhiễm môi trường do chất thải, nước sinh hoạt và các làng nghề… Tuy nhiên, để những mục tiêu trên trở thành hiện thực, còn nhiều điều đáng bàn. 

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có phong trào xây nhà máy nước sớm nhất và nhiều nhất nước, được tỉnh đầu tư 100% vốn ngân sách, song vẫn còn nhiều bất cập. Nổi cộm nhất là chỉ có 1,1% nguồn nước được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn nước sạch.

Nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt, tình trạng sử dụng nước không hợp lý, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước hầu hết do con người tạo ra: Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải nông nghiệp, hoặc do xâm nhập mặn, do nước sông bị ô nhiễm… Đương nhiên, hệ lụy từ nguồn nước không sạch là dịch bệnh đủ loại, muốn khắc phục cần phải có qui hoạch khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước.

Thành phố Hải Phòng hiện có 86% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt, nhưng trong đó chỉ có 36% được cấp nước sạch (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế). Theo Sở NN&PTNT Hải Phòng, sở dĩ như vậy là do nhận thức của người dân còn hạn chế, mức sống của dân còn thấp, lãnh đạo địa phương còn tắc trách.

Ở Ninh Bình, có 75,3% hộ nông dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng cũng chỉ có 31,3% số hộ được sử dụng nước sạch đúng chuẩn. Nguyên nhân trước hết là do công tác quản lý không thống nhất, khiến giá nước tùy tiện, sau đó là do việc khảo sát thiết kế chưa sát thực tế, nên khi đưa công trình vào vận hành, số người sử dụng thấp hơn nhiều so với dự toán ban đầu, chưa kể nhân lực ngành nước nông thôn thiếu ổn định.

Xã Vĩnh Hiền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) có hơn 10.000 dân mà chỉ trông vào một cái giếng. Rất nhiều người phải dùng nước nhiễm mặn, nhiễm phèn để sinh hoạt hằng ngày, sinh ra nhiều bệnh tật. Nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt, tình trạng sử dụng nước không hợp lý, sử dụng lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Thiếu nguồn nước đã khiến cho đến hết năm 2010, nông thôn nước ta vẫn còn 16% số trường học chưa có nước sạch, mới có 17% số chuồng trại có công trình biogas, 45% số hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh…

Để chương trình đạt kết quả, theo các chuyên gia, phải gắn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Muốn vậy, phải xác lập chắc chắn qui hoạch, lựa chọn điểm đầu tư, qui mô, loại hình cấp nước phù hợp và ổn định trong nông thôn. Lộ trình này phải căn cứ vào tình hình cụ thể từng vùng, không áp dụng máy móc, xơ cứng, kém hoặc không có hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên