Buôn bán động vật hoang dã và sự "tiếp tay" của Internet

Hiện nay nhiều chợ buôn bán động vật hoang dã đã hình thành trên Internet.

Cuối tháng 7/2011, Chi cục Quản lý thị trường  và một số cơ quan chức năng tỉnh Bình Định tịch thu một lô hàng, trong đó có 102 cá thể rùa biển được vận chuyển theo hướng Nam - Bắc. Chúng được bảo quản đông lạnh tại Chi cục Quản lý thị trường Bình Định đã hơn 2 tháng, vậy mà đến nay, việc xử lý số rùa biển vẫn chưa được ngã ngũ. Điều đáng lo ngại là nhiều ý kiến từ phía các cơ quan chức năng cho rằng, nên đem bán đấu giá số rùa này để “tăng ngân sách Nhà nước” và để “bù chi phí của việc bắt giữ”. Và đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc buôn bán động vật hoang dã bị phát hiện trong thời gian qua.

Rùa biển là một trong những sinh vật chỉ thị điển hình về đa dạng sinh học

Rùa biển là một trong những sinh vật chỉ thị điển hình về đa dạng sinh học ở biển Việt Nam, nơi có thể tìm thấy năm trong số bảy loài rùa biển của thế giới. Chúng là biểu thị mức độ trong lành cho vùng biển.

Hiện nay, tất cả các loài rùa biển ở Việt Nam đều đang bị đe dọa tuyệt chủng. Vì vậy, việc 100 con rùa biển bị đem buôn bán trái phép và bị bắt gây rất nhiều lo lắng cho các nhà bảo tồn, rằng đa dạng sinh học ở các vùng biển nước ta đang bị đe doạ nghiêm trọng. Hơn nữa, toàn bộ số rùa biển đều là đồi mồi- một trong 5 loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng rất cao của Việt Nam. Vậy mà, một số đại diện các cơ quan thực thi pháp luật lại cho rằng nên đem bán đấu giá.

Bài học từ những vụ đấu giá các loài động vật hoang dã trong thời gian qua cho thấy: đây là một hành động vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán trái phép và đẩy nhanh nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã. Bởi, bán đấu giá động vật hoang dã giống như là một biện pháp “đánh thuế” chứ không làm giảm được các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Mặt khác, việc các cơ quan chức năng tịch thu và bán đấu giá động vật hoang dã không hề phá vỡ đường dây buôn bán. Ngược lại, động vật hoang dã trái phép bị tịch thu bán đấu giá trở thành nguồn “hợp pháp” và tiếp tục cuộc hành trình đến với người tiêu thụ.  Như vậy, việc bán đấu giá đã vô tình biến các cơ quan chức năng cấp tỉnh thành người trung gian trong đường dây buôn bán động vật hoang dã. Không những thế, nó còn góp phần kích thích nhu cầu tiêu thụ loại hàng hoá bất hợp pháp này.

Vì sao tình trạng buôn bán động vật hoang dã liên tục gia tăng trong thời gian qua? Theo tính toán của một số tổ chức quốc tế, lợi nhuận từ buôn bán động vật hoang dã hiện nay là rất lớn: giá trị ước tính từ 5 tỷ - 20 tỷ USD/năm, đứng thứ hai chỉ sau buôn bán ma túy.

Ước tính, mỗi kg ngà voi ở Việt Nam có giá 5.000 đến 7.000 USD, còn ở một số nước khác mỗi đôi ngà voi có giá 40.000 đến 50.000 USD. Vì thế mà việc buôn bán ngà voi, tê tê… chỉ cần trót lọt vài vụ, mức thu lời sẽ là "siêu lợi nhuận".  Chính vì vậy, theo báo cáo của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, hiện nay có khoảng 200 loài động vật hoang dã, trong đó có hơn 80 loài động vật quý hiếm được kinh doanh sử dụng trên thị trường Việt Nam.

Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã nhiều nhất thế giới. Hàng năm có khoảng 4.000 đến 4.500 tấn động vật hoang dã buôn bán vận chuyển bất hợp pháp từ Việt Nam sang Trung Quốc. Các vụ buôn bán xương hổ trong nước cũng như buôn lậu động vật hoang dã từ các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan về Việt Nam cũng gia tăng trong những năm gần đây.

Internet là một trong những “công cụ hữu hiệu”- “tiếp tay” cho những kẻ buôn bán động vật hoang dã. Hiện nay nhiều chợ buôn bán động vật hoang dã đã được hình thành trên mạng Internet. Nhiều loài động vật quý hiếm như hổ, khỉ, tinh tinh, hươu cao cổ bị buôn bán khá thoải mái trên mạng internet.

Các trang buôn bán động vật cũng cung cấp cho khách hàng mọi tiện ích của việc mua hàng qua mạng. Các con thú được liệt kê theo danh mục để khách hàng có thể tham khảo đầy đủ thông tin trước khi lựa chọn. Chỉ cần đặt cọc một khoản tiền nhỏ và cung cấp địa chỉ giao hàng, sau vài tuần, con thú sẽ được chuyển đến tận tay khách hàng, kèm theo những hướng dẫn về cách chăm sóc.

Không chỉ bán động vật sống, các website còn nhận cung cấp cả các bộ phận của con thú dùng để làm thuốc hoặc chế biến món ăn và những sản phẩm từ thú rừng. Internet đang được coi là hiểm họa với động vật hoang dã. Bởi mạng Internet cho phép việc rao bán dễ dàng, thuận tiện và không biên giới.

Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, các đối tượng buôn bán trái phép các loài hoang dã đang có dấu hiệu liên kết thành mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia. Có khoảng 42% các loài động, thực vật hoang dã ở Đông Nam Á có nguy cơ biến mất hoàn toàn trong thế kỷ này.

Chính phủ Việt Nam đã có chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải có sự phối hợp kiểm tra chặt chẽ, ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật hoang dã, đặc biệt là xuất nhập khẩu trái phép qua biên giới. Nhưng điều đáng lo ngại là số vụ buôn bán trái phép bị phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua chỉ chiếm 10% tổng số vụ buôn bán trong thực tế.

Và hầu hết các vụ vi phạm chỉ bị xử lý hành chính, một số vụ việc, số lượng tang vật thu giữ đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng lại không chứng minh được các đối tượng. Đến nay, mới chỉ có một vụ bị khởi tố điều tra và một đối tượng bị truy tố. Nếu chúng ta không có ngay những biện pháp xử lý mạnh tay, xiết chặt các hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã. Và nếu cứ tiếp tục cho tồn tại những vụ bán đấu giá động vật hoang dã để “tăng ngân sách nhà nước” và để “bù chi phí của việc bắt giữ” thì nguy cơ biến mất hoàn toàn của nhiều loài quý hiếm tại Việt Nam sẽ đến trong một tương lai rất gần./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên