Hành vi vi phạm của Vedan lâu dài, hệ thống

Năm 2005, Công ty cổ phần hữu hạn Vedan đã phải đền bù 15 tỷ đồng cho nhân dân nuôi trồng thủy sản thuộc tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM.

Việc Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam bị phát hiện quả tang đang xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải đang gây bức xúc trong dư luận trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên công ty này vi phạm về lĩnh vực này. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1993 với các lĩnh vực sản xuất bột ngọt, tinh bột biến tính, nước đường, xút, axit,… trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau khi đi vào hoạt động chính thức, Công ty đã thải chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sông Thị Vải làm thủy sản chết hàng loạt.

Năm 2005, Công ty cổ phần hữu hạn Vedan đã phải đền bù 15 tỷ đồng cho nhân dân nuôi trồng thủy sản thuộc tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM. Vậy tại sao qua hơn 14 năm qua, các hoạt động xả thải vi phạm pháp luật của công ty Vedan vẫn có thể qua mắt được cơ quan chức năng? Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho biết: “Đây là một hành động lừa đảo, xảo trá và vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam bằng những hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại, tinh vi. Bình thường không phát hiện được. Về nguyên tắc, trước khi thanh tra phải thông báo cho họ trước rồi mới vào thanh tra. Tôi biết hoàn toàn thủ phạm là Vedan nhưng mỗi lần vào kiểm tra, thanh tra hệ thống vận hành lại rất tốt. Biết là như thế nhưng không có nghiệp vụ, không có điều kiện…”

Nhằm qua mặt các cơ quan chức năng, Công ty cổ phần Vedan Việt Nam đã thiết kế hệ thống máy bơm và đường ống kỹ thuật để bơm dịch thải lỏng của Nhà máy sản xuất Lysin, bột ngọt từ bể chứa bán âm dung tích từ 6.000 đến 7.000 m3 và bồn chứa 15.000 m3 theo hệ thống đường ống ngầm ra cảng chảy vào 2 trụ bơm được cắm sâu khoảng 8m xuống sông Thị Vải. Tất cả nước thải được thải thẳng ra sông Thị Vải thông qua những đường ống như thế này. Kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành nêu rõ: việc lắp đặt hệ thống xử dịch thải và nước thải của công ty cổ phần hữu hạn Vedan là trái với quy trình xử lý chất thải và không đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đại tá Lương Minh Thảo, Phó cục trưởng Cục cảnh sát môi trường cho biết: “Ngay từ cuối năm 2007 chúng tôi đã quan tâm đến công ty Vedan, coi đây là một trọng điểm số 1 về vi phạm về xử lý nước thải. Hệ thống xử lý nước thải trốn tránh bằng cách người ta đưa vào các bồn chứa rất lớn. Hình thức là các bồn chứa mật rỉ đường hoặc chứa nguyên liệu nhưng lẫn vào đó có những bồn chứa chất thải lỏng để từ đó đưa vào các hệ thống bơm. Dùng hệ thống bơm áp lực cao bơm ra ngoài sông Thị Vải bằng hệ thống cống ngầm”.

Vi phạm của công ty Vedan đã rõ ràng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, việc xử lý vi phạm này còn phụ thuộc vào quá trình xem xét cụ thể, hậu quả do doanh nghiệp gây ra có thể khắc phục được không hoặc là doanh nghiệp có những biện pháp để khắc phục hậu quả hay không. Bởi vì bản thân việc đóng cửa không phải là mục tiêu của Bộ TN&MT mà mục tiêu của Bộ TN&MT là làm sao để doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về môi trường, các chất thải thải ra môi trường phải đáp ứng được tiêu chuẩn đã quy định. Nếu công ty cổ phần hữu hạn Vedan không có nỗ lực khắc phục hậu quả thì cần phải có biện pháp cứng rắn hoặc tạm thời đình chỉ hoạt động. Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Đối với các hành vi này thứ 6 này, Đoàn kiểm tra sẽ dựa trên kết quả kiểm tra thực tế, dựa trên những mẫu phân tích sẽ có thêm bằng chứng khoa học nhưng trên thực tế chúng ta đã làm rõ được những vi phạm của Vedan. Chúng ta có đủ cơ sở, bằng chứng, đủ điều kiện để áp dụng được những biện pháp, chế tài nghiêm khắc nhất, mạnh mẽ nhất. Coi đây là một vụ điển hình trong vấn đề giải quyết môi trường”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh rằng, đây là một vụ điển hình chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đã “bắt được tận tay, day tận mặt” đủ cơ sở khoa học để khởi tố hình sự. Sẽ xử lý vụ này nghiêm, không những nghiêm trực tiếp với Vedan đã vi phạm lâu dài nhiều năm nay, ngoan cố, tinh vi và xảo trá mà còn với nhiều doanh nghiệp khác. Dọc trên sông Thị Vải vẫn còn nhiều doanh nghiệp khác cũng vi phạm như Vedan, kể cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn doanh nghiệp nước ngoài./
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên