Tăng cường trồng rừng ngập mặn và giảm thiểu rủi ro thảm họa

Giai đoạn 2011-2015, Dự án thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng.  

Sáng 22/4, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản và Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế về dự án “Trồng rừng ngập mặn và giảm thiểu rủi ro thảm họa” giai đoạn 2011-2015.

Dự án là giai đoạn tiếp nối “Dự án trồng rừng ngập mặn và phòng ngừa thảm họa dựa vào cộng đồng” đã được Hội chữ Thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 1994. Dự án tập trung vào các hoạt động chính như: Nâng cao năng lực về giảm thiểu rủi ro cho các cấp chính quyền và cộng đồng; đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng của cộng đồng trong thảm họa… Qua đó, lựa chọn biện pháp giảm thiểu rủi ro có tính khả thi, hiệu quả cao, kinh phí hợp lý. Đồng thời tiến hành trồng rừng ngập mặn, trồng tre, phi lao chắn sóng và thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro dựa vào cộng đồng. Giai đoạn 2011-2015, Dự án thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng.

Ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam cho biết: “Với Dự án giai đoạn 2011-2015, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng với Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam triển khai và cam kết thực hiệm đảm bảo hiệu quả cao nhất. Thông qua dự án, Trung ương Hội cùng các cấp hội địa phương cũng tham gia xây dựng chính sách, cơ chế để có thêm nhiều rừng ngập mặn tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng Nam Trung bộ”.

Thời gian qua, dự án đã tác động đáng kể đến giảm thiểu rủi ro thảm họa, đồng thời cải thiện sinh kế cho cộng đồng. Từ năm 1994 đến nay, dự án đã trồng được hơn 9.000 ha rừng, góp phần bảo vệ khoảng 100km đê biển. Ngoài trồng rừng, dự án đã tổ chức tập huấn cho hơn 300.000 học sinh, giáo viên, tình nguyện viên tại các xã, phường về phòng ngừa thảm họa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên