Năm 2011, nhiều văn bản luật của ngành Y tế có hiệu lực

Bộ Y tế chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong cộng đồng nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân.  

Sau hơn một năm Luật Bảo hiểm Y tế đi vào cuộc sống, văn bản luật này đã thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho mỗi gia đình khi đau ốm, bảo đảm an sinh xã hội.

Năm nay, với 2 văn bản luật mới được Quốc hội thông qua là Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực vào ngày 1/7/2011 và Luật Khám bệnh chữa bệnh có hiệu lực vào ngày 1/1/2011, Bộ Y tế đang tích cực xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Để các văn bản luật này đi vào cuộc sống, thời gian qua, Bộ Y tế chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong cộng đồng nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân và các đơn vị y tế khi thực hiện luật. Riêng đối với quy định trong Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân là đến ngày 31/12/2010, cán bộ y tế trong cơ sở y tế công lập không được khám chữa bệnh ngoài giờ, thì nay trong Luật Khám bệnh chữa bệnh lại cho phép.

Trong khi chưa ban hành những văn bản hướng dẫn, Bộ Y tế đã chỉ đạo kịp thời bằng cách cán bộ làm việc trong cơ sở y tế công lập tiếp tục được hành nghề ngoài giờ theo các loại giấy phép đã cấp trước đây, đến khi có hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề mới, thì sẽ thực hiện theo Luật Khám bệnh chữa bệnh.

Theo ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc tiếp tục cho phép cán bộ làm trong cơ sở y tế công lập sẽ giúp đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất lớn, do tại các bệnh viện công đang xảy ra quá tải. Chủ trương cho phép cán bộ y tế được khám chữa bệnh ngoài giờ sẽ không xảy ra tình trạng thầy thuốc sử dụng thời gian trong giờ hành chính để tham gia khám chữa bệnh ngoài giờ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên