Năm 2030, Hà Nội sẽ dừng được hoạt động xe máy tại địa bàn các quận?
VOV.VN - Một trong những nội dung được đề cập trong Đề án “Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội” đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mà UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt là hạn chế, tiến tới dừng hoạt động xe máy tại địa bàn các quận trên địa bàn thành phố. Đây là vấn đề không mới, nhưng mỗi khi đề cập luôn nhận được sự quan tâm của dư luận.
Với mục tiêu kinh tế đô thị đóng góp 85% GRDP thành phố vào năm 2025 và năm 2030 là 90%, Hà Nội nêu 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện. Trong đó, Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" được Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Công an thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025. Chủ trương hạn chế, dừng hoạt động xe máy khu vực nội đô đã được thành phố Hà Nội lên phương án từ nhiều năm trước, cụ thể là tại Nghị quyết 04 đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua năm 2017.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam đánh giá: “Chính quyền đô thị phải tạo điều kiện cho dân, chứ không dùng biện pháp hành chính được. Chúng ta phải dùng biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật, phát triển tàu điện ngầm, tàu trên cao, xe buýt…để người dân lựa chọn và khi ấy người dân tự bỏ những phương tiện cá nhân gây ùn tắc”.
Trước một vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, bên cạnh những ý kiến ủng hộ vì một thành phố văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường… thì không ít người cho rằng, Hà Nội quá vội vàng khi đặt mốc thời gian đến năm 2030 dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận. Bởi, mấu chốt của vấn đề là các phương án chuyển tiếp chưa sẵn sàng. Câu hỏi được đặt ra là người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì, khi xe máy bị cấm?
Thực tế cho thấy, các phương tiện vận tải công cộng tại Hà Nội hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Theo thống kê, đến năm 2022, mặc dù hệ thống vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đã có nhiều cải thiện về năng lực cũng như chất lượng phục vụ, nhưng tỷ lệ vận chuyển cũng chỉ đạt 19%. Phương tiện vận tải được coi là “chủ lực” - xe buýt thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tình trạng chậm chuyến, bỏ chuyến, phóng nhanh vượt ẩu vẫn đang diễn ra. Đặc biệt, loại hình buýt nhanh - BRT, với một làn đường riêng, trị giá hơn 1.000 tỷ đồng sau nhiều năm đưa vào sử dụng vẫn chưa được đánh giá hiệu quả…
Ông Lê Trần Huy, người dân phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho rằng, với thực tế hệ thống giao thông công cộng hiện nay, việc Hà Nội chủ trương dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030 vẫn là câu hỏi lớn: “Tôi cho rằng, chủ trương dừng hẳn xe máy không khả thi vì hạ tầng chưa đáp ứng. Hà Nội ngõ nhỏ, nhiều ngõ ngách không dễ để người dân tiếp cận phương tiện công cộng, trong khi phương tiện công cộng còn nhiều vấn đề”.
Theo ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, một trong những nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông nội đô hiện nay là số phương tiện tăng nhanh. Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có hơn 10 triệu dân nhưng có tới 7,8 triệu phương tiện cá nhân, trong đó hơn 1 triệu ô tô. Mỗi năm, Hà Nội tăng từ 4 - 5% phương tiện cá nhân, nhưng quỹ đất dành cho giao thông chỉ tăng 0,28%. Tính chung, hiện quỹ đất dành cho giao thông ở Hà Nội trên 10% diện tích đất xây dựng đô thị (chưa được một nửa mức thiểu từ 20 - 26% để hệ thống giao thông có thể vận hành bình thường).
“Về giao thông tĩnh lại càng thiếu hơn. Theo quy hoạch giao thông tĩnh theo đề án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, đến năm 2020 chúng ta phải đảm bảo 3-4% diện tích đất cho giao thông tĩnh, nhưng thực tế hiện nay đạt chưa đến 1%”, ông Nguyễn Phi Thường nói.
Rõ ràng, chủ trương hạn chế, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030 là một thách thức lớn đối với Hà Nội trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, yếu kém, hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân./.