Nam Định, Ninh Bình triển khai phòng chống bão số 5

Các địa phương tập trung sơ tán dân, gặt lúa, kêu gọi tàu thuyền vào bờ và ngăn không cho ngư dân ra khơi.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, 7 giờ sáng mai (30/9), tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 150 km. Từ trưa hoặc chiều 30/9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào vùng ven bờ biển nước ta, gây ra mưa vừa đến rất to trên diện rộng và kéo dài. Hiện, các địa phương đang gấp rút triển khai biện pháp ứng phó với bão.

Do ảnh hưởng của bão số 5, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có gió kèm theo mưa nhỏ. Để phòng chống bão số 5, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh có công điện chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh khẩn trương triển khai toàn diện công tác phòng chống bão. Cụ thể, từ ngày 26/9, tỉnh đã chỉ đạo tiêu rút nước đệm phòng mưa úng. Đối với các huyện ven biển là Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thuỷ, tận dụng chân triều thấp để mở cống tiêu tự chảy. Tại các huyện ở phía Bắc tỉnh, các trạm bơm điện lớn đã hoạt động để rút nước đệm.

Ngoài ra, công tác kêu gọi tàu thuyền cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Đến 14h ngày 29/9, tất cả 2.373 tàu thuyền đang hoạt động trên biển, trong đó có 13 tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã vào nơi trú tránh an toàn.

Ông Đỗ Văn Khánh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định nói: “Lãnh đạo tỉnh cùng với 3 huyện ven biển đi kiểm tra hết các tuyến đê biển. Tỉnh đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi và gọi toàn bộ những người tham gia nuôi trồng thủy hải sản đi vào trong bờ để đảm bảo an toàn tính mạng. Người già, trẻ em, phụ nữ có thai ưu tiên sơ tán trước. Hạn cuối cùng là 10h ngày 30/9, những người còn lại phải sơ tán hết đến những nơi an toàn”.

Còn tại tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo tỉnh cử đoàn đi kiểm tra, rà soát các tuyến đê xung yếu và các công trình đang thi công, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời huy động lực lượng chằng chống nhà cửa, kho tàng trường học.

Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: “Khoảng 80% diện tích lúa đã chín, đặc biệt là ở vùng Nho Quan, tập trung chỉ đạo nhân dân gặt nhanh. Chúng tôi chủ trương nếu đơn vị nào, ở đâu lúa chín nhiều mà không gặt kịp thì sẽ huy động lực lượng bộ đội đến gặt giúp. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong khi có bão đến”.

Tính đến 15h ngày 29/9, Bộ đội biên phòng Ninh Bình và huyện Kim Sơn kêu gọi được 100 phương tiện với 200 thuyền viên vào nơi tránh, trú bão an toàn, ngăn không cho 35 phương tiện, với 70 thuyền viên ra khơi. Hiện tỉnh triển khai phương án di dời 1.168 lều, chòi với tổng số hơn 2.300 lao động nuôi trồng thuỷ sản ngoài khu vực đê biển (từ đê Bình Minh 2 đến khu vực bãi bồi) vào nơi an toàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên