Nghịch lý ở Điện Biên: Dân nghèo thua lỗ từ dự án hỗ trợ thoát nghèo

VOV.VN - Một con lợn giống giá bằng một con lợn thịt là sự thật tại dự án hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo ở Điện Biên.

Một con lợn giống có trọng lượng 20 kg bằng giá tiền của một con lợn thịt trọng lượng 70 kg, một điều tưởng phi lý, nhưng lại có thật tại dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo của tỉnh Điện Biên. Hậu quả dân nghèo thua lỗ bởi một dự án mà chính quyền đã lựa chọn để giúp họ. Điều này có thể lý giải vì sao trong những năm qua tỉnh Điện Biên đã được nhận khá nhiều chính sách giảm nghèo của Chính phủ, song kết quả đạt được không cao. Hiện Điện Biên vẫn là một trong tỉnh đặc biêt khó khăn với tỷ hộ nghèo trên 28%.

Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng cuộc sống của bà Vũ Thị Gấm ở đội 3, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên vẫn chưa thoát khỏi cảnh bữa đói bữa no. Chồng mất sớm, lại phải nuôi thêm một đứa cháu bệnh tật nên gia đình bà thuộc diện nghèo nhất đội. 

“Cái khó bó cái khôn” với bà Gấm cũng đã có khá nhiều dự định để phát triển kinh tế gia đình vượt qua đói nghèo, song vì điều kiện quá khó khăn nên mọi dự định đều không thành. Mong mỏi có được đồng vốn để phát triển kinh tế gia đình ổn định cuộc sống. 

Điều mong ước đó bây lâu nay đã thành hiện thực khi bà là một trong 33 hộ đã có tên trong danh sách của xã về chính sách hỗ trợ vật nuôi theo chương trình 135 giai đoạn III của Chính phủ do UBND xã Thanh Hưng là chủ đầu tư. Theo đó gia đình bà Gấm được hỗ trợ 1 con lợn giống có trọng lượng 20kg, kèm theo là 175 kg thức ăn.

Ông Nguyễn Tiến Nhật – Trưởng đội 3 cho biết: Thực hiện chương trình 135 giai đoạn III của Thủ Tướng Chính phủ, năm 2015, đội có 4 hộ nghèo được nhận hỗ trợ. Trong đó, mỗi hộ được nhận 1 con lợn giống lai siêu nạc nuôi hướng thịt có trọng lượng từ 20 - 22kg và một lượng thức ăn đủ để nuôi đến khi suất bán. Theo đó, 1 kg lợn giống có giá 170 nghìn đồng và 19 nghìn đồng/kg thức ăn tổng hợp. Tổng hỗ trợ cho mỗi hộ là gần 7 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Tiến Nhật, Trưởng  đội 3, xã Thanh Hưng , huyện Điện Biên cho biết: “Nếu theo chúng tôi tính mà chúng tôi bỏ tiền ra mua theo giá 170 nghìn đồng một cân và cám 19 nghìn một cân thì chắc chắn là lỗ nặng chứ không thể có lãi”.

Với cách tính của ông trưởng thôn thì “lỗ nặng” vậy mà tại bảng thuyết minh về dự án của xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên thì ngược lại. Theo bản thuyết minh này thì mỗi con lợn giống có trọng lượng khi cấp là 20kg, sau 3 tháng nuôi sẽ đạt được từ 80 – 83 kg. Theo hạch toán thực tế cho thấy mỗi con lợn thịt sau khi trừ hết chi phí sẽ lãi được 130 - 150 nghìn đồng/tháng. Số tiền này góp phần vào tăng thu nhập cải thiện cuộc sống của các hộ nghèo. Song trên thực tế, nếu chỉ làm một phép tính đơn giản, dự án nuôi lợn thịt cho các hộ nghèo theo chương trình 135 giai đoạn III nhà nước phải bỏ ra gần 7 triệu đồng bao gồm: tiền giống và thức ăn.  Sau 3 tháng chăm sóc, những con lợn trên đạt được trọng từ 80 – 85 kg, với giá lợn thịt trên thị trường từ 45 – 50 nghìn/kg thì mỗi con lợn suất bán các hộ nghèo chỉ thu về được từ 4 – 4,2 triệu đồng. Bỏ ra gần 7 triệu đồng tiền vốn mà chỉ thu về được 4,2 triệu đồng.  Đó là chưa tính đến việc con lợn không bệnh tật, phát triển tốt, còn nếu không thì có khi hộ nghèo lại trắng tay. Vậy số tiền lãi 130 – 150 nghìn đồng/tháng UBND xã Thanh Hưng lấy ở đâu ra?

Theo ông Nguyễn Ngọc Ngấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng: trước khi tiến hành lựa chọn con lợn cấp cho hộ nghèo đã được tập thể, Ban lãnh đạo xã họp bàn và tính toán kỹ lưỡng: “Chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án, sau đó thống nhất chỉ đạo bằng hội nghị liên tịch gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, trưởng ban công tác mặt trận và các ban ngành của xã. Sau khi hội nghị bàn bạc cân nhắc thì đưa ra phương án là chăn nuôi lợn là tốt nhất, hướng dẫn hỗ nghèo dễ nhất và đem lại hiệu quả cao hơn”.

Theo danh sách của xã Thanh Hưng thì đã có 33 hộ nghèo của xã được hỗ trợ lợn giống với tiền ngân sách nhà nước bỏ ra 220 triệu đồng. Tuy nhiên, với kiểu bỏ ra gần 7 triệu đồng mà chỉ thu về hơn 4 triệu đồng thì số tiền mà các hộ nghèo của xã bị thua lỗ sau 4 tháng nuôi lợn là gần 100 triệu đồng. Số tiền mà đáng lẽ họ được hưởng từ Đảng và nhà nước để thoát nghèo nếu hỗ trợ bằng tiền.

Vấn đề trên chỉ là một ví dụ, trong những năm qua thực hiện dự án giảm nghèo của Chính phủ đã có rất nhiều địa phương của tỉnh Điện Biên lựa chọn cách làm như xã Thanh Hưng để giúp dân nghèo, nhưng cách làm đó đã mang lại hiệu quả không mong muốn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên