Người biên tập kể chuyện

VOV.VN - Có người nói lương bên tuần báo chắc khá. Đâu phải vậy. Nhưng làm báo nhà ở buổi đầu khó khăn nên ai cũng phải căng mình.

Hai tấm cửa cầu thang máy tầng 6 dập khít sau lưng. Tôi chưa kịp về phòng mình thì mấy cậu phóng viên đã ùa ra: “Bác phải giới thiệu cho chúng cháu...”. “Giới thiệu cái gì cơ chứ?”. Tuy vui vẻ tung ra một câu hỏi nhưng thực ra tôi thừa hiểu mấy cậu ấy muốn nói gì. Người vừa xuống cầu thang là một cô gái có học, xinh xắn, chữ viết khá đẹp dù ghi vội mấy dòng địa chỉ. Người như thế đi tìm việc, ai chẳng muốn giúp, nhất là mấy chàng trai đang tuổi yêu đương này. Nhưng sự đời đâu đơn giản.

Câu chuyện ấy có chút liên quan đến thói quen của tôi trong giờ nghỉ trưa hằng ngày của toà báo. Sau khi ăn uống cùng bạn đồng nghiệp, lắm lúc tôi thích tách ra ngồi uống trà quán vắng hoặc dạo bộ đến phố Nhà Chung, phố Tràng Tiền thăm thú mấy cửa hàng tranh. Chính cô gái đi tìm việc tôi quen tình cờ ở đó. Có bằng cử nhân luật. Tạm đứng bán tranh thuê kiếm ít tiền mỗi tháng.

Trang nhất tuần báo Đài Tiếng nói Việt Nam số đầu tiên ngày 2/11/1998

Tôi mách cháu thử nộp hồ sơ thi tuyển phóng viên ở Ban Văn học nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng ở đấy không nhận người ngành luật. Còn toà báo của tôi lại đang chẳng thiếu người. Vài tuần trôi qua. Vừa rồi, cô đến thăm tôi và cho biết đang được thử việc tại một tờ báo khác. Cô lúng túng, khó khăn lắm mới nói ra được điều cần nói. Cô bảo bác giúp cháu, cho cháu một vài bài về nộp vì cháu viết chưa quen.

Tôi băn khoăn lắm, nhưng rồi cũng phải bảo không được đâu, cháu cần tự viết, bác sẽ sửa giúp cho. Nghề báo là nghề phải tự cầm bút, phải cố viết cho cái tay nó nóng lên, như một nhà báo nước ngoài nổi tiếng đã nói. Cô nghe ra. Ít lâu sau, cô báo tin cháu đã vào làm ở một công ty phù hợp với năng lực của cháu hơn. Bẵng đi vài tháng, cô cho biết vừa lập gia đình.

Câu chuyện cô gái ấy đôi khi được mấy bạn trẻ nhắc lại khá thiện cảm trong những phút nghỉ ngơi. Họ trêu tôi là bác khó tính không “ban” bài thì để chúng cháu “ban” cho cô ấy. Đùa vui vậy thôi, chứ mấy cậu đều nghĩ rằng không cố tự viết, tự rèn luyện thì khó đeo đuổi nghề báo, một cái nghề quả thật nhọc nhằn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm báo Tiếng nói Việt Nam

Thế mà, hồi bác Trần Nguyên Vấn, bác Trần Thiên Nhiên và tôi, ba anh già vừa nghỉ hưu, được Đài giao nhiệm vụ biên tập cho tờ báo in của cơ quan sắp ra đời nay mai, một bạn đồng nghiệp thân tình nắm tay lắc lắc hồi lâu: “Ba cụ ngồi biên tập là hợp với tuổi rồi. Mấy bác cứ ung dung, nhẩn nha đọc bài cho em”. Đúng là việc biên tập có phần hợp với người già. Không phải xông xáo đó đây, hộc tốc chạy đi chạy về như cánh phóng viên.

Nhưng ai có vào trận mới biết. Biên tập cũng là một trong bao nỗi nhọc nhằn của nghề báo. Ba chúng tôi là mấy anh từng nhiều năm làm phóng viên, biên tập phát thanh, thâm niên nghề báo nói. Dẫu vậy, khi làm cho tờ báo in của cơ quan mình, chúng tôi vẫn nghĩ đây là một công việc mới, không tránh khỏi chập chững, bỡ ngỡ.

Thời gian chỉ có khoảng ba tháng để chuẩn bị số đầu tiên. Họp lớn rồi họp nhỏ. Họp toàn thể rồi họp bộ phận. Chạy lên. Chạy xuống. Khuân vác. Khiêng xách. Kê quáy góc này góc nọ. Lạ lẫm thì làm quen. Đã quen càng quen nữa. Bộ phận biên tập lúc ban đầu ngoài cán bộ phụ trách chỉ có mấy anh già. Tôi và bác Vấn dĩ nhiên khỏi phải “tìm hiểu” gì nhau nữa. Hai anh em cùng làm ở Ban Văn học nghệ thuật của Đài cho đến ngày cùng về hưu. Ai cũng ngỡ phen này sẽ ít được gặp nhau, đâu ngờ bàn làm việc lại kê gần hơn cả hồi xưa.

Báo Tiếng nói Việt Nam ra mắt bộ mới tháng 7/2004

Trong mấy anh biên tập chúng tôi, bác Vấn là người viết chữ vừa đẹp vừa nhanh, chịu ghi chép, thạo biên tập, lắm tư liệu riêng, điềm đạm, tốt bụng, quan hệ rộng rãi. Trường hợp “đã quen càng quen nữa”, đó là quan hệ giữa tôi và bác Nhiên. Ngày còn làm ở Ban Thời sự, bác lâu lâu lại viết bút ký, tuỳ bút cho Phòng Văn học.

Ông bạn cao gầy, nét mặt khắc khổ ấy sang ban tôi đưa bài thường chỉ chuyện trò dăm ba câu, uống xong chén nước rồi đạp xe đi ngay. Trong số các bạn tôi, ít người say thời sự chính trị, ham tranh luận, chăm viết như bác. Nay được kê bàn ngồi gần nhau, tôi thấy bác Vấn, bác Nhiên đúng là những người rất cần cho nhóm biên tập này.

Chúng tôi không phải chờ lâu: nguồn bài của anh chị em trong Đài đã chảy về. Báo chọn đăng những bài tốt, hay vừa phát trên sóng. Cũng có bài chúng tôi “chăm sóc” thêm sao cho thích hợp với báo in. Hồi còn làm phát thanh, khi đọc sửa bài vở, chúng tôi thường không dùng thống nhất các ký hiệu như các báo in hoặc nhà xuất bản.

Cần bớt câu chữ, cần tách câu xuống dòng, cần chuyển chữ thường thành chữ hoa, cần in nghiêng... đều có dấu quy ước cho tiện việc. Việc ấy quá đơn giản, những ai từng in bài, in sách đều biết cả. Thế nhưng cũng cần trao đổi với cả mấy chị em vi tính. Anh Quý Hoài là người nhanh nhẹn, giỏi kỹ thuật vi tính liền chép các ký hiệu đó thành một bản để ai cần thì xem.

Ở gần mấy anh chị em kỹ thuật cũng vui. Trong tiếng lóc róc máy vi tính, thỉnh thoảng giọng cô Nguyễn Thị Hoàng Vân hay cô Nguyễn Bích Liên vọng sang: “Bác ơi, chữ này khó đoán quá!”, hoặc “Bác ơi, rà lại cho cháu mấy trang quảng cáo”.

Căng nhất là những bữa báo đăng văn kiện chính trị quan trọng. Có khi ba người chuyền tay nhau rà soát mà vẫn suýt “lọt lưới” một vài chữ hay cái dấu. Căng hơn nữa là những buổi “đổ bài” để kịp đêm in báo. Người biên tập lại gò lưng rà soát bản in thử, sửa, cắt. Cắt mấy lượt rồi, cũng có thể còn phải cắt thêm dăm ba chữ nữa. Sợ nhất là đến phút chót phải tìm ngay bài thay thế. Lúc ấy thì chị Kim Cúc, các anh Hoàng Trọng Đan, Trần Sơn Ngọc, Uông Ngọc Dậu, Duy Hưng hay Trần Nam Bình, Đoàn Quang, Phạm Thành... cũng như chúng tôi đều búi cả lên, mặt mũi đỏ nhừ.

Lãnh đạo Đài TNVN cùng tập thể cán bộ, phóng viên báo Tiếng nói Việt Nam kỷ niệm 5 năm thành lập báo

Có người nói lương bên tuần báo chắc khá. Đâu phải vậy. Nhưng làm báo nhà ở buổi đầu khó khăn nên ai cũng phải căng mình. Phải nói đây là một tập thể sống ấm áp tình người. Chúng tôi vui vì sau này dần dần có thêm một số phóng viên trẻ. Mỗi lần Phạm Trung Tuyến, Trần Mai Linh, Nguyễn Hữu Tiến, Sỹ Hào, Thanh Nga hay Phùng Quang Nghinh, Khương Lực... đi viết bài về, chúng tôi đều có dịp để hỏi, để nghĩ, để bàn luận.

Chúng tôi chú ý nhiều đến Tuyến vì đây là cây bút xông xáo, có bản sắc. Số phụ nữ trong toà báo xem ra khá nhiều. Mấy cháu Minh Huệ, Lê Huệ, Thanh Hà, Hà Nho... nhanh nhẹn, gắn bó với công việc. Hai cháu Huệ lúc rỗi không đi viết bài, được phân công làm quen với việc biên tập, đỡ đần thêm chúng tôi.

Biết tôi thích bài hát Casablanca nhưng không nhớ lời, cháu Lê Huệ có hôm đi in được ở đâu cho tôi đủ lời bài hát đó. Tấm lòng người trẻ đã giúp chúng tôi có thêm sức lực, niềm vui. Khó có thể quên cái đận làm số báo Tết Âm lịch đầu tiên. Lúc ấy, cộng tác viên chưa nhiều, kinh nghiệm còn ít, nhưng cả toà soạn đã dồn sức ra một số báo đẹp, tươm tất.

Khoảng một giờ sáng, mệt quá, chưa có chỗ tạm nghỉ, tôi leo lên tầng ba bỏ trống, đầy muỗi, chỉ còn chỏng chơ bộ bàn ghế cũ cáu bụi, ngả lưng tạm. Mấy năm sau đó, có tối chúng tôi ở lại muộn cố sửa bài cho xong. Toà soạn vắng chỉ còn lại năm sáu người. Một giọng nhỏ nhẹ đầu dây điện thoại: “Bác ơi! Chắc bác chưa ăn tối. Để cháu mua chút gì mang đến cho mấy bác”. Tôi cảm ơn, bảo cháu đừng bận tâm, các bác xong việc rồi, sắp về nhà. Nói thế để khỏi phiền cháu gái đồng nghiệp. Bữa ấy, chúng tôi thực ra còn làm việc tiếp chưa về, dù bụng đói.

Phần ấm áp nhất của ký ức chúng tôi là tình cảm thân thiết của các tác giả trong Đài, đặc biệt mấy bác đã nghỉ hưu. Báo một hồi có dành trang cho “Ký ức phát thanh”. Một tờ báo in của Đài lẽ nào không có những bài nói về thành tựu tuyên truyền, về kinh nghiệm nghề nghiệp, về kỷ niệm các chuyến đi...? Chúng tôi ân cần kéo mấy bác già vào cuộc, tất nhiên không thể quên các cây bút đang tại chức.

Bác Trần Ngọc Thụ, tác giả những tập thơ, trí nhớ tốt khiến nhiều bạn trẻ phải nể, là cả một kho ký ức về tuyên truyền nông nghiệp, kinh tế. Nhiều kỷ niệm về tuyên truyền thành tựu, hoạt động của giai cấp công nhân, phải kể đến bác Đoàn Quang Long. Còn bác Đặng Quang Tình, mấy lần đoạt giải truyện ngắn tuần báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, có thể kể cả ngày không hết chuyện đưa phát thanh lên miền núi, chuyện uống rượu, múa xoè trên bản xa Tây Bắc.

Mấy năm làm ở toà báo, sổ tay điện thoại cộng tác viên quen biết của tôi ghi khoảng vài trăm số. Có lần mưa to, tôi sơ ý để sổ bị ướt. Cũng không sao vì tôi vẫn đoán và nhớ ra đúng những con số mờ nhoè. Khó mà quên được tấm lòng các bạn viết gần xa.

Cho tới nay, tôi vẫn nhớ tên anh Vương Sỹ Ca ở thị trấn Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Hai bên không biết mặt nhau, nhưng thư từ mấy bận là quen liền. Anh thỉnh thoảng gửi ra những bài báo hoặc những bài thơ giản dị, phóng khoáng từ miệt đồng bằng Cửu Long. Có lần trong thư anh không ngại tâm sự đôi chút về gia cảnh. Tôi cũng không quên bác Nguyễn Đình Diên, cán bộ hưu trí ở phố Mạc Đĩnh Chi, thường gửi đến báo những truyện ngắn bác dịch từ tiếng Pháp.

Ở các nhà xuất bản, người ta phân ra mấy loại đọc: đọc loại, đọc duyệt và đọc hiệu đính. ở báo ta, không hẳn như vậy. Chúng tôi đọc đỡ cho nhau, tận dụng khả năng của từng người. Bác Diên dịch nghiêm túc, cẩn thận, chúng tôi ít khi phải góp ý tu sửa. Có năm, bác cho chai rượu thuốc tự ngâm tỏ lòng quý mến.

Giữa chúng tôi và cộng tác viên thân tín hình như tồn tại một “luồng cảm ứng” đặc biệt nào đó. Đang mong mỏi thì y như rằng có hồi đáp. Điện thoại đổ chuông ban đêm lúc tôi sắp đi ngủ: “Cảnh đây. Tôi biết ông mong. Ký sông Đà xong rồi. Chắc ông sẽ thích. Mai gửi”. Ông bạn nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh thơ hay đã đành, mà viết ký cũng tung hoành đó đây không biết mệt.

Quanh bàn biên tập cũng có dăm ba chuyện không vui. Có năm báo Tết do trục trặc thế nào đó, mỗi bài thơ chỉ được trả tám chục nghìn đồng. Sửng sốt và ngượng. Đành rút kinh nghiệm cho Tết sau. Lại còn thế này nữa: Tên của nhà thơ Ý Nhi cũng trên trang Tết bị co bé xíu như phù phép. Không sửa kịp nữa, đành gửi lời vào thành phố Hồ Chí Minh cáo lỗi tác giả.

Rõ ràng, nghề gì muốn tinh thông cũng phải trả “học phí” có thể khá đắt. Một lần, cộng tác viên điện về kêu báo biếu tới đã lâu mà tiền vẫn bặt tăm hơi. Tài vụ phải cử người mang giấy tờ ra bưu điện tìm nguyên nhân. Cũng có lần một tác giả đa tài trong làng văn ở xa cho biết tiền nhận đủ rồi sao mấy tháng sau mới thấy mặt báo Tết Nhâm Ngọ. Anh chị em phát hành làm việc vất vả mà gặp cảnh này thấy buồn lắm. Chúng tôi cũng không thể vui. Dường như thấu hiểu được điều đó, tác giả gửi về toà soạn lá thư, trong vỏn vẹn chỉ viết mấy câu thơ:

Báo xuân gửi muộn giữa năm

Hẳn ai nhắn nhủ ai rằng... vẫn xuân!

Giá như một tháng đôi lần

Giao thừa hai bận, đón xuân đi - về.

Ối a tiếng bấc tiếng chì

Là ai yêu đấy... xin thề với ai!

Một lời chê trách tế nhị, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Giấu bên trong đó là nụ cười kín đáo, hóm hỉnh, độ lượng. Với những cộng tác viên như thế, chúng tôi phải biết ơn và không thể không làm việc tốt hơn./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên