Người dân Krông Pắc hướng đến loại trừ bệnh lao vào năm 2030

VOV.VN -Nhiều bệnh nhân lao tại cộng đồng được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn, góp phần cắt nguồn lây, đẩy lùi bệnh trong cộng đồng.

Thấy trong người có những biểu hiện sốt nhẹ vào buổi chiều, người mệt mỏi, lười ăn, mất ngủ, tức ngực kèm theo ho, ông Nguyễn Minh Sơn ở thôn 3, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tìm đến Trung tâm Y tế huyện để khám, xét nghiệm và phát hiện mắc bệnh lao. Khi mới biết tin, ông Sơn khá lo lắng vì mắc phải một bệnh trong “tứ chứng nan y”. Nhưng với sự tư vấn, động viên của các bác sĩ, ông yên tâm tiếp nhận điều trị theo phác đồ và bệnh đã thuyên giảm dần.

Bệnh nhân lao được điều trị tại Trạm y tế xã Hòa Tiến - huyện Krông Pách.

 “Cách đây gần 4 tháng, có hiện tượng chiều lại bị sốt nhẹ, mình uống thuốc sốt của mấy đại lý bán vì mình tưởng sốt bình thường. Nhưng trong người cứ mệt mỏi, mất ngủ, cơ thể suy nhược. Sau đó một thời gian chuyển sang ho, mình đi chụp X. Quang, người ta nghi bị lao, mình có lên trên trung tâm lao phổi Đắk Lắk xét nghiệm. Trên đó đưa giấy tờ về trên xã, xã giới thiệu ra trung tâm y tế mới. Từ đó tới giờ mình thấy bớt sốt, ăn uống cũng ngon miệng hơn, tăng lên được gần 4 kg.”- ông Sơn kể.

Cũng như ông Sơn, anh Nguyễn Bảo Phong, ở thôn 2A, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc cũng phát hiện mình mắc bệnh lao trong một lần tình cờ đi khám bệnh. Anh cũng rất lo lắng nên bỏ việc tại TP HCM để về nhà chữa bệnh. Trải qua lần thăm khám tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk, anh Phong được chẩn đoán bệnh lao màng phổi và chỉ định điều trị tại nhà.

Các bác sĩ đến tận nhà bệnh nhân lao để kiểm tra quá trình điều trị.

Gần nửa tháng qua, đều đặn mỗi ngày, anh Phong đều tìm đến Trạm y tế xã Hòa Tiến để tiêm và uống thuốc đúng giờ dưới sự giám sát của cán bộ y tế. Những lúc bị “thuốc hành”, anh đã từng có suy nghĩ bỏ điều trị, nhưng rồi khi các y bác sĩ đến tận nhà thăm hỏi, động viên, anh lại có thêm nghị lực để đối mặt với bệnh tật.

 “Tôi được chuyển từ Bệnh viện lao của tỉnh về địa phương điều trị. Các bác sĩ ở đây nhiệt tình tới thăm hỏi. Hàng tuần, tôi đến tiêm và uống thuốc tại trạm dưới sự giám sát của bác sĩ. Tôi thấy khỏe hơn ban đầu, đi lại khỏe khoắn, nói chuyện được nhiều. Hồi xưa nói chuyện một xíu đã mệt rồi, bây giờ thấy khỏe rồi.”- anh Sơn chia sẻ.

Theo Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc, với quyết tâm giảm tỷ lệ mắc bệnh lao xuống mức thấp nhất, tăng số người được khám, phát hiện và điều trị kịp thời, đơn vị đã thường xuyên cử cán bộ ở tuyến xã xuống thôn buôn để tuyên truyền, giải thích những thắc mắc, nghi ngờ về bệnh lao cho người dân.

Cùng với đó, tại các trạm y tế xã, luôn có các panô, áp phích tuyên truyền, giúp người dân nâng cao sự hiểu biết về lao và chủ động tìm đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu mắc bệnh. Cán bộ chuyên trách ở tuyến xã và cộng tác viên y tế thôn buôn còn đến tận nhà từng bệnh nhân lao để động viên họ kiên trì điều trị để khỏi bệnh hoàn toàn, hạn chế trường hợp bỏ điều trị nửa chừng, gây nguy cơ lao kháng thuốc.

“Khi có bệnh nhân lao thì mình gửi cho bệnh nhân ở tuyến huyện để họ đăng ký vào số rồi chuyển về tuyến xã, tuyến xã có trách nhiệm nhận thuốc định kỳ hàng tháng. Đối với bệnh nhân có dùng thuốc tiêm, cứ hai tháng đầu mình tiêm thuốc tại trạm y tế định kỳ hàng ngày vào buổi sáng. Đối với bệnh nhân không có phác đồ tiêm thuốc, mình cấp thuốc cho bệnh nhân một tuần một lần, đồng thời theo dõi tình trạng dùng thuốc của bệnh nhân có theo đúng chỉ dẫn không. Nếu đúng như mình hướng dẫn thì yên tâm.”- bác sĩ Hồ Hữu Hải, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc cho biết.

Các bác sĩ tuyên truyền về cách phòng, chống bệnh lao cho người dân.

Nhờ xây dựng được mạng lưới chống lao phủ rộng nên tỷ lệ điều trị thành công của người bệnh trên địa bàn huyện đạt tương đối cao. Bác sĩ Nguyễn Quy, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc cho biết: Năm 2018, Trung tâm quản lý và điều trị 111 trường hợp mắc lao tại tất cả 16 xã, thị trấn của huyện. Trong đó tỷ lệ điều trị khỏi đạt 91%; hoàn thành điều trị là 95% và chỉ có 1,8% bệnh nhân bỏ trị. Phần lớn bệnh nhân bỏ điều trị đều rơi vào các trường hợp tuổi cao, sức yếu (trên 80 tuổi trở lên), song số bệnh nhân này vẫn được theo dõi, giám sát và xử trí cấp cứu kịp thời.

 “Để tiến tới loại trừ bệnh lao tại cộng đồng, cần tăng cường phát hiện bệnh nhân lao. Tuyên truyền để họ biết cách phòng bệnh, nhằm không lây cho những người xung quanh và cộng đồng. Khi phát hiện bệnh lao, cần tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát và điều trị hiệu quả. Mỗi bệnh nhân khi mắc bệnh lao nếu điều trị thành công thì khả năng lây cho cộng đồng rất ít và sẽ dần dần tiến đến loại bệnh lao vào năm 2030.”- bác sĩ Nguyễn Quy cho biết.

Sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế huyện Krông Pắc đã góp phần đáng kể trong nỗ lực đẩy lùi bệnh lao trong cộng đồng. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu loại trừ bệnh lao vào năm 2030, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi người cần có ý thức chủ động phòng, chống, góp phần tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bệnh Lao - nỗi lo và gánh nặng của toàn xã hội
Bệnh Lao - nỗi lo và gánh nặng của toàn xã hội

VOV.VN - Bệnh Lao là nguyên nhân chủ yếu làm nghèo đói dai dẳng và là trở ngại đối với phát triển kinh tế. Đó là vòng xoắn phải tháo gỡ.

Bệnh Lao - nỗi lo và gánh nặng của toàn xã hội

Bệnh Lao - nỗi lo và gánh nặng của toàn xã hội

VOV.VN - Bệnh Lao là nguyên nhân chủ yếu làm nghèo đói dai dẳng và là trở ngại đối với phát triển kinh tế. Đó là vòng xoắn phải tháo gỡ.

Ngày đầu phát động, Quỹ hỗ trợ bệnh lao nhận được gần 2 tỷ đồng
Ngày đầu phát động, Quỹ hỗ trợ bệnh lao nhận được gần 2 tỷ đồng

VOV.VN - Nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao 24/3, chiều nay (23/3), Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức phát động Quỹ hỗ trợ người bệnh lao.

Ngày đầu phát động, Quỹ hỗ trợ bệnh lao nhận được gần 2 tỷ đồng

Ngày đầu phát động, Quỹ hỗ trợ bệnh lao nhận được gần 2 tỷ đồng

VOV.VN - Nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao 24/3, chiều nay (23/3), Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức phát động Quỹ hỗ trợ người bệnh lao.