Người đàn ông khuyết tật hàn gắn những đôi chân tật nguyền

VOV.VN -Không thể đi trên đôi chân của chính mình, ông Trung thấu hiểu và khao khát tạo ra những chiếc xe lăn giúp người cùng cảnh được di chuyển dễ dàng hơn.

Tìm đến căn phòng nhỏ nằm nép mình trong con ngõ thuộc phố Kim Liên, Hà Nội, sau tiếng chuông cửa, ông Nguyễn Trung nhanh nhẹn đẩy bánh xe lăn, di chuyển ra cửa để đón những vị khách lần đầu đến nhà với nụ cười đôn hậu.

Căn phòng nằm ngay tầng 1 của dãy nhà tập thể cũ được bày biện khá đơn giản, nhường diện tích cho xưởng làm việc, nơi ông Trung chế tạo ra những chiếc xe lăn “không giống ai”.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ông "giám đốc" Nguyễn Trung vẫn miệt mài với công việc chế tạo xe lăn. 

Gọi là xưởng, nhưng căn phòng chỉ rộng chừng 15m2. Tại đây, suốt bao năm qua, hàng trăm chiếc xe lăn được sửa chữa và thiết kế mới đã đến với những người kém may mắn không thể tự đi trên đôi chân của chính mình ở khắp mọi miền đất nước.

Trong căn phòng yên tĩnh đến lạ, trầm lặng như bao con phố cũ của Hà Nội, thế nhưng theo bước người đàn ông ấy vào phía trong nhà xưởng, vị khách lần đầu đến đây như lạc vào một thế giới khác. Một xưởng cơ khí đúng chất hiện ra, vẫn còn đó cả những cỗ máy từ thời Liên Xô cũ để lại.

Tiếng cắt, đục, gõ kim loại xe xé, ông Trung vừa nheo mắt tránh ánh sáng chói lóa từ những thanh sắt bị cắt gọt, vừa kể cho khách nghe về “sự tích” của những chiếc xe lăn này.

Sinh ra trong một gia đình gốc Quảng Nam, bị bệnh bại liệt từ năm lên hai. Từ đó, cuộc đời của ông gắn liền với những chiếc xe lăn hạng nặng, thường xuyên bị hỏng và di chuyển khó khăn. Tình trạng này kéo dài, khiến ông nảy sinh ý tưởng “tại sao không làm xe lăn cho mình và cho người khác di chuyển thuận tiện hơn”.

Nghĩ là làm, ông bắt đầu mua nhiều chiếc xe lăn khác nhau để tìm hiểu nguyên lý vận hành rồi cứ tháo ra, lắp vào cho đến khi thành thục.

Sau này, thi đỗ Đại học Ngoại ngữ, nay là ĐH Hà Nội, thành thạo 3 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga. Học hết đại học, ông Trung làm việc trong Bộ Ngoại giao. Công việc chính làm việc trong môi trường bàn giấy, thế nhưng ước mơ và niềm đam mê chế tạo xe lăn vẫn luôn được ông ấp ủ.

Đến năm 1996, khi đã nghỉ hưu, ông tham gia khóa đào tạo “Thiết kế, sửa chữa và bảo dưỡng xe lăn cho người khuyết tật” tại Thái Lan.

Sau nhiều lần miệt mài cố gắng, năm 1997, chiếc xe lăn đầu tiên của ông xuất xưởng.

Xe làm hoàn toàn bằng những nguyên liệu dễ kiếm như ống inox, bánh xe đạp, vải dù, với tay lái nhẹ, dễ điều khiển, dễ sửa chữa khi hỏng.

Phía bên trong nhà xưởng, nơi ông Trung đã làm ra hàng trăm chiếc xe lăn. 

Dù ở đất Bắc, nhưng suốt hơn 20 năm qua, những chiếc xe lăn của ông đã lăn bánh trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều vị khách phương xa biết đến danh ông qua các phương tiện thông tin khác nhau cũng lặn lội đến tận nơi để đặt cho được một chiếc xe ưng ý. Bởi lẽ, những chiếc xe của ông Trung… không giống ai, không theo bất cứ khuôn mẫu nào, tùy vào nhu cầu đi lại của mỗi khách hàng, ông Trung lại có những thiết kế riêng cho phù hợp.

“Có người bị khuyết tật chỉ còn lại một tay, mình phải chế tạo làm sao cho họ chỉ cần lăn trên 1 bánh xe là có thể di chuyển nhẹ nhàng”, ông tâm sự.

Tiếng lành đồn xa, danh tiếng của “ông Trung xe lăn” ngày càng được nhiều người biết đến. Cũng bởi vậy mà trước kia, xưởng nhỏ của ông vẫn phải thuê thêm vài người cùng hỗ trợ. Nay dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, song ông vẫn một mình miệt mài với công việc quen thuộc. Đến nay, xưởng của ông đã sản xuất hơn 300 chiếc xe lăn.

Ông Phan Đại Chí (56 tuổi, Long Biên, Hà Nội) - một khách hàng đã dùng xe lăn do ông Trung sản xuất đã 10 năm nay- vẫn cảm thấy hài lòng bởi sự tiện lợi của chiếc xe lăn do ông Trung thiết kế. “Xe bền và tiện, bao năm qua cũng chỉ phải thay săm, thay lốp thôi. Không chỉ đi lại dễ dàng hơn, mà tôi còn có thể giúp gia đình được những việc nhà”, ông Chí cho biết.

Câu chuyện của chúng tôi thi thoảng lại bị ngắt quãng, để ông ghì sức, cố vặn những viếc ốc ít, những mối nối đã han gỉ theo năm tháng khi ông đang cố sửa cho kịp chiếc xe lăn cũ hơn 10 năm của một vị khách gửi từ Đà Nẵng ra.

Xong việc, bên ấm trà chiều, lột bỏ chiếc tạp dề dính đầy gỉ sắt và dầu mỡ, ông Trung thư thái chơi một bản harmonica như một món quà tặng vị khách lần đầu đến chơi nhà. Bản “Trở về suriento” dân ca Ý dịu dàng, sâu lắng, bài Nụ cười sôi động, yêu đời của tuổi trẻ và kết thúc bằng sự lắng đọng trong giai điệu của một bài dân ca Nga.

Nhìn kỹ hơn trong căn phòng nhỏ, tôi chợt nhận ra những bức ảnh riêng mà ông chụp về Hà Nội. Khi hỏi, ông Trung bảo, âm nhạc, nhiếp ảnh là những thú vui của khi rảnh rỗi, mà nếu không rảnh thì ông vẫn luôn cố gắng dành thời gian cho những đam mê ấy như một cách chiều chuộng bản thân.

Với ông Trung, việc sinh ra là người khuyết tật không đáng sợ, đáng sợ hơn là sự tự ti, mặc cảm và đầu hàng trước số phận.

Ông bảo, cuộc sống của ông vui hơn nhờ vào việc chế tạo những chiếc xe lăn vì vừa giúp mình, giúp người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ca sĩ Hoàng Bách hát cùng người đẹp khuyết tật ở Sapa
Ca sĩ Hoàng Bách hát cùng người đẹp khuyết tật ở Sapa

VOV.VN -Ca sĩ Hoàng Bách và gia đình đã làm đêm nhạc trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong chương trình "Tôi đẹp, bạn cũng thế" ở Sapa.

Ca sĩ Hoàng Bách hát cùng người đẹp khuyết tật ở Sapa

Ca sĩ Hoàng Bách hát cùng người đẹp khuyết tật ở Sapa

VOV.VN -Ca sĩ Hoàng Bách và gia đình đã làm đêm nhạc trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong chương trình "Tôi đẹp, bạn cũng thế" ở Sapa.

Xúc động trước bộ ảnh cưới của các cặp đôi người khuyết tật
Xúc động trước bộ ảnh cưới của các cặp đôi người khuyết tật

VOV.VN - Các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2018 đã cùng nhau thực hiện một dự án ý nghĩa dành cho các cặp đôi người khuyết tật.

Xúc động trước bộ ảnh cưới của các cặp đôi người khuyết tật

Xúc động trước bộ ảnh cưới của các cặp đôi người khuyết tật

VOV.VN - Các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2018 đã cùng nhau thực hiện một dự án ý nghĩa dành cho các cặp đôi người khuyết tật.

Bong bóng ước mơ của 600 trẻ em khuyết tật tại Khánh Hòa
Bong bóng ước mơ của 600 trẻ em khuyết tật tại Khánh Hòa

VOV.VN - Hoạt động của ngày hội thu hút gần 600 thiếu nhi khuyết tật cùng 200 giáo viên tham gia.

Bong bóng ước mơ của 600 trẻ em khuyết tật tại Khánh Hòa

Bong bóng ước mơ của 600 trẻ em khuyết tật tại Khánh Hòa

VOV.VN - Hoạt động của ngày hội thu hút gần 600 thiếu nhi khuyết tật cùng 200 giáo viên tham gia.

Khai mạc Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ 6
Khai mạc Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ 6

VOV.VN - Tham gia hội thi có 29 đoàn với hơn 1.300 vận động viên của các tỉnh, thành phố trong cả nước; cùng hàng trăm huấn luyện viên, tình nguyện viên.

Khai mạc Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ 6

Khai mạc Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ 6

VOV.VN - Tham gia hội thi có 29 đoàn với hơn 1.300 vận động viên của các tỉnh, thành phố trong cả nước; cùng hàng trăm huấn luyện viên, tình nguyện viên.

Đỗ Mỹ Linh rơi nước mắt trước hoàn cảnh của cặp vợ chồng khuyết tật
Đỗ Mỹ Linh rơi nước mắt trước hoàn cảnh của cặp vợ chồng khuyết tật

VOV.VN -  Dự án nhân ái “Ngày hạnh phúc” trong chương trình Người đẹp nhân ái đã khiến Đương kim Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh xúc động đến rơi nước mắt.

Đỗ Mỹ Linh rơi nước mắt trước hoàn cảnh của cặp vợ chồng khuyết tật

Đỗ Mỹ Linh rơi nước mắt trước hoàn cảnh của cặp vợ chồng khuyết tật

VOV.VN -  Dự án nhân ái “Ngày hạnh phúc” trong chương trình Người đẹp nhân ái đã khiến Đương kim Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh xúc động đến rơi nước mắt.

Hơn 5.000 người đi bộ ủng hộ nạn nhân da cam và người khuyết tật  ​
Hơn 5.000 người đi bộ ủng hộ nạn nhân da cam và người khuyết tật ​

VOV.VN -Đây là dịp để mọi người chung tay trợ giúp chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện sống cho nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật nghèo. 

Hơn 5.000 người đi bộ ủng hộ nạn nhân da cam và người khuyết tật  ​

Hơn 5.000 người đi bộ ủng hộ nạn nhân da cam và người khuyết tật ​

VOV.VN -Đây là dịp để mọi người chung tay trợ giúp chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện sống cho nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật nghèo.