Người hồi sinh cuộc sống cho bệnh nhân suy thận
VOV.VN - Trường hợp cậu sinh viên phải chạy thận suốt đời, bỏ dở tương lai sáng ngời, khiến bác sĩ Trần Thị Bích Hương day dứt khôn nguôi.
Trong số 123 bệnh nhân bị suy thận tiến triển nhanh thì 80% số bệnh nhân chưa chạy thận nhân tạo hồi phục chức năng thận và 60% trong số bệnh nhân đã chạy thận không còn phải gắn phần đời còn lại với máy móc chạy thận.
Đó là thành quả 6 năm ròng rã nghiên cứu của PGS.TS.BS Trần Thị Bích Hương, nguyên Phó khoa Thận, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cùng các cộng sự, với mục tiêu hồi sinh cho những quả thận tưởng chừng đã chết. Công trình vừa đoạt giải thưởng Kova lần thứ 16 (năm 2018) ở hạng mục Kiến tạo.
Phép màu đã đến với nhiều bệnh nhân từ khi gặp Bác sĩ Trần Thị Bích Hương. Ảnh: K.D |
Tái sinh những quả thận mang “án tử”
“Mới cưới nhau chưa được 2 tháng, chồng em phải đối mặt với nguy cơ suy tim, suy thận, suy phổi, phù nề toàn thân. Bác sĩ bảo bệnh rất nặng. Lúc đó, chúng em chỉ biết ôm nhau khóc…”. Thế nhưng, phép màu đã đến với vợ chồng chị Lưu Thị Lan (ngụ Đà Nẵng) kể từ khi gặp PGS.TS Trần Thị Bích Hương…
2 năm trước, mang theo hy vọng mong manh, vợ chồng chị Lan từ Đà Nẵng khăn gói đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm sự sống. Lúc này, bác sĩ phát hiện chồng chị bị bệnh lupus, cùng với viêm phổi, bệnh nhân dần suy thận tiến triển nhanh, rồi suy tim, sức bóp trái tim chỉ còn 20%, huyết áp cao liên tục. PGS.TS Trần Thị Bích Hương xác định bệnh nhân tổn thương đa phủ tạng, thuộc nhóm bệnh nhân nặng suy thận tiến triển nhanh (STTTN), cần phải có một phác đồ điều trị khác với các bệnh nhân chạy thận khác.
“3 tháng điều trị, bác sĩ Hương túc trực, chỉ dẫn cho em chăm chồng. Rồi một ngày bác sĩ thông báo chồng em có nước tiểu lại, rồi tim khỏe lại bình thường, huyết áp cũng ổn hơn, em hạnh phúc vô cùng và dự định sinh con trong năm tới”, người vợ trẻ cười mãn nguyện. Hiện nay chồng chị Lan chỉ cần đi khám định kỳ, không phải nằm lại bệnh viện.
Cho đến giờ, việc hồi phục ngoạn mục của Nguyễn Thị Xuân, 24 tuổi, vẫn như một giấc mơ đối với cô và gia đình. Được chẩn đoán là STTTN nhóm viêm thận lupus, quả thận chỉ còn 1% sự sống, cô còn bị biến chứng nhiễm trùng và bệnh vi mạch huyết khối. Không những thế, cơ thể yếu ớt của cô gái này còn phải gánh thêm hàng loạt căn bệnh nguy hiểm khác như suy tim, viêm phổi, nhồi máu não, động kinh. Cô bị thiếu máu rất trầm trọng bởi căn bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, không có kinh nguyệt.
Thời điểm đó, Xuân đang là nhân viên bán hàng tại một trung tâm thương mại lớn và đang chuẩn bị lễ đính hôn. Từ một người có bề ngoài xinh đẹp và luôn vui vẻ, tất cả đều sụp đổ trước mắt cô gái trẻ. Bà Phan Thị Liến, mẹ Xuân cho biết, lúc nào cô cũng chỉ nghĩ đến cái chết.
Thế nhưng, sau đó Xuân đã trở thành bệnh nhân đặc biệt nhất trong công trình nghiên cứu của nhóm bác sĩ Hương với sự hồi phục nhanh chóng, dần thoát ly khỏi máy chạy thận. Niềm vui đối với cô còn là việc có kinh trở lại. Không chỉ đạt ước mơ được làm vợ, Xuân còn mơ ước được làm mẹ trong tương lai không xa…
Xóm chạy thận nghèo và những mong ước nhỏ khi Tết đến, Xuân về
Công trình đột phá cách ly máy chạy thận
Năm 2010, một bệnh nhân nam là sinh viên chuẩn bị đi du học nước ngoài bị viêm thận lupus, mặc dù đã cứu chữa tận tình nhưng cuối cùng chỉ giữ được tính mạng, còn chàng sinh viên phải chạy thận suốt đời, bỏ dở bao tương lai ngời sáng phía trước. Điều này khiến bác sĩ Trần Thị Bích Hương day dứt khôn nguôi và bắt đầu lao vào nghiên cứu.
Hai năm sau, bác sĩ Hương đặt vấn đề với Hội đồng y đức của Bệnh viện Chợ Rẫy xin được sinh thiết thận ở những trường hợp bệnh nhân suy thận, đang chạy thận để làm đề tài “Chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hồi phục chức năng thận ở bệnh nhân suy thận tiến triển nhanh”.
“Khi tiến hành sinh thiết trên 123 bệnh nhân, trong đó một nửa số bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo, chúng tôi có bằng chứng chắc chắn rằng quả thận vẫn còn sống. Các mẫu sinh thiết cũng đều cho kết quả trên 90% các đơn vị thận còn nguyên vẹn, hoạt động bình thường. Đây chính là minh chứng khẳng định ngay cả khi bị suy rất nặng thì quả thận cũng không phải chết hoàn toàn, mà vẫn còn khả năng cứu chữa”, bác sĩ Hương cho biết.
Trong những bệnh nhân suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo (TNT), bác sĩ Hương đã tìm ra một nhóm nguyên nhân chưa được công bố ở nước ta. Đó là khoảng 80% số bệnh nhân có bằng chứng trên lâm sàng là bị nhóm bệnh vi mạch huyết khối.
BS Trần Thị Bích Hương và các cộng sự mong muốn bệnh nhân được sống chất lượng và hạnh phúc. Ảnh: K.D |
Bệnh này xảy ra ở bệnh nhân STTTN do sự hiện diện của các cục máu đông ở những mạch máu rất nhỏ. Bệnh nhân rơi vào nhóm bệnh này có trên 90% ở nhóm tuổi rất trẻ, từ 25 - 35 tuổi. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, trong số này sẽ có 90% nguy cơ tử vong.
PGS.TS Hương chia sẻ: “Bệnh nhân khi vào giai đoạn STTTN thường kèm theo tổn thương đa phủ tạng. Đặc biệt là các trường hợp đều kèm theo rối loạn đông máu. Chức năng thận suy sẽ làm cho toàn bộ hệ thống miễn dịch của người bệnh trở nên mong manh, chỉ cần một chút xíu sơ suất bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh. Do đó, khi làm bất cứ một can thiệp, thủ thuật nào đều phải rất cân nhắc, tỉ mỉ. Kết quả sinh thiết sau khi được chuyên gia trong nước đọc, chúng tôi tiếp tục gửi qua Úc cho các giáo sư đọc lại một lần nữa để đảm bảo chính xác tuyệt đối”.
Thay vì không điều trị gì hết đối với bệnh nhân chạy TNT như trước kia và dùng các thuốc kháng viêm liều cao cho tỷ lệ hồi phục thận rất thấp đối với bệnh nhân chưa chạy TNT, các bác sĩ đã thay huyết tương (toàn bộ thể tích dịch trong cơ thể), đồng thời sử dụng thuốc ức chế miễn dịch mạnh kèm theo dùng kháng đông toàn thân, kết hợp với chạy TNT nếu bệnh nhân được chỉ định.
Với nghiên cứu này, bác sĩ Hương và các cộng sự đã ngăn chặn được gần 90% bệnh nhân bị suy thận sắp chạy TNT không phải chạy TNT. Đối với nhóm đã chạy TNT ít nhất 3 tháng, có 60% bệnh nhân không còn lệ thuộc vào máy chạy TNT. Không chỉ tiết kiệm được chi phí chạy TNT, nghiên cứu đã đưa bệnh nhân thoát khỏi án tử, tăng tuổi thọ và đặc biệt cải thiện chất lượng sống của họ. Trong năm 2018, nghiên cứu đã nâng tỷ lệ bệnh nhân STTTN chạy TNT hồi phục lên 80%. Đề tài đạt được hai mục tiêu quan trọng là bảo toàn tính mạng cho người bệnh và bảo toàn chức năng thận./.
Tình người nơi “Xóm chạy thận” tại thành phố Hạ Long