Nhà báo Hồ Khánh Quý: “Phóng viên phải khe khắt với tác phẩm của mình“

VOV.VN - Nhà báo Hồ Khánh Quý: "Tôi nghĩ rằng mỗi phóng viên và phải khe khắt với tác phẩm của mình".

PV: Thưa nhà báo Hồ Khánh Quý, bất cứ ai khi nói đến nghề báo đều cho rằng đó là một công việc thú vị, đi lại nhiều và có năng khiếu văn chương. Ở quãng thời gian những năm 70 của thế kỷ trước, không có nhiều phụ nữ làm nghề báo chính vì vậy việc bà về đầu quân tại Đài TNVN cũng là một quyết định lớn trong cuộc đời của bà. Phải không thưa bà?

Nhà báo Hồ Khánh Quý: Tôi vốn là người ham đọc từ nhỏ, đến đâu tôi cũng là người bạn thân thiết của các vị trông thư viện. Khi có điều kiện chuyển sang làm báo ở Đài TNVN. Với tôi đấy là điều hạnh phúc.

Nhà báo Hồ Khánh Quý (đeo kính) và các nhà báo của VOV2

PV: Thưa nhà báo Hồ Khánh Quý, tôi được biết trước khi bước chân vào Đài Tiếng nói Việt Nam thì bà đang làm phiên dịch tiếng Trung Quốc ở Bộ Giao thông Vận tải. Như vậy, hành trang đến với nghề báo chỉ là đam mê, tuy nhiên, nghề càng khó bao nhiêu, sự phấn đấu của bà càng cao bấy nhiêu, bằng chứng là bà đã vững vàng trong chuyên môn, trở thành người viết báo giỏi, sắc sảo được bạn bè đồng nghiệp tin tưởng. Và điều khiến tôi rất khâm phục ở nhà báo Hồ Khánh Quý là ý chí tự học để nâng cao trình độ, quyết không thua kém bất kỳ ai. Bà có chia sẻ gì về điều này?

Nhà báo Hồ Khánh Quý: Đúng như thế, tôi không được qua bất cứ trường lớp nào về báo chí, suốt cuộc đời tôi toàn tự học. Tôi học ở cuộc đời là chính, tôi học ở tất cả mọi nơi, tất cả mọi người ngay cả những người phóng viên cùng làm với tôi, tôi có thể học được ở họ rất nhiều.

Ví dụ một bài viết phải chữa nhiều nhưng tôi đọc được từ cạn nghĩ, thế là tôi vớ được cho ngay vào sổ tay của mình. Cái điều ấy làm cho mình phong phú hơn về kiến thức. Vì có ý thức về việc học nên ngay cả khi ra ngoài chợ tôi cũng học được, nghe các bà cãi nhau và kể ra những câu tục ngữ rất tài tình thì mình về cũng ghi vào sổ.

Thời gian làm ở Ban Miền Nam đúng là gay go với tôi vì tiếng miền Nam mình nói không quen nhưng do đọc nhiều, qua truyện của tác giả miền Nam tôi ghi lại những câu, tục ngữ miền Nam khác miền Bắc như thế nào ghi vào sổ để đến lúc mình viết mình có vốn mà viết. Vì chịu khó nhặt nhạnh từ ngữ như thế tôi cũng cảm thấy có vốn để mà viết lách.

PV: Thưa nhà báo Hồ Khánh Quý, tôi muốn hỏi, sự ủng hộ của gia đình đã giúp cho bà có thêm sức mạnh và thời gian để làm báo như thế nào?

Nhà báo Hồ Khánh Quý: Ngay từ hồi còn trẻ, tôi phải cảm ơn nhà tôi vì ông ấy là nhà giáo nên thời gian của ông nhiều hơn tôi mà mình thì vừa nuôi con mọn phải tập trung viết lách có khi viết cả đêm, gần như những việc trong nhà ông ấy giúp tôi rất nhiều. Đến nỗi nhiều người không nghĩ rằng tôi có thể biết muối dưa cà.

PV: Hiện giờ trong gia đình nhà báo Hồ Khánh Quý có đến 3 thế hệ làm báo. Hai con trai, 2 con dâu và cả cháu nội đang nối nghiệp làm báo, trong đó có nhà báo Lê Quốc Hưng, đang là Phó Giám đốc Hệ Phát thanh Đối ngoại VOV5 (Đài TNVN) và con dâu là nhà báo Đàm Hoa (Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp VOV1, Đài TNVN), cháu nội cũng đang làm ở Hệ VOV5. Người ta hay nói là “dao sắc không gọt đằng chuôi”, điều này có đúng với bà khi các con, cháu đang theo nghề báo hay không?

Nhà báo Hồ Khánh Quý: Dao sắc thì không gọt được đằng chuôi nhưng mà nếu mẹ sắc vẫn dạy được con. Ngay cả khi tôi về hưu rồi, tôi vẫn giúp được con cháu trong vấn đề ngôn từ, có khi 11h đêm rồi nghe tiếng chuống điện thoại hỏi một từ Hán Việt thôi, tôi nghĩ đấy cũng là điều hạnh phúc. Đúng là dao sắc mà cứ gọt, không gọt chuôi mà gọt đằng lưỡi.

Các con tôi vào nghề báo cũng phải thừa nhận là mình có ảnh hưởng tới nó. Tôi rất ham đọc nên bao giờ trong nhà tôi ngay cả lúc nằm viện, tôi có sách đọc. Thế thì các cháu được thừa hưởng gen của mẹ nên cũng ham đọc sách báo vì cái đó nên chúng nó cũng viết được.

PV: Thưa nhà báo Hồ Khánh Quý. Có lẽ nói đến câu chuyện truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, không thể quên tác giả Vĩnh Lộc, với các tác phẩm Chuyện kể của bà giáo già, Ở nơi xin thôi đói nghèo, Đi tìm vàng.v.v. Vậy, bút danh Vĩnh Lộc đề tựa trong câu chuyện truyền thanh là thế nào, thưa bà?

Nhà báo Hồ Khánh Quý: Vĩnh Lộc là nơi sinh ra, là huyện có Thành Nhà Hồ, mà cái tên Vĩnh Lộc nghe cũng nhẹ nhẹ nhưng có điều giống đàn ông. Mà chính vì thế có nhiều chuyện thú vị xảy ra. Tôi làm ở Đài khá lâu rồi, tôi viết về nhân vật là NSND Tuyết Mai, thường buổi sáng giao ban, hôm tôi đến thì mọi người còn đang lao xao nói chuyện, tôi đi vào thì ông Trần Lâm bảo này cái bà này là Vĩnh Lộc đây này, người gầy đét mà sao viết ướt át thế…Thế là tôi lại thấy vui.

PV: Thưa tác giả Vĩnh Lộc, chủ đề mà bà trăn trở và hay đưa vào các câu chuyện truyền thanh là nói thẳng vào hiện thực cuộc sống, đặc biệt là nói về nếp sống văn hóa, phê phán thói mê tín. Lý do nào mà bà lại chuyên viết về mảng đề tài này?

Nhà báo Hồ Khánh Quý: Cách đây mấy chục năm người ta thường viết những vấn đề có vẻ đao to búa lớn nhưng trong cuộc sống hàng ngày thì tôi thấy chướng tai gai mắt lắm mà k văn hóa chút nào. Thế là tôi nghĩ là mình phải làm cái gì đó nó nhỏ thôi nhưng nó như từng giọt từng giọt tác động đến xã hội. Tôi cho rằng cái gì thuộc nếp sống văn hóa, tạo nên phong cách của con người và mình cứ suy nghĩ từng cái rất nhỏ.

Chẳng hạn như là thiên hạ họ bắt tay nhau mà bắt tay hời hợt, tôi cũng khó chịu, vừa bắt tay người nào mà lỏng lẻo thì tôi về cũng nghĩ viết tiểu phẩm nhắc nhở người ta về nếp sống văn hóa. Tôi thích mà không biết mọi người có nhận thấy không là tôi thích đùa.

PV: Thưa nhà báo Hồ Khánh Quý, qua những ý kiến của bạn đồng nghiệp, rồi của những người đã từng làm việc, tôi đã hình dung về bà Hồ Khánh Quý là một người phụ nữ rất giỏi nghề nhưng cũng rất cầu toàn, khắt khe trước mỗi bài viết của mình cũng như của người dưới quyền. Và tôi cũng được biết là bà đã chuyển nhiều vị trí công tác và ở đâu bà cũng tạo ra được những tiết mục mới hấp dẫn cho phát thanh. Bà có thể chia sẻ về điều này như thế nào?

Nhà báo Hồ Khánh Quý: Thực ra là vì yêu nghề cho nên là mỗi khi bước ra môi trường mới để làm phát thanh tôi đều nghĩ phải làm cái gì đó để không đi theo đường mòn. Ví dụ khi chuyển sang Ban Khoa Giáo là ban rất mới thì tôi nghĩ rằng bây giờ dạy dỗ người ta cái gì thì trước hết bản thân tôi cũng thế rất dốt về văn học nghệ thuật mà trong cuộc sống thì mọi cái đẹp đều bắt đầu từ các loại hình nghệ thuật.

Tôi đề nghị lên tiết mục Tìm hiểu cái đẹp trong cuộc sống chúng ta. Thế là mình được dịp gần gũi bậc thầy thế là mình học được. Thế đến lúc sang Đối nội, tôi nghĩ đã có nhiều tiết mục hay như giữ gìn sự trong sáng tiếng việt nhưng vì lúc nào cũng trăn trở về văn hóa nên tôi đề nghị lên tiết mục Nếp sống văn hóa thì viết cho tiết mục này có muôn vàn chuyện để viết mà hấp dẫn người ta.

Khi về đến Ban chuyên đề có đủ các thành phần, thanh niên phụ nữ thì tôi nghĩ đến CLB người cao tuổi.

PV: Đôi khi nghề báo rất cần sự thẳng thắn và trung thực. Với những người làm báo phát thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam, điều này lại càng cần thiết bởi hiện nay Đài TNVN đã phát triển đầy đủ các loại hình báo chí gồm báo nói, báo viết, báo điện tử, báo hình. Thậm chí, hiện nay chỉ cần một click chuột, bạn nghe đài có thể truy cập để nghe, để xem, để đọc thông tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên, để báo nói không bị lẫn giữa các loại hình báo chí khác, theo bà thì nhà Đài cần có những cách làm như thế nào?

Nhà báo Hồ Khánh Quý: Xưa kia thời của chúng tôi thì Đài TNVN gần như độc tôn về chuyển tải thông tin thế nhưng giờ thì quá nhiều, giữa rừng hoa ấy mình làm thế nào để mình là bông hoa không bị lẫn tôi nghĩ rằng vẫn là sáng kiến của mỗi phóng viên và phải khe khắt với tác phẩm của mình.

PV: Với 35 năm tuổi Đảng, hơn 40 năm làm báo, đến tuổi nghỉ hưu, nhà báo Hồ Khánh Quý vẫn luôn theo sát các đồng nghiệp trẻ qua việc nghe Đài, đọc báo, xem ti vi hàng ngày. Để qua đó, bà luôn có những đóng góp hữu ích cho làn sóng phát thanh ngày một vươn xa. Về riêng cá nhân nhà báo Hồ Khánh Quý, bà có mong muốn gì ở thế hệ phóng viên, BTV của Đài Tiếng nói Việt Nam?

Nhà báo Hồ Khánh Quý: Mong muốn thế hệ trẻ  mặc dù các bạn có thể kích chuột thì có hàng trăm “ông Google” chạy ra. Nhưng các bạn đừng quên văn hóa đọc bởi vì đọc một cuốn sách và một tờ báo tiếp thu của mình khác nhau lắm.

Tôi cũng xin phép được nói cho đến giờ nếu tôi có được chút nào đó đóng góp cho nghề báo thì 90% là do sách vở. Để viết bài viết cũng cần vài ngày suy nghĩ, để viết một cuốn sách có khi cần cả cuộc đời thì tại sao mình không đọc, một sự lãng phí tài sản của nhân loại.

PV: Xin cảm ơn nhà báo Hồ Khánh Quý./.

- Nhà báo Hồ Khánh Quý sinh năm 1936. Quê gốc ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu  Nghệ An trong gia đình có 7 anh chị em. Từ đời cụ nội đến bố đều là ông đồ Nghệ nên bà được thừa hưởng tố chất thông minh, nhanh nhẹn của mảnh đất Nghệ An nhiều người đỗ đạt. Ngay từ nhỏ, bà đã được cha mẹ quan tâm cho ăn học đầy đủ từ cấp tiểu học cho đến trung học, bà học trường Trung học Đào Duy Từ (thời kỳ đó cả tỉnh Thanh Hóa chỉ có một trường trung học của nhà nước.

- Bà đã từng tham gia các chương trình phát thanh đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam, giữ các chức vụ Tổ trưởng tổ nông thôn, Ban Biên tập Miền nam; Tổ trưởng Tổ Văn xã, Ban Khoa giáo, Đài Tiếng nói Việt Nam; Trưởng phòng Văn xã, Ban Đối nội, Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Trưởng Ban Chuyên đề (nay là Hệ Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Bà là tác giả của nhiều câu chuyện truyền thanh phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước

- Bà đã được tặng thưởng nhiều Huân chương và Huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên