Nhà báo Mai Thúc Long: Bốc lửa và Đằm thắm

VOV.VN - Nghe, đọc và viết, và nói là công việc thường ngày của nhà báo lão thành Mai Thúc Long.

Biết lâm bệnh hiểm nghèo, nhưng anh Mai Thúc Long không buồn nản, thậm chí không chút chán đời. Anh bảo “sinh lão bệnh tử” là quy luật muôn đời, có chừa ai đâu. Mấy tháng trước, chuẩn bị vào Bệnh viện Hữu Nghị, tôi đến thăm tại nhà, anh cười: “Mình đi viện lần này là sau cuối đấy. Có gì cậu viết điếu văn cho tớ nhé”.

Anh hơn tôi 16 tuổi, nhưng vui lên là gọi “cậu – tớ” ngon lành. Tôi rụt rè đưa cuốn bản thảo “70 năm – Đài Tiếng nói Việt Nam” dày hơn 500 trang in khổ lớn, nhờ anh xem lại, cho ý kiến. Anh đặt cuốn sách bên gối, giọng nhỏ nhẹ: “Chưa biết nội dung thế nào, chứ làm được thế này là công phu đấy.”

Nhà báo lão thành Mai Thúc Long (Ảnh tư liệu)

Ba ngày sau, gọi tôi đến nhà, anh không nói chuyện cuốn sách mà hỏi tôi: “Cậu có biết Đài Tiếng nói Việt Nam có vị trí như thế nào không?”, tôi chưa kịp trả lời, anh nói luôn: “Là tiếng nói trung thực về non sông, về dân tộc, về nhân dân. Hồn thiêng của nó là Độc lập dân tộc, là cất cao tiếng nói chính nghĩa. Các cậu nên nhớ Tiếng nói Việt Nam là bảo bối Quốc gia, là cõi thiêng mà gần gụi. Đài chúng ta được vinh hạnh phát đi tiếng nói của Dân tộc. Thiêng liêng lắm, hào hùng lắm, tự hào lắm chứ. Không thấy điều đó là chưa hiểu Đài. Hễ một ai đó nói xấu Đài, làm một việc gì đó tổn thương thanh danh của Đài Quốc gia, dù là nhỏ nhất, cũng có lỗi. Thấy lỗi đã khó, chuộc lỗi còn khó hơn, nhưng không phải là không làm được.”

Anh nói một thôi, một hồi, càng nói càng hăng, càng bốc. Sợ anh mệt, tôi vâng, dạ liên hồi, rồi xin phép ra về. Anh đưa cho tôi 3 trang giấy A4 dày đặc chữ góp ý cho cuốn sách. Xem ra chữ của anh còn khoáng đạt, ngay ngắn hơn thời đương chức, thường bút phê bằng dòng chữ xiên xiên trên đầu văn bản trình ký.

Anh bảo tôi ngồi xuống ghế, giọng đanh. “Cậu tưởng, ai, tớ cũng mời ngồi lâu đấy à?”, tôi chỉ biết ngồi yên. Anh chống tay lên thành giường, đầu vươn ra phía trước, giọng khoáng đạt: “Mình về Đài từ 1955, đến nay, đã 60 năm có lẻ ngày rồi đấy.” Tôi hiểu, anh không trừ năm tháng nghỉ hưu, vì trong anh lúc nào cũng có Đài.

Nghe, đọc và viết, và nói là công việc thường ngày của nhà báo lão thành Mai Thúc Long. Gặp vấn đề gây cấn, anh bốc lửa. Tôi nhớ, dạo phát bài “Ba chữ ký làm nghèo đất nước” của Trần Sơn Ngọc phê phán quyết liệt một Thứ trưởng. Ban Bí thư Trung ương Đảng gọi lãnh đạo Đài lên báo cáo. Anh Mai Thúc Long lúc ấy là Phó Tổng Giám đốc phụ trách nội dung nên gánh vác nhiệm vụ này. Trước khi đi họp, anh hỏi tôi: “Tôi hỏi lại Ban Thư ký biên tập cho chắc là nội dung bài điều tra đúng trăm phần trăm không?”. Tôi nói ngay “Bảo đảm”.

Nhà báo Mai Thúc Long và nhà báo Vĩnh Trà (thứ 2, thứ 3 từ trái sang) trong một cuộc giao lưu tại Đài TNVN (Ảnh tư liệu)

Tôi biết ngập ngừng trước sếp lúc này là bị hỏi dồn chân tường ngay. Thấy chiếc “La đa” màu vàng nhạt rẽ trái ra đường Tràng thi là tôi chạy hỏi Trần Sơn Ngọc cho chắc ăn. Ngọc chắc như đinh đóng cột: “Tôi bảo đảm với ông, tư liệu 10, tôi mới viết 5 thôi đấy. Còn 5 phần dự phòng nữa. Yên tâm đi”. Hôm sau anh Long hồ hởi: “Hôm qua tôi vừa mềm mại, vừa bốc lửa mới yên chuyện đấy.” Sau đó Ban Bí thư đã kết luận, Thứ trưởng bị kỷ luật và khẳng định Đài TNVN phản ánh đúng, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng.

Những năm đầu mới nghỉ hưu, tuần nào anh cũng lên cơ quan, lúc thì Ban Biên tập Đối ngoại, khi thì Ban Thời sự, thỉnh thoảng ghé Ban Thư ký Biên tập, vừa đứng uống nước vừa nêu một loạt vấn đề nóng cần tuyên truyền. Nghe Đài, có vấn đề gì nêu chưa đúng, chưa trúng, chưa hay, anh góp ý ngay, y như thời đương chức. Gặp vấn đề nóng, anh viết luôn bình luận phát trên Đài, in trên báo. Anh như sống lại thời bút chiến trên các chương trình dành cho Miền Nam.

Nhớ anh Mai Thúc Long...

VOV.VN - Hồi ức về kỷ niệm làm nghề cùng nhà báo Mai Thúc Long - Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Có lần, anh đột ngột vào phòng, mắng tôi một trận te tua về bài bình luận chính trị vừa phát trên sóng Thời sự, có chỗ chưa chuẩn. Giọng bốc hỏa, anh gõ gõ tay lên bàn: “Viết bình luận phải chặt chẽ, nói rõ quan điểm, không thể mập mờ, lý lẽ phải chắc, thuyết phục, nghe chưa?”.

Tôi mời anh chén trà nóng, nói nhỏ: “Anh ơi, trách nhiệm là Trưởng ban Thời sự, chứ đâu phải Ban Thư ký biên tập mà anh mắng em”. Giọng anh còn nóng hơn chén chè bốc khói: “Tôi mắng anh để anh nói lại với cậu Cổn” (Lúc này, anh Đào Văn Cổn, tức Đào Nguyễn làm Trưởng ban Thời sự).

Tính tình Mai Thúc Long là vậy, nóng đó rồi nguội ngay, anh không để bụng. Nếu chuyện trò với anh mà thông minh, lập luận chặt, có tình, có lý thì được quý mến, tôn trọng, và bền tình bạn.

Khi sức khỏe giảm sút, bệnh tình thêm nặng, biết “quỹ sống” không còn bao lăm, anh Mai Thúc Long lại chăm đi chơi, thăm bạn bè. Nhiều lần, anh về thăm lại Điện Bàn (Quảng Nam), dừng lâu ở Điện Phước, nơi chôn nhau cắt rốn, rồi vào thành phố Hồ Chí Minh thăm anh em ruột rà. Trong anh, tình nhà, tình quê, tình Đài quyện xoắn vào nhau.

Bất chợt nhớ ra, tôi nói lại câu danh ngôn phương Tây “người sống nhiều nhất không phải là người nhiều tuổi nhất, mà là cảm nhận được cuộc sống nhiều nhất.” Anh vỗ nhẹ lên vai tôi, mắt đằm thắm, xa xăm, giọng nhỏ nhẹ: “Đúng quá. Thiệt chí lý, chí tình.”./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên