400 năm vùng đất Phú Yên

Nhớ người mở đất

Nhiều tín ngưỡng gắn chặt với việc tưởng nhớ công lao những người mở đất, như Lễ Tá Thổ, Lễ cúng Thần Nông...

Cuối thế kỷ 16, theo lệnh chúa Nguyễn Hoàng, ông Lương Văn Chánh cùng lưu dân vào khai khẩn vùng đất từ phía Nam đèo Cù Mông đến phía Bắc đèo Cả, hình thành nên đơn vị hành chính Phủ Phú Yên vào năm 1611. Tính đến năm 2011, mảnh đất này vừa tròn 400 năm tuổi.

Hành trình mở đất
Nguồn sử liệu còn lưu giữ tại đền thờ Lương Văn Chánh cho biết những vùng đất do ông Lương Văn Chánh chỉ huy lưu dân khai phá là những nơi nằm ở hạ lưu các con sông lớn hoặc ven biển như Cù Mông, Bà Đài (hạ lưu sông Cái), Đà Diễn (hạ lưu sông Ba), Đà Nông (hạ lưu sông Bàn Thạch)... Vào thời bấy giờ, đây là vùng đất hoang hoá, việc khai phá vô cùng khó khăn, đất đai được khai phá trồng trọt sau 3 năm mới phải nộp thuế. Trong công cuộc khai phá đó, danh nhân Lương Văn Chánh là người có công đầu. 

Việc khai phá vùng đất Phú Yên là một quá trình lâu dài. Cuộc khai phá đó bắt đầu từ những người đi theo ông Lương Văn Chánh vào cuối thế kỷ 16 (năm 1578) và tiếp tục đến các thế kỷ 17,18, 19. Ví dụ như họ Đoàn ở Hoà An, họ Đào ở Hoà Thắng, gia phả của các họ này đều cho biết tổ tiên vào khai khẩn vùng đất Phú Yên từ đầu thế kỷ 18. Công lao những người mở đất được ghi nhận và thể hiện trong tập quán, tín ngưỡng. Nhiều người có công lao mở đất được các thế hệ sau tôn vinh là bậc tiền hiền và được thờ cúng tại các đình làng, như đình Phú Nông, đình Ngọc Lãng, đình Phú Lâm...


Nhiều tín ngưỡng gắn chặt với việc tưởng nhớ công lao những người mở đất, như Lễ Tá Thổ, Lễ cúng Thần Nông... Với những công lao hết sức to lớn, ông Lương Văn Chánh được hậu thế tôn vinh là Thành Hoàng của Phú Yên. Việc thờ phụng ông Lương Văn Chánh không chỉ của con cháu tộc họ mà còn được tổ chức như một lễ hội để tưởng nhớ công ơn người mở đất.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thưởng, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, trong công trình nghiên cứu về thân thế sự nghiệp ông Lương Văn Chánh đã viết: “Trong sắc phong của vua Minh Mạng ban cho Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh năm 1822 là Thượng Đẳng Thần, tức là các vị nhân thần khi sanh tiền có đại công lao với dân, với nước. Kỳ công khai hoá của ông luôn được hậu thế tôn vinh, ghi tạc công danh, biểu hiện lòng tôn kính ấy bằng việc nhân dân cả tỉnh Phú Yên, Nam Trung bộ và cả Nam bộ truyền tụng nhớ ơn, lập đền thờ.

Ngoài đền thờ và lăng tẩm của ông Lương Văn Chánh tại thôn Phụng Nguyên, xã Hoà Trị, huyện Phú Hoà, ở khắp nơi trong tỉnh tôn thờ ông “Hộ Quốc Trí Dân” ở các đình, miếu.

Ông Lương Kiệt - hậu duệ đời thứ 17 của ông Lương Văn Chánh chia sẻ: “Chúng tôi tự hào là hậu duệ của ông Lương Văn Chánh. Ông cũng là niềm tự hào của các thế hệ nhân dân Phú Yên, đặc biệt khi Phú Yên đang hướng tới các hoạt động kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển vào năm 2011. Trước đây, mỗi năm đến ngày 19/9 âm lịch là tộc họ tổ chức giỗ ông. Từ 3 năm nay, ngày mùng 6/2 âm lịch, đúng ngày ông nhận chiếu chỉ của Nguyễn Hoàng vào khai hoang lập ấp Phú Yên, tộc họ Lương  tổ chức lễ tưởng nhớ ông gắn với lễ hội do tỉnh Phú Yên tổ chức để giáo dục con cháu nhớ ơn những người mở đất”. 

Những tên đất, tên làng
Song hành với quá trình mở đất của nhiều thế hệ trong tiến trình lịch sử là việc hình thành các tụ điểm dân cư, đó chính là những làng Việt cổ hình thành dọc ven biển và dọc theo các con sông ở vùng châu thổ sông Cái, sông Đà Rằng, sông Bàn Thạch...

Các tài liệu nghiên cứu cho biết, đến đầu thế kỷ 19, Phú Yên được chia thành 2 huyện là Tuy Hoà và Đồng Xuân với 174 làng cổ. Trong quá trình hình thành các làng, những người mở đất đã gửi gắm ước vọng của mình cho muôn đời sau về sự giàu có, yên bình và một tương lai tươi sáng bằng những tên gọi của từng làng bắt đầu bằng chữ Phú, Yên, Hoà, An, Mỹ, Tân... Theo thống kê có 44 làng lấy chữ An làm đầu, 34 làng có chữ Phú, 14 làng có chữ Phước...

Bên cạnh đó, có một số tên làng bằng chữ Hán phản ánh thực trạng địa dư theo sông núi, cảnh quan hay nghề nghiệp, sản vật tại chỗ, như làng Bảo Tháp (có ngôi tháp cổ), làng Hoành Lâm có rừng ngang, làng Đa Ngư có nhiều cá, làng Tuyết Diêm làm muối... Điều đó cũng cho thấy đất Phú Yên lắm sản vật, núi sẵn vàng, sắt; đồng bằng lắm lúa gạo, biển nhiều tôm cá như các nguồn tư liệu cổ từng ghi chép.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn, Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian, khi nghiên cứu về vùng đất Phú Yên đã nhận định: “Vùng đất Phú Yên trong tiến trình lịch sử đã có sự hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hoá khác nhau, như văn hoá Chăm, văn hoá người Việt, văn hoá người Hoa... Bằng chứng của sự hội tụ và giao thoa đó là hàng loạt các di tích lịch sử, văn hoá, làng cổ phân bố dày đặc dọc theo các con sông lớn. Đó là các di tích đền tháp Chămpa; là những ngôi làng hàng trăm tuổi; các thương cảng cổ, tụ điểm buôn bán biểu hiện cho sự giao thương giữa miền ngược với miền xuôi, giữa đồng bằng với miền núi.

Những di tích như Tháp Nhạn, Thành Hồ, khu phố cổ người Hoa ở phường 1, cảng Tiên Châu, Vũng Lắm, thành Hội Phú, thành An Thổ... là những dấu tích văn hoá minh chứng về di sản văn hoá vô cùng đa dạng và phong phú của Phú Yên”.

Nhiều người có tâm huyết trong việc nghiên cứu và bảo tồn văn hoá Phú Yên đã đầu tư nhiều công sức để nghiên cứu hệ thống các di tích lịch sử văn hoá trên vùng đất này. Kết quả của các công trình nghiên cứu đó đã phục vụ có hiệu quả cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hoá.

Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Sở VH- TT- DL Phú Yên nhấn mạnh, những kết quả nghiên cứu về văn hoá của các công trình nghiên cứu trong thời gian qua như di tích văn hoá Chămpa, Lương Văn Chánh - thân thế và sự nghiệp, làng cổ Phú Yên... đã góp phần giúp ngành văn hoá trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá như di tích Tháp Nhạn, di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, di tích thành An Thổ, gành Đá Dĩa..., tạo ra những điểm đến của du khách trong năm 2011 khi Phú Yên tròn 400 năm tuổi.

Bốn thế kỷ đã trôi qua, trên vùng đất Phú Yên đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, văn hoá, nhưng công lao của các vị tiền nhân, những người có công mở mang vùng đất Phú mãi mãi được các thế hệ trân trọng, tôn vinh. Những giá trị lịch sử văn hoá cũng là hành trang quan trọng để Phú Yên vươn lên tầm cao mới, như chính ước vọng tiền nhân đã gửi gắm vào tên của vùng đất Phú Yên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên