Nhức nhối làng nghề Thụy Ứng

Sáng nay (24/9), đoàn kiểm tra liên ngành gồm Bộ Công an, Bộ Y tế và Chi cục Thú y Hà Nội tổ chức kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an  toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh chế biến tóp mỡ, da trâu-bò ướp muối, xương băm nhỏ ở thôn Thụy Ứng xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Sáng nay, tại thôn Thụy Ứng xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, cùng với sự chứng kiến của chính quyền địa phương, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh chế biến da trâu, da bò ướp muối, xương băm nhỏ. Chủ các cơ sở kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc số da trên bởi chúng được thu mua trôi nổi trên thị trường. Tại các cơ sở này, nước từ các đống da phân hủy, rỉ ra lênh láng nền kho xi măng chảy thẳng xuống cống, không qua xử lý. Sau khi mua về, họ tiến hành sơ chế cho dù da đã bị phân hủy hay chưa cũng được đổ thẳng cho lái buôn.

Bà Vũ Văn Điệp, chủ một cơ sở chế biến da trâu-bò ướp muối cho biết: “Từ trước đến nay chưa có đoàn kiểm tra môi trường nào vào đây kiểm tra, quy trình chế biến của chúng tôi là mua về ướp muối rồi bán…”.

Hiện nay, xã Hòa Bình có 20 cơ sở thu mua da, xương, sừng động vật, trung bình có 15 đến 20 tấn da trâu- bò mỗi ngày xuất khỏi địa phương. Đoàn công tác đã lấy mẫu nước thải để phân tích, yêu cầu chủ cơ sở chấp hành các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá ban đầu Cục cảnh sát môi trường, Bộ Công an, các cơ sở chế biến này vi phạm Luật bảo vệ môi trường vì không xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà cho chảy trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của xã, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt đối với các hộ chế biến, kinh doanh xương động vật không có nhà kho bảo quản da, xương, sừng động vật trâu bò, gây bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường, cũng như sức khỏe của người dân xung quanh.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Vũ Văn Đăng, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã Hòa Bình huyện Thường Tín thừa nhận; chính quyền xã Hòa Bình đã không làm tròn trách nhiệm để làng nghề lược sừng sai phạm trong một thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề ô nhiễm mà người dân vẫn duy trì sản xuất, chấp hành nghiêm quy định pháp luật đang là bài toán chưa có lời giải./.

Văn Hiếu

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên