Những bậc thang no ấm

Những thửa ruộng nối liền đất trời của huyện vùng cao Mù Cang Chải không chỉ là tư liệu sản xuất mà còn là một thế mạnh về du lịch

Anh Giàng A Su, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cầm chiếc cuốc rồi tiến về phía 5000 m2 ruộng bậc thang của nhà mình. Hôm nay anh tiếp tục mở rộng diện tích. Thấy mọi người ngạc nhiên với nông cụ thô sơ của mình anh bảo: “Làm ruộng bậc thang nhiều khi đơn giản lắm, đắp bờ rồi dẫn nước là xong. Chỉ những đám ruộng lớn mới cần đến sức kéo của trâu bò hay máy móc. Mà ở vùng cao này, khoảng đất nào rộng đến thế tìm không dễ”.

Nói là làm, anh Su bổ những nhát cuốc mạnh mẽ, lật tung những mảng cỏ và tìm đất đá để đắp bờ, sau đó cùng vợ khai thông nguồn nước và san tạo mặt bằng. Khó tin nhưng chỉ sau nửa buổi sáng, một khoảnh ruộng bậc thang tít hút dưới chân đồi đã được hình thành, chuẩn bị cho vụ mới.

Nhìn những dải ruộng bậc thang kỳ vĩ nối đất với trời hùng vĩ ít ai nghĩ là được hình thành đơn giản và nhanh chóng đến vậy. Theo anh Su, cái khó nhất trong khi khai thác ruộng bậc thang, đó là phải tìm được nguồn nước và mảnh đất đủ màu mỡ. Ở vùng cao đất thì nhiều nhưng nước rất hiếm, kiếm được chỗ đất tốt thì không có nước, chỗ có khe nước thì đất cằn, đá chen đá. Để có được những thửa ruộng bậc thang, đó phải là sự tìm kiếm dài lâu và kinh nghiệm của người Mông. Ở Mù Cang Chải, đó còn có sự sắp đặt của tạo hóa. Ở đây có đủ nước, có đủ đất để hình thành nên những dải ruộng bậc thang ngút ngàn tầm mắt.

Lên Mù Cang Chải, du khách đều phải ngạc nhiên vì giữa vùng núi cao hiểm trở lại có những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đến mê lòng, mà chủ nhân của nó không ai khác chính là bà con người Mông chăm chỉ và hồn hậu. Những thửa ruộng cứ từng cấp, từng cấp ôm theo triền núi đồi. Trên những độ cao khoảng 2000m, nơi máy móc và có khi cả trâu bò không lên được; bằng những nông cụ thô sơ như dao, cuốc... bà con người Mông cứ cần cù tạo nên những khoanh ruộng có khi chỉ vài mét vuông. Cũng không thể không nói tới điều kiện tự nhiên của Mù Cang Chải. Nơi đây không có cánh đồng lòng chảo nên bà con từ hàng ngàn năm vẫn bám lấy đồi, rừng, núi để sống. Và be bờ, tạo ruộng trên những triền núi để trồng lúa nước là cách thức đem lại năng suất cao nhất.

Khắp 13 xã, thị trấn của Mù Cang Chải chỗ nào cũng có ruộng bậc thang. Tuy nhiên, muốn thật sự được chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng tráng và thiên đường ruộng bậc thang thì chỉ có một cách duy nhất là phải lội bộ từ vài giờ đến... vài ngày bằng những con đường mòn băng qua các hẻm núi. 

La Pán Tẩn và Chế Cu Nha, hai xã có những thửa ruộng đẹp nhất ở Mù Cang Chải, chẳng ai có thể đi qua ngay mà không dừng lại ngắm nhìn những mâm vàng rực rỡ chờ ngày thu hoạch hay thảm xanh khi lúa vào thời kỳ trổ bông, đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các quả đồi.

Đặc biệt, quan sát từ trên lưng chừng núi mới thật sự là những công trình văn hoá tuyệt tác của các nghệ nhân sáng tạo ra nó. Do địa hình nơi này là núi cao, vực sâu, cắt xẻ nhiều nên mỗi “mâm xôi” đều được xen giữa các khe nước lớn nhỏ, trập trùng là những rừng thông bạt ngàn. Cứ thế, ruộng, rừng, khe, suối... tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau. Càng lên cao, ta càng thấy thú vị bởi sự kỳ vĩ, hoành tráng của núi rừng, bởi sự trong lành của khí hậu nơi đây...

Anh Vũ An Khánh cùng các bạn bè mình lặn lội từ Hà Nội lên với Mù Cang Chải trong những ngày huyện tổ chức Tuần lễ ruộng bậc thang đã phải trầm trồ:Tôi đã đi nhiều nơi, cả những nơi có ruộng bậc thang nhưng chưa bao giờ thấy những cảnh đẹp như thế này. Dự định của chúng tôi là ở đây 2 ngày, nhưng cả nhóm quyết định ở lại gần 1 tuần. Thế nhưng hình như vẫn chưa đủ, mỗi khu vực lại có những sự khác lạ. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải trở lại thêm để săn ảnh”.

Toàn huyện Mù Cang Chải có gần 2.200 ha ruộng bậc thang, trong đó tập trung nhiều nhất tại ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Ba xã này có hơn 500 ha ruộng bậc thang được giữ gìn và gần như nguyên sơ, được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng Danh thắng cấp quốc gia năm 2007.

Để khai thác tốt tiềm năng ruộng bậc thang, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải đang ra sức sản xuất, đẩy mạnh khai hoang, thâm canh tăng vụ... đồng thời tôn tạo, gìn giữ, kết hợp ruộng bậc thang với bảo vệ thiên nhiên, duy trì lễ hội văn hoá cổ truyền như: mừng cơm mới, hội Gầu tào, đánh pao, bắn nỏ... Nét văn hóa đặc sắc vùng cao và vẻ đẹp tuyệt vời của ruộng bậc thang đã tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn trong lòng du khách mỗi khi đến nơi đây.

Ông Giàng A Tông, Chủ tịch huyện Mù Cang Chải cho biết, với ruộng bậc thang được thâm canh tăng vụ sản lượng lương thực, mỗi năm ở Mù Cang Chải đạt gần 20.000 tấn, trong đó lúa nước chiếm gần 1/3. Bình quân mỗi người dân có trên 360kg thóc mỗi năm. Như vậy, ruộng bậc thang sẽ là một trong những ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.

Càng lên cao du khách càng thấy thú vị bởi Mù Cang Chải không chỉ đẹp trong màu xanh của núi rừng, màu vàng của đất, của lúa mà trên mảnh đất này ta còn thấy cái đẹp trong tâm hồn người Mông, trong sự mến khách của đồng bào. Tới đây, dù vào những ngày giá lạnh đến mấy thì cái nồng ấm của tình người cũng xua đi được cái lạnh giá đặc trưng của miền sơn cước. Mùa xuân khi hoa đào hoa mận nở khắp rừng, cũng là một dịp lý tưởng nhất để lên với Mù Cang Chải./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên