Phát triển điện hạt nhân: Cần đảm bảo quy định vận hành an toàn

Đòi hỏi một tầm nhìn xa về mọi mặt từ thiết kế đến xây dựng rồi đào tạo nhân lực, vận hành và bảo dưỡng nhà máy cũng như quản lý chất thải…

Đó là nhận định của Giáo sư Trần Đại Phúc, người đã có thâm niên hơn 40 làm việc trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân tại nhiều quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ, Bỉ… Ông cũng là một thành viên trong Tổ tư vấn Việt- Pháp của Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận và đang dành nhiều tâm huyết cho công tác đào tạo nhân lực hạt nhân cho quê nhà.

PV VOV thường trú tại Pháp đã có cuộc trao đổi với GS Trần Đại Phúc khi ông đang chuẩn bị về Việt Nam thực hiện khóa giảng dạy mới.

 

Giáo sư Trần Đại Phúc

PV: Thưa Giáo sư, trong bài viết có tựa đề “Fukushima sau 3 tháng: Những bài học cho Việt Nam trong tương lai”, ông đã khẳng định rằng sự cố tại Nhật Bản có thể đã không nặng nề tới mức đó và việc phát triển điện hạt nhân vẫn là cần thiết đối với Việt Nam. Xin ông nói rõ hơn?

G.S Trần Đại Phúc: Trong mấy tai nạn đã xảy ra như ở Three Mile Island (Mỹ) hay Chernobyl thường là do nhà vận hành hơn là nhà thiết kế, không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong vận hành, không có phương sách quản lý sự diễn biến của sự cố.

Lấy ví dụ ở Pháp, có 58 nhà máy điện hạt nhân, mỗi năm có tới 2.000 sự cố nhưng từ sự cố nhỏ nhất xảy ra người ta cũng phải làm thống kê và nghiên cứu, để lưu lại sau đó có cách xử lý nhanh và kịp thời. Về sự cố tại Fukushima, nhà vận hành TEPCO là một trong những nhà vận hành lớn nhất của Nhật Bản nếu chuẩn bị tốt đối phó sự cố… lẽ ra tai họa đã không lớn đến như vậy.

Việt Nam muốn phát triển thì phải có nền năng lượng đảm bảo. Có thể nói là từ nay đến 2050 thì không gì thay thế được năng lượng hạt nhân. Năng lượng gió, điện mặt trời còn phức tạp, nhất là đối với Việt Nam về diện tích không lớn, dân cư đông. Ví dụ ở Pháp hay Đức một năm năng lượng gió cũng chỉ hoạt động 5/12 tháng, bảo dưỡng những hệ thống đó rất phức tạp chứ không dễ. 

PV: Theo ông, đâu là những bài học lớn mà Việt Nam phải ghi nhớ trên con đường khởi đầu phát triển điện hạt nhân ?

G.S Trần Đại Phúc: Quan trọng nhất là phải làm sao tạo dựng Cơ quan an toàn bức xạ hạt nhân có đủ khả năng nhân lực được đào tạo cơ bản để thẩm định những hồ sơ an toàn trong quá trình triển khai xây dựng, đi giám sát ở các nhà máy điện hạt nhân. Cơ quan an toàn phải hoạt động độc lập, có quyền cho phép hoặc đóng lại một nhà máy.

Nước Pháp là nhà vận hành tuân theo các tiêu chí vận hành một cách triệt để. Trước khi áp dụng các tiêu chí đó là phải gửi về cho các cơ quan an toàn để thẩm định lại. Một sai lầm là phải báo cáo ngay lập tức, chứ không phải như Fukushima phải 6- 7 giờ sau mới báo cáo.

Việt Nam phải chú ý đến vấn đề chất thải hạt nhân trong nhà máy và nhiên liệu hạt nhân. Khi nhà lò đã vận hành, 5-10 năm sau vấn đề sẽ rất phức tạp nếu ngay từ bây giờ không chú ý đến vấn đề này.

PV: Vấn đề quản lý chất thải đang rất được người dân quan tâm vì lo ngại an toàn đối với môi trường và con người. Nhưng xây dựng các cơ sở xử lý chất thải thì rất đắt. Vậy theo ông, Việt Nam nên đi theo hướng nào?

G.S Trần Đại Phúc: Những chất thải đó mình không thể để tại Việt Nam được, vừa không an toàn vừa không có giá trị kinh tế. Bởi thanh nhiên liệu khi cháy sẽ làm biến chuyển ra chất plutonium rất có giá trị về kinh tế, nếu để lâu giá trị sẽ mất đi. Ví dụ như ở Pháp, 1 tấn uranium sẽ lấy được 10-11 kg plutonium, rồi sau đó họ bỏ lại vào lò nguyên tử, tiết kiệm giá thành nhiên liệu ít nhất cũng 30 phần trăm chi phí.

Pháp đã có cơ sở xử lý nhưng Việt Nam không có, mà xây mới rất tốn kém, có thể lên tới 50-60 tỷ USD. Nên đầu tiên, có thể xem cách nước Bỉ đã và đang làm là chuyển chất thải sang Pháp xử lý rồi mang một khối lượng rất nhỏ trở lại nước Bỉ và có thể là chôn đi. 

PV: Chúng ta đã lựa chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên theo công nghệ của Nga. Giáo sư có thể cho biết công nghệ của Nga có những ưu và khuyết điểm như thế nào ?

G.S Trần Đại Phúc: Nếu so sánh kỹ nghệ của LB Nga thì các cơ quan an toàn thế giới cũng công nhận đó là một trong những lò tốt nhất trên thế giới. Lấy ví dụ bình sinh hơi của các nước Âu Mỹ thì chừng 15-20 năm là phải thay rồi; trong khi của Nga có thể đảm bảo lâu. Nhưng về công nghệ đảm bảo chất lượng xây dựng và kiểm soát thì công nghệ của Nga chưa bằng châu Âu và Mỹ. Do đó, với Việt Nam, khi cập nhật công nghệ của LB Nga phải lo đào tạo đội ngũ trong Cơ quan an toàn, đào tạo bài bản về văn hóa đảm bảo chất lượng trong quá trình xây dựng, lắp ráp và thẩm định an toàn.

Nhân lực Việt Nam còn kém vì phần lớn chuyên gia được đào tạo ở các nước dựa trên vật lý hạt nhân hơn là công nghệ hạt nhân. Muốn đào tạo chuyên gia về công nghệ hạt nhân, phải tốn khoảng 8-12 năm. Nếu theo quá trình thông thường; e rằng Việt Nam khó đạt được mục tiêu là phải có ít nhất 2.000 chuyên gia hạt nhân từ nay đến năm 2020- 2025. Mỗi nhà vận hành phải có khoảng 300-400 người, không những thấu hiểu các trang bị một cách chính xác mà cũng phải hiểu thiết kế của nó thế nào.

Những bài giảng của tôi ở Việt Nam chủ yếu là dựa trên phản hồi kinh nghiệm và thực tế của công nghệ hạt nhân chứ không phải lý thuyết nhiều. Phải công nhận là các chuyên gia của Việt Nam đã có cơ bản rồi. Hiện tôi đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ và các chuyên gia các trường đại học dựa trên đó thành lập một hội đồng làm một giáo trình đặc biệt cho công nghệ hạt nhân của mình, để thay vì 12 năm thì ta chỉ cần 4 năm có thể đào tạo được một chuyên gia.

PV: Vâng xin cảm ơn Giáo sư ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên