Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989-6/12/2009)

Bưởi Diễn cho trái ngọt trên đất Thái Nguyên

Người có công đưa bưởi Diễn lên Thái Nguyên chính là ông Nguyễn Quang Yên, thương binh hạng 3/4, quê ở Hoài Đức (Hà Nội)

Là một loại quả đặc sản của Hà Nội, nhưng hôm nay ở xóm Làng Dỗ, xã Tân Quang, thị xã Sông Công (Thái Nguyên), một đồi bưởi Diễn với gần 600 cây đang khoe trái trĩu cành. 

Hành trình lên Thái Nguyên của cây bưởi Diễn

Không phải là người Thái Nguyên nhưng ông Nguyễn Quang Yên lại có duyên với đất Thái Nguyên. Năm 1981, sau khi phục viên ông trở về quê ở xóm 2, xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) làm nghề buôn hoa quả. Ông thường lên Thái Nguyên mua na, hồng... về bán ở chợ đầu mối Long Biên.

Năm 1997, trong một lần đi mua bưởi Diễn ở Từ Liêm (Hà Nội), ông thấy trong một vườn nhưng bưởi Diễn lại hình thành hai loại quả, một loại trông nhỏ hơn nhưng bổ ra thì vỏ lại mỏng và chất lượng nước bưởi lại ngọt hơn loại kia. Tò mò ông hỏi chủ vườn mới biết khi trồng vườn bưởi này do không mua đủ đất phù sa để trồng nên một nửa vườn phải trồng bằng đất đồi, không ngờ cây bưởi Diễn trồng trên đất đồi cho trái tuy nhỏ hơn nhưng lại thơm và ngon hơn.

Câu chuyện ông chủ vườn kể tưởng như chỉ thoảng qua đó nhưng lại làm nảy trong đầu ông một ý tưởng mới. Ông Yên mua 2 cây bưởi Diễn mang về nhà người anh ở xóm Đông Tiến, Tân Quang, thị xã Sông Công để trồng. Ba năm sau cây cho trái, mang trái bưởi Diễn ra so sánh thì thấy chất lượng quả trồng trên đất Thái Nguyên không kém loại quả trồng ở Hà Nội. Thấy vậy, ông bàn với vợ mua đất ở Thái Nguyên để trồng bưởi.

Mới đầu vợ ông còn chần chừ vì sợ ông vất vả, trong khi vết thương ở đầu lại hay tái phát nhưng thấy ông say mê với việc trồng cây bưởi Diễn nên bà đồng ý. Năm 2004, sau khi vay mượn cộng với số tiền gia đình tích góp được ông bà mua một quả đồi trọc hơn 6.176m2 ở xóm Làng Dỗ, xã Tân Quang, thị xã Sông Công rồi cất công thuê người phát cây bụi, đào hố để trồng bưởi. Tháng 9/2004, ông mua 600 cây bưởi Diễn về trồng. Tổng đầu tư cho vườn bưởi Diễn lúc đó lên tới trên 300 triệu đồng. Ông cất một căn nhà nhỏ để ở, chăm sóc cây và trở thành công dân thường trú của xóm Làng Dỗ. 

Học làm nông dân

Cây bưởi Diễn được ông trồng chăm sóc đúng cách nên tỷ lệ sống đạt trên 90%. Ông cho biết: Cây bưởi không cần chăm sóc nhiều mà phải đúng kỹ thuật. Trong vòng 3-4 tháng đầu sau khi trồng chỉ cần tưới nước, tuyệt đối không được bón phân. Từ tháng thứ 5 trở đi, khi thấy lá mẹ rụng hết, lá non nhú mầm thì bắt đầu bón đạm urê nhưng lượng rất nhỏ (1kg đạm urê hoà nước tưới cho khoảng 80 gốc), một tháng chỉ được tưới 1 lần.

Năm thứ 2, tuyệt đối không được tưới đạm mà bón phân NPK với lượng bón rất ít, 1kg phân NPK bón được khoảng 45 gốc, thời điểm bón phân là vào lúc lá cây đã già (không được bón khi cây ra lá non), một năm chỉ được bón phân NPK hai lần. Sang năm thứ 3, cây bắt đầu cho quả, nên một năm chỉ bón phân NPK một lần vào lúc thu hoạch quả xong.

Ông cho biết: “Để có được kỹ thuật chăm sóc cây tôi đã mất cả năm trời tìm hiểu và học hỏi cách trồng, chăm sóc cây của các chủ vườn bưởi có tiếng ở Từ Liêm (Hà Nội). Tất cả những gì học được tôi cẩn thận ghi chép lại để áp dụng, ngoài ra trong quá trình trồng tích lũy được kinh nghiệm gì tôi lại bổ sung vào sổ”.

Chẳng thế mà khi tôi hỏi: Cây bưởi thường hay có bệnh gì, ông đã chỉ rõ từ cách phát hiện bệnh đến cách chữa trị. Ông cho biết: Cây bưởi hay bị bệnh nấm, nhện đỏ, sâu đục thân… nên phải thường xuyên theo dõi. Đối với bệnh nấm và nhện đỏ chỉ cần phun thuốc trừ sâu. Riêng với sâu đục thân, thường xuất hiện vào tháng 3 đến tháng 6, buổi tối dùng đèn soi ở gốc cây nếu thấy con sâu mẹ hay còn  gọi  là con “xén tóc” thì bắt không cho đẻ trứng. Nếu không may để sót, sâu đục vào thân cây thì dùng nan hoa xe đạp lùa vào trong thân cây móc sâu ra. Khi cây có quả thì phải phòng bệnh ruồi đỏ không cho châm vào quả (mà dân gian thường gọi là bị ong châm), vì trái bưởi khi bị ruồi đỏ châm thì sẽ bị hỏng.

Năm 2007 vườn bưởi bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên được hơn 1.000 quả, ông bán được gần 20 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Năm 2008, thu hoạch được gần 1 vạn quả bán được hơn 100 triệu đồng. Năm 2009 vườn bưởi của ông cho khoảng trên 1 vạn quả, giá bán trên thị trường hiện nay là 15.000 đồng/quả.

Vườn bưởi Diễn của ông khoe trái trên đất Thái Nguyên, “tiếng lành đồn xa”, nhiều  hộ  dân ở các địa phương khác như Đại Từ, TP Thái Nguyên, Phổ Yên… cũng tìm đến nhà ông mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi. Năm 2008 ông bán gần 800 cây giống (với giá  25.000 đồng/cây ghép) thu về hơn 20 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho mình ông còn phổ biến, hướng dẫn cho nhiều người dân khác trong tỉnh về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Diễn. Gia đình ông Đỗ Văn Xuân ở xóm Đồng Tiến, xã Tân Quang được ông giúp đỡ cây giống và kỹ thuật đã trồng 100 cây bưởi, ông Dương Văn Hà, xóm Làng Dỗ trồng 100 cây bưởi…

Mới đây Hội Nông dân huyện Võ Nhai đã tổ chức đoàn đến thăm quan học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi Diễn của ông để về áp dụng tại Võ Nhai.

Thế là từ nay, không chỉ Hà Nội có đặc sản bưởi Diễn mà ngay tại Thái Nguyên cũng trồng được sản phẩm thơm ngon và bổ dưỡng này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên