Hành trình hạnh phúc

 Đó là hành trình tiếp nối những hành trình nhằm giành lấy tương lai cho Thiện Nhân và có thể cả với những cháu bé khác có số phận không may như Thiện Nhân

Nhà cách mạng lỗi lạc Che Guevara có nói: “Hạnh phúc là hành trình chứ không phải đích đến”. Cách đây hơn ba năm, tại Bệnh viện Dartmouth ở nước Mỹ, sau ca phẫu thuật niệu đạo thành công cho bé Thiện Nhân, trả lời phỏng vấn phóng viên truyền hình Mỹ, chị Trần Mai Anh cũng nói tới hai từ “hành trình” và “Hạnh phúc”. Chị nói: “Tôi hạnh phúc vì cuộc phẫu thuật đã thành công. Từ nay, cháu Thiện Nhân đã có thể tự đi tè, không còn phải đóng bỉm suốt ngày đêm nữa. Tôi biết ơn các giáo sư, bác sĩ Mỹ, với cuộc phẫu thuật đầu tiên này đã giúp tôi cất bước trên một con đường dài dường như không có kết thúc. Đó là hành trình tiếp nối những hành trình nhằm giành lấy tương lai cho Thiện Nhân con tôi và có thể cả với những cháu bé khác có số phận không may như Thiện Nhân”.

Chị Mai Anh - mẹ của bé Thiện Nhân

May mắn gặp Thiện Nhân từ những ngày đầu khi vợ chồng chị Trần Mai Anh lặng lẽ đón cháu từ ngôi làng nhỏ tận huyện Núi Thành, Quảng Nam xa xôi về, tôi đã không ít lần ngỡ ngàng bởi những chiêm nghiệm có được từ “Chuyện cổ tích giữa đời thường” này.

Đầu tiên là sự sống kỳ lạ không sao cắt nghĩa được của bé Thiện Nhân. Vừa lọt lòng bị mẹ đẻ vứt bỏ, bị thú rừng ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, đứt hết các mạch máu chính, máu tự chảy suốt 72 giờ, toàn thân tím ngắt, kiến bu đầy người mà kỳ lạ sao bé Thiện Nhân vẫn sống? Tôi đã nghe rất nhiều sự giải thích để rồi không tự giải thích được. Cho đến một buổi chiều xuân năm ngoái, tôi và BBT Báo TNVN cùng mẹ con bé Thiện Nhân tiếp một đoàn rất đông cán bộ, sỹ quan Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam tới thăm. Các chú bộ đội của bé Thiện Nhân cũng sôi nổi bàn luận, lý giải về sự sống kỳ lạ của bé.

Thiếu tướng Nguyễn Kim Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu đã khái quát rằng, cuộc sống dưới bầu trời bao la này vẫn có những chuyện thần kỳ không thể lý giải thấu đáo được. Ví như bé gái Nhật Bản mới 4 tháng tuổi ở Lshinomaki, Sendai bị sóng thần ập tới cuốn phăng khỏi vòng tay cha mẹ. Ba ngày sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng ấy, nhờ tiếng khóc, em đã được Lực lượng cứu hộ Nhật Bản tìm thấy. Và giữa đống đổ nát, dưới đống đá, gỗ, bùn lầy bé gái vẫn sống sót thần kỳ và không bị một vết thương nào. Chỉ có thể giải thích, đó là do ý nguyện của trời đất.

Với tôi, đây là câu lý giải thỏa đáng nhất.

2. Nếu chọn một sự việc nổi tiếng trong cuộc sống thường nhật hôm nay, có hiệu ứng mạnh mẽ không chỉ với cộng đồng trong nước, có sức hút và sự đồng thuận rất cao của dư luận xã hội, thì không phân vân gì tôi sẽ chọn câu chuyện về bé Thiện Nhân.

Bốn năm nay, hình ảnh và thông tin về Thiện Nhân “phủ sóng” liên tục trên báo chí trong nước: báo in, báo điện tử, thông tấn, phát thanh, truyền hình và trên nhiều báo, truyền hình nước ngoài: Mỹ, Đức, Ý, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… Hàng trăm bà mẹ tham gia “Thiện Nhân hội” tự nguyện được lập trên mạng với website thiennhan.info để chăm lo cho Thiện Nhân và các cháu bé có cùng cảnh ngộ thương tâm như Thiện Nhân. Một bà già dân tộc ở tận Hà Giang lặn lội về thăm Thiện Nhân và trao cho mẹ Mai Anh lá số tử vi của Thiện Nhân mà bà đã kỳ công lập được. Một bà già phải thay thủy tinh thể cả hai mắt, trước khi nhập viện đã cố ghé thăm Thiện Nhân vì sợ sau ca phẫu thuật nhỡ không may lại không nhìn thấy cháu. Một phụ nữ vào trang thiennhan.info tâm sự, mình thoát khỏi tuyệt vọng, bỏ được ý định tự tử sau khi đọc câu chuyện của chị Mai Anh và bé Thiện Nhân.

Tận nước Đức xa xôi, một buổi hoà nhạc từ thiện “Vì bé Thiện Nhân” đã được tổ chức; Hai đội bóng đã đón Thiện Nhân ra sân đá trái bóng đầu tiên mở màn trận cầu quan trọng khi Thiện Nhân sang Đức chữa bệnh và đang có mặt ở thành phố này… Và còn rất nhiều câu chuyện khác nữa. Phải chăng số phận đau đớn kỳ lạ của Thiện Nhân đã hội tụ nhiều mặt, nhiều chiều của cuộc sống: thiên thần, ác quỷ, cái tốt, cái xấu, hiện tại bi thảm tàn nhẫn nhưng lại chợt lấp lánh phép màu kỳ diệu của tương lai tươi sáng? Và phải chăng đó là lý do mà hàng trăm hàng ngàn người của nhiều quốc gia đã xót thương, quan tâm, gắn bó với Thiện Nhân, đã tìm thấy một phần con người mình trong số phận đau đớn kỳ lạ của bé?

3. Khi có ý định đón Thiện Nhân về với gia đình mình, chị Mai Anh đã bày tỏ ý định và hỏi một bác sĩ về tình trạng bệnh của cháu và nhận được lời khuyên hết sức chân thành: “Đừng bao giờ bắt đầu cho một việc làm không có kết thúc”. Nhưng chị Mai Anh đã dũng cảm bắt đầu, và trong sự rối tinh rối mù của những ngày đầu, chị đã phải dấn thân ngay vào hành trình cảm hóa, nuôi dạy và tìm kiếm cơ hội chữa bệnh cho cháu.

Chị không nhớ nổi chị và mẹ đẻ của mình đã đưa Thiện Nhân tới bao nhiêu bệnh viện trong nước, bao nhiêu bác sĩ đã thăm khám cho Thiện Nhân. Chị cũng không nhớ trước - sau bao nhiêu chuyến đi về không ngừng nghỉ qua Thái Lan, Singapore, Đức, Mỹ, Ý… Có những chuyến đi chữa bệnh mang tính quyết định như chuyến đi Mỹ đầu tiên đã phẫu thuật thành công giúp Thiện Nhân có thể đi tè mạnh thành tia, không phải đóng bỉm nữa. Nhưng cũng có chuyến đi không được như mong muốn. Ví như hai chuyến đi Thái Lan để kiểm tra tinh hoàn và giới tính, các bác sĩ hàng đầu của Thái Lan (bác sĩ riêng của Hoàng hậu Thái Lan) đã bất lực trước mong muốn tái tạo bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân. Rồi chuyến sang Bệnh viện Texas - một trong những bệnh viện nhi lớn và hiện đại nhất Hoa Kỳ gần tháng trời với nỗ lực tìm kiếm tinh hoàn ẩn mà gia đình và bao người hy vọng sau kết quả khám nghiệm ở Thái Lan, đã không như mong đợi…

Nhưng cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà chính người trong cuộc cũng không sao hình dung và đoán định được. Vào lúc gần như tuyệt vọng (Bệnh viện nhi Texas sau hàng loạt xét nghiệm và hội chẩn kết luận Thiện Nhân không có tinh hoàn ẩn, các bác sĩ hàng đầu Thái Lan khuyên nên chuyển giới tính vì bộ phận sinh dục của Thiện Nhân bị thú rừng ăn mất ngay từ khi lọt lòng, giờ “mọc” lại là điều không tưởng) thì hy vọng lại như chớp rạch chân trời. Chân trời đó là ở tận miền xa thẳm của hành tinh tại Blogana nước Ý, bác sĩ Robecrto De Castro đã công bố một công trình y học kỳ diệu: tái tạo thành công nhiều trường hợp bị mất bộ phận sinh dục như Thiện Nhân bằng cách lấy lớp da ở bụng dưới cuộn lại thành hình dương vật, tạo khoang rỗng, nối các dây thần kinh và các mạch máu li ti từ vùng rốn trở xuống để bơm máu vào giúp dương vật có cảm giác, và dương vật được tái tạo như thật đó sẽ phát triển cùng với sự phát triển của cơ thể.

Như một phép màu, với quyết tâm không gì lay chuyển nổi của mẹ Mai Anh, của ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á, cùng sự giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất của bao người, Thiện Nhân đã đặt được một chân còn lại của mình lên mảnh đất của thành phố Blogana xa xôi - nơi mà sau cuộc đại phẫu thuật kéo dài hơn 9 giờ đồng hồ, bác sĩ Robecrto De Castro đã giúp Thiện Nhân giành lại quyền làm đàn ông…

4. Đó là một giấc mơ đẹp giữa ban ngày. Nhưng một đời người không dễ gì và không phải ai cũng diễm phúc có được giấc mơ ấy. Phép màu kỳ diệu đâu phải ngẫu nhiên đến với mẹ con bé Thiện Nhân. Còn nhớ, tháng 8/2008, lần đầu tiên Thiện Nhân theo mẹ Mai Anh đặt chân xuống thành phố New Hamppshire của nước Mỹ. Ba hãng truyền hình và nhiều phóng viên Mỹ đã đón để ghi hình, phỏng vấn ở sân bay, họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy Thiện Nhân khi đó mới 2 tuổi, mất một chân mẹ phải bế trên tay nhưng gương mặt vẫn tươi tắn, đã biết nở nụ cười và giơ tay chào mọi người. Các phóng viên cũng ngỡ ngàng khi thấy mẹ nuôi của Thiện Nhân bé nhỏ, ăn mặc hết sức giản dị, không chút trang điểm, thân thiện trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh mọi câu hỏi của các nhà báo.

Cùng thời gian đó, tại Mỹ diễn ra cuộc hội thảo với sự tham dự của nhiều giáo sư hàng đầu thế giới về các tiến bộ mới của y khoa/khoa học, trong đó có đề cập các trường hợp như của Thiện Nhân. May mắn có mặt, chị Mai Anh đã trình bày trực tiếp bằng tiếng Anh và trả lời câu hỏi của nhiều giáo sư về bé Thiện Nhân. Xúc động trước số phận đau đớn kỳ lạ của cháu bé, cảm động trước người mẹ nuôi bé nhỏ, trí thức và đầy lòng nhân ái, các giáo sư Mỹ đã đồng ý giám sát quá trình tái tạo bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân.

Khi “công trình kỳ diệu” của bác sĩ Roberto De Castro được công bố, các giáo sư Mỹ đã giới thiệu và làm cầu nối cho cuộc gặp gỡ. Trái tim của bác sĩ De Castro đã rung lên trước ánh mắt trông đợi như biết nói của Thiện Nhân và người mẹ trẻ có trái tim nhân ái - một “Công dân Thủ đô ưu tú” từ đất nước Việt Nam xa xôi ông chưa từng đặt bước, lặn lội tới tìm ông… Và rồi, cũng chính vì cuộc gặp gỡ và ca mổ định mệnh ấy, vì sự khẩn cầu của người mẹ nuôi bé nhỏ ấy mà chưa đầy một năm sau ông đã hai lần tới Hà Nội để khám và cứu chữa cho các bạn của Thiện Nhân, đó là gần một trăm em (cả gái lẫn trai) không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục như Thiện Nhân.

Vào một chiều trung tuần tháng 11/2011, sau khi cùng với các đồng nghiệp Việt Nam tại Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội kết thúc tốt đẹp 31 ca mổ cho các em không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục, trong đó có ca kéo dài suốt 12 giờ, trước khi trở về Ý, bác sĩ De Castro đã tới tận nhà thăm bé Thiện Nhân. Ông không khỏi ngỡ ngàng khi thấy Thiện Nhân vừa mới trải qua ca phẫu thuật của ông tuần trước, giờ đang ngồi chăm chú tập viết để chuẩn bị năm tới vào lớp 1. Thiện Nhân còn vẽ rất đẹp. Bé đã tặng bác sĩ De Castro bức tranh bé vẽ trong tưởng tượng ông đang mổ cho bé. Bác sĩ De Castro xúc động tới ngỡ ngàng. Ông nói sẽ để bức tranh ở phòng làm việc của ông tại Bệnh viện Blogana - nơi mẹ con bé Thiện Nhân gần như là những người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên miền đất tuyệt đẹp, lặng lẽ và yên bình này của nước Ý.

Trước giờ đáp máy bay về Ý, trả lời câu hỏi của một phóng viên, vì sao được chờ đợi ở nhiều nơi nhưng ông lại chọn Việt Nam, bác sĩ De Castro xúc động nói: “Câu chuyện về bé Thiện Nhân và người mẹ nuôi của cháu đã cho tôi một ấn tượng rất mạnh về đất nước và con người Việt Nam. Tôi quả thật không biết nói sao về Mai Anh. Chỉ có thể nói rằng chị ấy là một người phụ nữ thông minh hết sức và nhân ái tuyệt vời… Lần đầu gặp hai mẹ con ở Ý tôi đã sửng sốt và xúc động trước hình ảnh một người phụ nữ bé nhỏ và gầy gò đã vượt qua bao nhiêu khoảng cách bằng một niềm tin quyết liệt để đưa đứa con không phải do mình sinh ra đến được nơi giấc mơ sẽ trở thành hiện thực. Đó là một cảm giác rất đặc biệt.” (Lao Động cuối tuần số 47, từ 2 - 4/12/2011).

5. Khi được tin từ nước Ý xa xôi, cuộc phẫu thuật định mệnh giành lại quyền làm đàn ông cho bé Thiện Nhân đã thành công tốt đẹp, tôi mừng vì hành trình gian nan của chị Mai Anh đã gần kết thúc có hậu, chị có thể yên tâm dành trọn thời gian cho cuộc sống của gia đình mình. Nhưng không, ngay tại thời điểm đó và ngay tại Bệnh viện Blogana nước Ý, chị đã lại bắt đầu dấn thân trong một hành trình mới do chính chị tự nguyện mở ra. Chị tha thiết mời bác sĩ De Castro sang thăm Hà Nội để khám và chữa trị cho các em nhỏ không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục như bé Thiện Nhân. Chị và ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á đã mở ra “Chương trình phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may” thắp sáng hy vọng cho cả trăm em nhỏ có cảnh ngộ thương tâm.

Hơn trăm gia đình có con em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục vì lý do bẩm sinh, vì tai nạn, vì hậu quả của chất độc da cam đã gửi lời kêu cứu tới chị Mai Anh, tới chương trình nhân đạo và hết sức nhân văn này. Kết quả là hơn 100 em nhỏ ở gần 30 tỉnh, thành phố khắp cả nước bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục đã được đưa về Hà Nội, được bác sĩ De Castro và các bác sĩ, giáo sư nhi khoa hàng đầu của Việt Nam khám và tư vấn chữa trị hoàn toàn miễn phí. Tháng 11/2011, 31 em đã được bác sĩ De Castro với sự trợ giúp của Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội và các đồng nghiệp Việt Nam phẫu thuật thành công. Và tháng 4/2012 này, bác sĩ De Castro sẽ trở lại Việt Nam để phẫu thuật tiếp cho hàng chục em bé khác.

Hơn ba năm trước (tháng 8/2008), trả lời các phóng viên truyền hình Mỹ, chị Mai Anh đã nói tới những hành trình tiếp nối hành trình của mình để giành bằng được tương lai tươi sáng cho Thiện Nhân và có thể cả với những cháu bé khác có số phận không may như Thiện Nhân. Ngày hôm nay, mong ước và dự cảm tốt lành đó đã thành hiện thực. Và có phải giấc mơ không, khi cùng với Thiện Nhân, rất nhiều em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục đã và sẽ giành lại được quyền làm đàn ông tưởng như đã tuyệt vọng của mình. Đó là những giấc mơ đẹp giữa ban ngày hiện ra trong hành trình tiếp nối những hành trình của người mẹ nuôi bé nhỏ của Thiện Nhân. Đó là hành trình hạnh phúc không chỉ của người phụ nữ trí thức mảnh mai giàu lòng nhân ái, thông minh với nghị lực và niềm tin vô hạn về những điều tốt đẹp hiện hữu trong cuộc đời này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên