Tín hiệu “đỏ” trong quản lý đất đai ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng

Kỳ 2: Tùy tiện

Cán bộ xã Dương Quan công khai bán đất nông nghiệp cho những người có tiền để làm nhà ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được phê duyệt.

Trong quá trình tìm hiểu những sai phạm về quản lý đất đai ở xã Dương Quan, chúng tôi tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về việc cán bộ chính quyền xã Dương Quan và huyện Thủy Nguyên thu hồi đất nông nghiệp đã có “sổ đỏ” của dân nhưng không sử dụng đúng mục đích.

“Tù mù” chuyện thu hồi đất làm Nhà máy nước

Gia đình anh Lê Văn Quý ở làng Tả Quan có hơn 1 sào đất nông nghiệp bị UBND xã Dương Quan thu hồi (không có văn bản) để xây dựng Nhà máy nước. Hơn 3 năm sau, anh Quý thấy mảnh đất nhà mình bị thu hồi vẫn bỏ hoang, trong khi đó, Nhà máy nước đã được xây dựng xong vào năm 2008 cách đó gần 1km. Thấy lạ, anh liền lên UBND xã hỏi nhưng không được giải thích rõ ràng. Về nhà, anh Quý làm đơn gửi huyện, nêu cụ thể: Xã thu hồi 432m2 đất tại thửa đất số 91, tờ bản đồ số 02 trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 075061, cấp năm 1996, cho ông Lê Văn Xăng (bố anh Quý) được sử dụng vào việc gì? Và Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên đã thản nhiên đặt bút ký vào văn bản trả lời khẳng định: “đất đó đã thu hồi để xây dựng Nhà máy nước tại Dương Quan” (!?).

Qua xác minh của chúng tôi, tại Dương Quan hiện có 2 nhà máy nước. Một nhà máy cách xa khu đất đã thu hồi của ông Xăng (bố anh Quý) gần 1km và một nhà máy nước ở thôn Hữu Quan. Số đất của ông Xăng mà xã và huyện nói đã dùng để xây dựng Nhà máy nước thực chất đã được chia nhỏ, bán, cấp cho một số người có chức sắc ở huyện Thủy Nguyên, hiện vẫn bỏ hoang. Đó là một thực tế mà người dân xã Dương Quan đều biết vì nó không phải là “cái kim, sợi chỉ” mà lãnh đạo xã và huyện có thể giấu được. Mục đích của việc làm này là gì thì chỉ có chính quyền xã Dương Quan và UBND huyện Thủy Nguyên mới biết. Song việc thu hồi đất để làm Nhà máy nước mà không làm là có thực. Người dân xã Dương Quan và anh Lê Văn Quý cho rằng: Huyện, xã có những khuất tất, tiêu cực khi lấy đất của dân để bán, cấp sai quy định.

“Thôi thì… nó đã xây nhà mất rồi, tôi sẽ cấp bù cho ông chỗ khác…”

Trường hợp của ông Lê Hữu Cấp còn khôi hài hơn. Khi Dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng được triển khai tại Dương Quan thì đất nông nghiệp của gia đình ông bị thu hồi. Việc thu hồi đất để làm dự án, ông không có ý kiến gì, vì đúng quy định của pháp luật. Nhưng sau khi nhận tiền đền bù ông Cấp mới biết, rằng mình có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 172, cấp từ năm 1996, trong đó có thửa đất số 385, tờ bản đồ số 4, diện tích 100m2 nhưng trên thực tế đã bị người khác chiếm dụng tự bao giờ.

Ông Cấp hỏi trưởng thôn thì được trưởng thôn chỉ ra ngôi nhà 3 tầng được xây dựng khá kiên cố, bảo rằng: “Thôi thì… nó đã xây nhà mất rồi, tôi sẽ cấp bù cho ông ở chỗ khác...”. Ông Lê Hữu Cấp bất bình: “Biết mất đất, tôi hỏi, thì trưởng thôn bảo nhà ấy lấy rồi, sẽ bù chỗ khác. Vậy trưởng thôn lấy đâu ra đất để trả tôi đây? Vậy có phải là thôn xã tự ý bán đất của dân cho người khác không?”.

“Sổ lách luật” hay sổ giả?

Nhiều người dân ở đây phản ánh: Gần đây, UBND xã Dương Quan bán đất nông nghiệp rồi “biến” thành đất thổ cư nhiều lắm. Rất nhiều người là cán bộ ở thành phố, rồi cán bộ huyện và người từ Quảng Ninh, Hà Nội đến mua đất… Người dân còn thông tin: Cán bộ địa chính xã đến nhà chị Phượng, một người buôn bán bất động sản, để bán hai lô với giá 240 triệu đồng. Mới đây lại đến gạ chị mua thêm hai lô nữa nhưng chị không mua. Theo thông tin này chúng tôi trực tiếp gặp chị Phượng “để hỏi mua lại đất”, chị này cũng bảo: “Đất của xã bán nhiều lắm…”.

Trong vai người đi mua đất, ngày 9/6/2011, chúng tôi được nhiều người giới thiệu: “đất ở đây đang được rao bán rất nhiều”. Một chủ đất là ông Nguyễn Văn Đ., hiện ở Ngã 3 Cầu Bính, xã Dương Quan đưa cho chúng tôi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” số AL 322103 mang tên ông Nguyễn Văn K, cấp năm 2008, do ông Trần Văn San, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên ký. Tại giấy này ghi rõ số lô thửa, diện tích đất với phần tài sản gắn liền với đất là nhà cấp 4, diện tích 24m2. Người rao bán mảnh đất này ra giá 9 triệu đồng/m2 và cho hay “Đây là đất nông nghiệp của dân thừa ra, UBND xã bán cho chúng tôi nhưng yên tâm đi vì đã có “sổ đỏ” rõ ràng, không ngại”.

Để hình dung được phần nào chuyện bán đất vô tội vạ ở địa phương này, chúng tôi xin trích một đoạn băng ghi âm cuộc “giao dịch” giữa phóng viên trong vai người mua đất với một người bán đất:

Phóng viên: - Đất này anh bán thế nào?

Người bán : -Bán 8 đến 10 triệu đồng, tuỳ vị trí.

Phóng viên: - Đất này là đất thổ cư hay chuyển đổi?

Người bán: - Đây là đất nông nghiệp hay đất giãn dân gì đó thừa ra rồi xã bán.

Phóng viên: - “Sổ đỏ” ghi là có nhà cấp 4 đây này. Vậy nhà xây lâu chưa?

Người bán: - Đất trồng lúa thì làm gì có nhà. Phải ghi có nhà như vậy thì huyện mới cấp sổ đỏ chứ...”.

Kiểm tra tại thực địa thì diện tích đất ở trong “sổ đỏ” này là diện tích đất nông nghiệp, đang cấy lúa và rau muống, có nơi cỏ mọc đầy, không hề có nhà. Chúng tôi cũng đã tìm gặp một “chủ đất”có tên là P ở xóm Tả Quan. Theo người dân ở đây cho biết, chị  này đã mua được 2 lô đất qua cán bộ địa chính xã, vừa qua vị cán bộ này còn đến đề nghị chị mua thêm 2 lô nữa. Trong cuộc trò chuyện về mua bán đất, chị này cho biết, xã bán nhiều lắm, nếu có tiền mua thì bây giờ lãi to… Chị bảo rằng, hiện chị không có đất để bán, nhưng anh trai của chị ở tận Uông Bí (Quảng Ninh) vẫn còn một lô cạnh đường vào làng đang muốn bán (!)…

Việc UBND xã Dương Quan đã thực hiện thu hồi đất nông nghiệp của dân bằng “lệnh miệng”, chi trả cho dân 8 triệu đồng/sào, sau đó lãnh đạo xã bán cho những người có tiền mỗi lô (từ 100 - 120m2) với giá 120-150 triệu đồng… đang là chuyện mà nhiều người dân ở Dương Quan phản ánh.

Qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, những lô đất mà người dân mua được của UBND xã nay đang rao bán là đất nông nghiệp không nằm trong quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi thành đất dân cư. Ông Lại Đức Long, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thuỷ Nguyên nêu rõ: “Thực hiện các quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì ở Thuỷ Nguyên từ năm 2008 đã không còn xét cấp đất cho công dân làm nhà ở dưới hình thức giãn dân nữa, mà chỉ cấp đất làm nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo thực sự có nhu cầu cấp thiết về đất ở. Thực tế chưa có lần nào xét cấp đất ở cho các đối tượng này. Vì vậy, những cuốn “sổ đỏ” đó có thể là do xã lách luật bán chui cho dân rồi báo cáo huyện sai thực tế để được cấp “sổ đỏ”. Hoặc đó là những cuốn sổ giả, chúng tôi sẽ kiểm tra xem xét một cách kỹ lưỡng”.

Những “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở” (được chuyển từ đất nông nghiệp) mà nhiều người dân Dương Quan đang có là sổ đỏ thật hay giả, rất cần sự điều tra xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Song có một điều rất thật đã và đang xảy ra. Đó là chính quyền xã này đã và đang bán đất trái phép cho nhiều người. Đó là những cuốn “sổ đỏ” chưa biết thật hay giả vẫn đang được mọi người mua đi bán lại trên địa bàn xã Dương Quan để kiếm lời../.

Kỳ 3: Vô trách nhiệm

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên