Kẻ phá đường không ai ngờ tới:

Lần theo những “cỗ máy” phá đường

VOV.VN-Phóng viên VOV thu thập được nhiều thông tin nhạy cảm về những kẻ "tiếp tay" cho những "cỗ máy"phá đường...

Những tuyến đường quằn quại dưới sức nặng của những “cỗ máy” phá đường. Hậu quả là đường bị phá nát, là tai nạn giao thông thảm khốc, là hàng ngàn tỷ đồng ngân sách (tiền thuế của dân) phải bỏ ra mỗi năm để sửa chữa.

Sau nhiều ngày đeo bám những “cỗ máy” phá đường, phóng viên VOV thu thập được nhiều thông tin nhạy cảm về những kẻ "tiếp tay" cho những "cỗ máy"phá đường...

“Làm luật”!..

Khảo sát tại các tuyến Quốc lộ 1B, Quốc lộ 1A, đường gom cầu Thanh Trì…, chúng tôi thấy nhiều xe tải Dongeng, Howo đeo mác Lima, Linh Hải, Phú Phương rầm rập chở đất, cát, đá... chạy trên đường mà hầu như không bị lực lượng CSGT, thanh tra giao thông dừng lại kiểm tra, vô tư “lướt” qua các chốt để vào khu vực Linh Đàm.

Xe quá khổ, quá tải đồng hành "vô tư" bên cạnh CSGT tại ngã tư bến xe Nước Ngầm (Ngày 10/7/2013)

Đơn cử: 10h11’, ngày 18/6/2013, một chiếc xe tải chở đầy đất di chuyển từ Khu đô thị Linh Đàm trên đường Nguyễn Hữu Thọ, qua chốt CSGT tại đường sắt nhưng không bị xử lý.

18h18’ngày 10/7/2013, tại ngã tư bến xe Nước Ngầm, phóng viên VOV quay được cảnh một chiếc xe tải đeo mác Linh Hải chở đầy cát, tiếng động cơ gằn lên do chở quá nặng, di chuyển ì ạch từ đường gom cầu Thanh Trì vào Quốc lộ 1A cũ. Không có lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lý...

Trong băng ghi hình, máy ảnh của phóng viên còn “chộp” được nhiều hình ảnh xe quá tải lướt qua mặt CSGT nhưng các đồng chí này tỏ ra... không quan tâm!?

“Làm luật rồi thì mới được như thế”, cánh làm nghề vận tải giải thích trong ánh mắt nhìn chúng tôi như người “từ trên trời rơi xuống”. “Muốn chở quá tải thì phải “làm luật”. Muốn “làm luật” thì phải qua trung gian” – một người tỏ vẻ thông cảm “bày vẽ” cho chúng tôi.

Trong vai một doanh nghiệp đang nhận thầu thi công hạ tầng khu tái định cư để mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Thanh Trì, sáng 9/8/2013, chúng tôi tiếp cận một doanh nghiệp chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, nằm trên địa bàn Hà Nội.

Doanh nghiệp này hoạt động từ năm 2007, có 4 đầu xe tải. Anh H, chủ doanh nghiệp, tỏ ra vồn vã với lời đề nghị hợp tác làm ăn của chúng tôi. Theo anh H, chỉ cần hai bên khớp với nhau về giá cả là coi như xong, việc tìm nguồn vật liệu và chuyên chở thì bao nhiêu anh cũng đáp ứng được. Rồi anh H “bật mí”: “Ở Hà Nội, cứ gắn mác Lima, mác Ứng Hòa mà chạy thì chẳng có thằng nào sờ vào đít anh”. Và để được như vậy, mỗi tháng phải “làm luật” 3 triệu đồng/xe, tất cả là “tự nguyện”, không có hợp đồng, việc nộp tiền không có hóa đơn, chứng từ. Cũng theo lời anh H, anh mới nhận được tin nhắn từ phía một “người bạn” mà anh phải đóng 3 – 3,5 triệu đồng/xe để được gắn mác Lima là từ ngày mai không dùng mác Li ma nữa mà phải đổi thành LOHAD, màu đỏ, gắn giữa cabin, cao 20cm.

Chúng tôi nhờ anh H điện thoại hỏi “người bạn” xem đối tác mà chúng tôi đã đóng tiền “làm luật” ở Hà Nam làm ăn có “đứng đắn” hay không vì chúng tôi chưa nhận được tin nhắn đổi mác như anh H? Anh H điện hỏi và nói lại với chúng tôi: “Nó cũng bảo vệ thông tin, nó bảo không biết. Còn với tôi, nó nói, chỉ biết sếp trên chỉ đạo thế, anh em mình cứ phải thay đổi thôi”. Anh H nói thêm: “Chẳng đáng gì đâu 3-4 triệu đồng. Và đừng có chậm nộp. Bởi khi bị công an vẫy xuống, gọi về tổng, về số điện thoại của bộ phận quản lý xe Lima thông báo xe đang bị giữ, anh đọc biển số mà nó tra lên anh bị quá ngày thì nó cho công an đập nặng hơn. Bọn Lima nó tinh lắm...”.

Chớ đụng vào Lima!

Đang “bán tín bán nghi” về thông tin đổi mác Lima mà anh H cho biết vào buổi sáng 9/8, thì ngay buổi chiều, khi làm việc với ông Ngô Quốc Cường, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông huyện Thường Tín, chúng tôi nhận được những thông tin “đồng bộ” đến bất ngờ.

Xe quá khổ gắn mác LIMA chạy trên đường gầm cầu Thanh Trì lúc 11h32' ngày 8/8/2013

Theo ông Cường, ở khu vực Thường Tín nay không còn xe của 2 thương hiệu vận tải từng đình đám một thời là Phú Phương hay Lima nữa. “Bây giờ các anh ra đường sẽ không nhìn thấy xe của 2 doanh nghiệp ấy nữa. Kể cả ngày mai anh ra đường, anh sẽ không thấy Phú Phương hay Lima. Tuần vừa rồi, theo yêu cầu của đồng chí Hải, Phó Chánh thanh tra, chúng tôi làm triệt để, các đơn vị xử lý rất mạnh. Khi có những phiếu cầu gửi xuống xử lý hai doanh nghiệp này thì hầu như bây giờ không thấy xe đâu cả. Khả năng hai doanh nghiệp này không còn tồn tại nữa” – Đội trưởng Thanh tra giao thông Ngô Quốc Cường nhấn mạnh.

Trước băn khoăn của chúng tôi, ông Cường cho hay: “Tôi cũng đang tìm hiểu tại sao người ta đang hoạt động mạnh như thế tự nhiên lại thôi hẳn, chưa chắc lắm nhưng khả năng 80-90% là không hoạt động. Nghe bảo anh ruột Phú Phương bị chết đột tử nên bây giờ không có ai quản lý. Nói thế thôi, cũng có khả năng các đơn vị xử lý mạnh, có thể người ta nghĩ không thể tồn tại như ngày xưa được nên người ta tìm phương án khác”.

“Còn Lima thì sao?”. “Lima thì cũng thế, vừa rồi, bị xử lý rất nhiều theo phiếu yêu cầu của ông Hải, Phó Chánh thanh tra yêu cầu các đội xử lý nghiêm các trường hợp đó, vì có nguồn tin nói là lực lượng thanh tra giao thông và công an “bảo kê”. Nhưng thực tế, trước kia khi chưa có những nguồn tin này, chúng tôi đã xử lý rất là nhiều, xử lý rất là mạnh. Gần đây, lại không xử lý nữa vì từ khi có phiếu yêu cầu xuống lại không thấy chạy nữa” – ông Cường nói.  

Đến đây, chúng tôi hỏi 2 trường hợp bị thuyên chuyển công tác và thôi chức Tổ trưởng Thanh tra sau khi có “công”... xử phạt Lima. Đó là trường hợp Tổ trưởng Thanh tra Vũ Huy Kiên và Tổ trưởng Thanh tra Phạm Thế Hưng. Ông Cường suy nghĩ rồi cho biết: “Thường cứ độ 3 - 4 năm lại chuyển đồng chí đang công tác ở đội này sang đội khác. Những đồng chí có kinh nghiệm lên đội nội thành làm tốt hơn. Về năng lực, phẩm chất, công việc ngoài đường của các đồng chí được chuyển đi là rất tốt...”. Nhận định về 2 tổ trưởng cấp dưới trực tiếp của mình, ông Cường cho biết, khi hai cán bộ này chuyển đi đã để lại một khoảng trống, người mới thay làm tổ trưởng kinh nghiệm còn thiếu khiến ông và đội phó phải trực tiếp xuống hiện trường để hướng dẫn xử lý tình huống.

Chúng tôi nêu câu hỏi: “Có phải 2 tổ trưởng này bị thuyên chuyển do dám xử phạt xe gắn mác Lima nhiều, dù họ là Tổ trưởng thanh tra có năng lực, có người còn là Chủ tịch công đoàn?”. Ông Cường từ chối trả lời và nói: “Trả lời vấn đề này rất là tế nhị...”.

Những tiết lộ “động trời”

Biết chúng tôi đang thực hiện phóng sự điều tra nhiều kỳ về xe quá khổ, quá tải, một cán bộ đương chức trong ngành giao thông đã rất hoan nghênh và ủng hộ chúng tôi. Ông càng quan tâm hơn khi thấy chúng tôi đang điều tra về chuyện “làm luật” bảo kê xe quá tải ngay chính trong ngành giao thông.

Điều chúng tôi không ngờ là chính người cán bộ này cũng mang nhiều nỗi bức xúc trước thực trạng tiêu cực trong ngành và đã tiết lộ cho chúng tôi những chuyện lâu nay vẫn “âm thầm trong bóng tối”.

Cầm trên tay tờ giấy ghi đầy những số xe với những dòng chú thích: “Thường xuyên” và “Đập thật nặng” đầy khó hiểu, vị quan chức này chua chát cho hay, đây chính là danh sách người ta lập ra, trong đó phân ra danh sách những số xe ô tô thường xuyên “làm luật” để không xử lý, còn số xe ô tô chậm “làm luật” thì được đưa vào danh sách có chú dẫn: “Đập thật nặng”. Công tác trong ngành nhiều năm, ông cảm thấy bị xúc phạm trước thực trạng chỉ vì đồng tiền mà một số cán bộ Nhà nước bị doanh nghiệp sai khiến một cách thô thiển.

Hỏi dò vị quan chức này, phóng viên VOV được biết, người có “biệt tài” thu tiền “làm luật” có tên là Dũng ở Phủ Lý, Nam Hà. Theo vị quan chức này, câu chuyện xe Lima được bảo kê không phải là mới, mà cách đây khoảng 7-8 năm, một biến thể của nó là xe Dũng Sỹ. Khi ấy, có người trêu, bảo rằng đó là xe của lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông nên mới có sự ưu ái. Vì vậy, lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông đã huy động tất cả các đội chuyên ngành và các đội trên địa bàn cùng nhau xử lý xe Dũng Sỹ. Đến khi xử lý xong, thông tin các đội trưởng nhận được là xe Dũng Sỹ sẽ đổi thành xe Lima và có trách nhiệm triển khai đến anh em là không làm xe Lima nữa.

Tiếng tăm gắn biển Lima thì sẽ không bị cơ quan chức năng “sờ gáy” lan ra khiến nhiều đầu xe xin được gắn biển Lima trên xe và chịu nộp tiền hàng tháng. Theo vị quan chức này, hiện Lima có nhiều xe nhất, khoảng 600 xe. Xe Lima biển 90 (Hà Nam) cũng có, biển 99 (Bắc Ninh) cũng có, biển 33 (Hà Tây cũ) cũng có, biển 17 (Thái Bình) cũng có... Mỗi tháng, doanh nghiệp phải nộp tiền “làm luật” là 3 triệu đồng/xe; xe ở Phủ Lý (Hà Nam) chở hàng về Hà Nội thì phải nộp 5 triệu đồng/xe. Doanh nghiệp nào không nộp thì lập danh sách để các đội thanh tra giao thông xử lý.

Đến đây, phóng viên đề nghị vị quan chức này cho tiếp cận với nhân vật tên là Dũng ở Phủ Lý, Hà Nam. Vị quan chức cung cấp số điện thoại người có tên là Dũng và đề nghị phóng viên liên hệ ngay. Đầu bên kia, người trả lời xác nhận tên là Dũng.

Theo kịch bản, phóng viên trong vai doanh nghiệp muốn được ông Dũng Lima cho “làm luật”, cho gắn mác Lima trên xe. Nghe vậy, ông Dũng hỏi lại: “Ai cho đồng chí số đấy?”. PV: “Anh em trong nghề vận tải”. Ông Dũng hỏi dồn: “Ai cho? Trong nghề là ai, ai cho?”. PV: “Anh em lái xe với nhau.”. Ông Dũng: “Thế thì khó lắm!.. Có anh em bạn bè nào thân quen nhờ vả thì tôi giúp. Thế thôi. Anh em bạn bè giúp thì cũng chẳng phải là cái gì ghê gớm lắm. Vấn đề là phải biết ai cho số.”. PV: “Em đang gặp khó và nghĩ anh giúp được nên xin qua gặp anh chút, được không?”. Ông Dũng: “Ai cho số, lấy số ở đâu thì bảo người ấy liên lạc đây, hoặc ai biết thông tin thì bảo người đấy liên hệ đây...”.

Ngày 11/8/2013, lúc 11h44' trên tuyến quốc lộ 5, hướng Hải Phòng – Hà Nội, tại Km 92, nhóm phóng viên VOV phát hiện: Một chiếc xe trùm bạt kín thùng xe, rõ là quá tải, bỗng dừng lại, phụ xe nhảy xuống đưa một tờ giấy cho một CSGT đang đứng bên đường, rồi nhảy lên xe tiếp tục chạy – sự việc diễn ra chưa đầy 1ph. Phóng viên dừng xe, lấy máy ảnh chụp, bỗng 2 thanh niên dữ dằn phóng xe máy lao ra la lớn: “Không được tác nghiệp”. Khi phóng viên đã vào xe, 2 người đàn ông còn phóng xe đuổi theo, thậm chí vượt lên chạy cản đầu xe phóng viên. Chỉ đến khi thấy trong xe phóng viên giơ máy ảnh chụp và gọi điện thoại, đối tượng đeo bám mới vòng xe quay lại. Cũng trong ngày 11/8, nhóm PV ghi nhận hàng trăm chiếc xe quá tải chạy trên quốc lộ 5. Thượng tá Phạm Văn Lưu, Trưởng Trạm CSGT Hải Dương thốt lên với phóng viên: “Phải kiểm soát chặt đầu Cảng Hải Phòng, bởi kiểm tra 10 xe thì cả 10 xe quá tải, đường nào mà chịu cho thấu...”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Thượng phương bảo kiếm” chém vào… hư vô!
“Thượng phương bảo kiếm” chém vào… hư vô!

VOV.VN -Nhiều xe vi phạm vẫn được nhập khẩu vô tư thì đại diện Đăng Kiểm và Hải quan tỏ ra… không hay biết!

“Thượng phương bảo kiếm” chém vào… hư vô!

“Thượng phương bảo kiếm” chém vào… hư vô!

VOV.VN -Nhiều xe vi phạm vẫn được nhập khẩu vô tư thì đại diện Đăng Kiểm và Hải quan tỏ ra… không hay biết!

Những “cỗ máy” phá đường đến từ bên kia biên giới
Những “cỗ máy” phá đường đến từ bên kia biên giới

VOV.VN - Phóng sự điều tra với nhiều tình tiết bất ngờ sẽ làm lộ diện những kẻ phá đường lâu nay vẫn “âm thầm trong bóng tối”...

Những “cỗ máy” phá đường đến từ bên kia biên giới

Những “cỗ máy” phá đường đến từ bên kia biên giới

VOV.VN - Phóng sự điều tra với nhiều tình tiết bất ngờ sẽ làm lộ diện những kẻ phá đường lâu nay vẫn “âm thầm trong bóng tối”...