Nơi bản nghèo heo hút

Tận mắt nhìn những ngôi nhà rách nát, xiêu vẹo; không điện, không đường…của đồng bào dân tộc ở xã Pắc Ta (Tân Uyên, Lai Châu), lại càng rõ thêm sự vô trách nhiệm của một số cán bộ chính quyền xã, huyện nơi đây  

>> Kỳ 1: Nhức nhối vùng vàng

Bảo được thì dỡ ra làm

Cách trụ sở UBND xã Pắc Ta không xa là ngôi nhà mới dựng xong phần khung của gia đình anh Lò Văn Chung. Lúc chúng tôi đến, anh Chung vừa điều khiển chiếc xe máy kéo 2 cây vầu mua trong bản về. Hỏi chuyện làm nhà, anh bảo: “Cả bản có 3 hộ được bình xét vào danh sách xóa nhà dột nát. Khi họp thấy UBND xã thông báo mỗi hộ được hỗ trợ 13.400.000 đồng thì mình dỡ ra làm, chứ thực tế chưa được cầm một đồng tiền hỗ trợ nào”.

Hai vợ chồng nghèo ở trong 2 gian nhà rách nát, nên khi dỡ ra thì cũng không tận dụng được gì. Để dựng được phần khung nhà, anh đã phải tự xoay xở vay mượn mua nguyên vật liệu, rồi xắn tay vào làm. Nhiều lúc muốn nhờ vả anh em làm giúp một tay cho nhanh, nhưng anh lại ngại phải lo ăn uống cho họ. Nghèo, một xu dính túi cũng không có nên hai vợ chồng đành tự cáng đáng làm hết mọi việc. Theo anh Chung, chỉ tính riêng tiền mua nguyên liệu, nếu làm xong nhà thì cũng hết chừng 15-16 triệu đồng.

Thấy bảo được hỗ trợ thì dỡ ra làm ngay

Đến thăm nhà anh Lò Văn Tài ở bản Hoàng Hà, chúng tôi cũng thấy tình cảnh tương tự. Gia đình có 4 người mà chỉ có 1.000m2, cả đất ở và ruộng. Thế nên, dù cố gắng đến đâu thì vợ chồng anh vẫn không thoát được cái nghèo. Những vụ trước, cấy hơn 500m2  ruộng, vợ chồng anh thu hoạch được 3 tạ thóc, nhưng năm nay chỉ thu được có 2 bao do lúa bị lép hết. Vì thế, vợ chồng anh phải cắm nợ các đại lý và vay mượn thêm những chỗ thân quen toàn bộ số tiền hơn 20 triệu đồng mua nguyên vật liệu để xây nhà.

Trong căn nhà đang làm dang dở, chị Hà Thị Tía, vợ anh Tài kể: “Để dựng được căn nhà này, hai vợ chồng đã phải mất hơn 3 tháng xoay xở vay mượn, mua từng bao xi măng về, rồi ra suối lấy cát về tự đóng gạch xi măng, mỗi hôm được hơn 100 viên. Tổng ngôi nhà này xây hết 5.500 viên gạch. Không kể số tiền “cắm nợ” các đại lý, đến nay số tiền mà hai vợ chồng vay nợ đã lên tới hơn 10 triệu đồng”.

Ông Đặng Văn Dậu, Trưởng bản Hoàng Hà cho hay: “Ngay sau khi họp bàn dân và có danh sách bình bầu thì 11 hộ nằm trong danh sách đã phá nhà dột nát đi để xây nhà mới. Hầu hết họ làm nhà xong trong tháng 10/2009, nhưng hiện Nhà nước chưa hỗ trợ gì tới họ”. Theo ông Dậu, những hộ dân này đều nghèo, nên khó có thể trả nợ ngay nếu không nhận được tiền hỗ trợ từ Nhà nước.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Dù nằm trong danh sách 11 hộ nghèo được hưởng chính sách xóa nhà dột nát do dân bản bình bầu hẳn hoi, nhưng ông Đỗ Văn Bóc, 54 tuổi, ở bản Hoàng Hà vẫn nóng lòng như ngồi trên đống lửa. “Mấy năm trước, gia đình chúng tôi đã nhận được mấy chục tấm pro-xi-măng theo Chương trình 134, nhưng cũng chỉ đủ che mưa, che nắng, chứ làm sao khắc phục được tình trạng nhà mục nát. Vì thế, khi nằm trong danh sách xóa nhà dột nát, vợ chồng tôi đã cố vay mượn để xây ngôi nhà gỗ 3 gian này, tổng kinh phí hơn 20 triệu đồng.

Mới đây, nghe mọi người xì xầm bàn tán gia đình tôi không thuộc diện hỗ trợ xóa nhà dột nát vì đã được hưởng chính sách của Chương trình 134, điều này khiến vợ chồng tôi lo lắm” - ông Bóc than vãn khi mở tấm liếp che cửa chính ngôi nhà để mời khách vào chơi.

Vợ chồng ông Bóc lòng như lửa đốt

Không lo sao được, khi ở vùng quê nghèo này chỉ nợ vài triệu đồng thôi, đôi khi cũng rơi vào tình trạng khốn đốn. Chẳng nói gì xa xôi, ông Bóc dẫn ngay chuyện “tróc nợ” của Ngân hàng NN&PTNT huyện Tân Uyên. Do thiếu đất canh tác, nên khi huyện, xã đưa ra dự án phát triển cây chè, vợ chồng ông đã hứng khởi vay 5 triệu đồng của Ngân hàng NN&PTNT về nhận thầu trồng 1,8ha chè.

Khác với sự rầm rộ lúc mới triển khai, khi cây chè cho thu hoạch thì không có người đến thu mua hoặc mua với giá rẻ mạt. Thấy trồng chè không có hiệu quả, vợ chồng ông đã bỏ mặc vườn chè như bao người dân khác trong bản. Thế nhưng, món nợ vay ngân hàng thì không thể trốn tránh hay phó mặc được. Đã nghèo lại nặng nợ, gia đình ông liên tục bị cán bộ ngân hàng đến “tróc nợ” - bắt trâu, chó, lợn, gà… Ngay cả đồng hồ ông đeo trên tay cũng bị cán bộ tín dụng của ngân hàng thu mất. Đến nay, gia đình ông vẫn còn nợ ngân hàng hơn 3 triệu đồng.

Ông Đào Thanh Hải, cán bộ chính sách của xã Pắc Ta cho hay: “Trong đợt xóa nhà dột nát này, toàn xã có 54 hộ được đưa vào danh sách, song có tới 21 trường hợp có nguy cơ không nhận được tiền hỗ trợ xóa nhà dột nát do trước đó đã được hưởng hỗ trợ rồi”.

Tại sao lại có tình trạng này? Theo phản ánh của các trưởng bản, nguyên nhân là do Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Uyên “đánh nhầm” văn bản khi hướng dẫn các xã triển khai thực hiện Thông tư 08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN. Đối chiếu lại Công văn 79 của Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Uyên và Thông tư liên tịch số 08, chúng tôi thấy có sự sai lệch: Thông tư 08 quy định rõ: “Đối với những hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định của các chính sách trên nhưng nhà ở đã bị sập đổ do thiên tai gây ra mà không có khả năng tự sửa chữa, xây dựng lại, được UBND cấp xã xác nhận thì đưa vào diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định của quyết định số 167/2008/QĐ-TTg”, nhưng đã được Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Uyên “biến tấu” thành: “Đối với những hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định của các Quyết định trên nhưng nhà đã bị hư hỏng nặng mà không có khả năng tự sửa chữa, xây dựng lại, được UBND cấp xã xác nhận thì đưa vào diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại quyết định 167/2008/QĐ-TTg”(?!).

Với việc “treo đầu dê, bán thịt chó” của Phòng LĐ-TB&XH như thế, ai sẽ chịu trách nhiệm về tình trạng mắc nợ nếu 21 hộ dân nghèo này không nhận được tiền hỗ trợ xóa nhà dột nát?

Như “rắn mất đầu”

Đến UBND xã Pắc Ta, chúng tôi đôn đáo liên hệ tìm gặp lãnh đạo xã mà không có cách nào gặp được. Bí thư Đảng ủy xã Lý Phủ Nhàn bộc bạch: “Hiện nay, muốn gặp Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã cũng khó bởi họ đang bị kỷ luật do mắc khuyết điểm khi thực hiện chính sách 134 và 135. Bên Đảng đã có quyết định kỷ luật, cách chức đồng chí Chủ tịch Hoàng Văn Pánh, còn Phó Chủ tịch Lò Văn Thương thì cách chức và khiển trách; còn chờ tuần tự giải quyết của bên chính quyền”.

Trao đổi với cán bộ bản và những hộ nghèo ở đây, được biết trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ xoá nhà tạm theo Chương trình 134, các hộ nghèo cũng mới chỉ được nhận hỗ trợ với mức khiêm tốn: Hơn 1 triệu đồng thông qua việc cấp phát tấm lợp Pro-xi-măng Lai Châu, bình quân khoảng 70-75 tấm/hộ; chưa có hộ nào được nhận mức hỗ trợ tới 5 triệu đồng như qui định. Nhiều cán bộ, nông dân ở Pắc Ta còn tha thiết nhờ nhà báo “chuyển lời” tới các cấp lãnh đạo về những mong muốn chính đáng của người dân: Chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo thì phải đến được tận tay dân nghèo. Như vậy, người dân mới thực sự vui, đỡ khổ nhờ có sự quan tâm của Nhà nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên