Phóng viên đặc biệt

Anh là một phóng viên thể thao nổi tiếng cả trên trang báo lẫn ngoài đời, mọi người gọi anh là "phóng viên dioxin".

Gặp phóng viên Sơn Lâm mùa World Cup thật khó, tuy nhiên anh vẫn dành cho chúng tôi buổi gặp để thực hiện phóng sự này. Trên đôi nạng gỗ, anh tâm sự: "... tôi viết bóng đá bằng con tim, khối óc và một niềm đam mê bất tận”

“Phóng viên dioxin” là cái tên quen thuộc mà nhiều người đồng nghiệp vẫn gọi anh - Nguyễn Sơn Lâm, người không may mang trong mình di chứng của chiến tranh. Trên đôi nạng gỗ, bằng nghị lực và niềm tin mạnh mẽ, anh vẫn có thể thực hiện được niềm đam mê bóng đá của mình với vai trò là một phóng viên thể thao.

Trên đôi nạng gỗ

Tôi phải tốn không ít thời gian mới tìm được tới phòng trọ của Nguyễn Sơn Lâm nằm sâu hun hút trong con hẻm nhỏ ở ngõ Thái Thịnh 2, Đống Đa, Hà Nội. Hằng ngày, chiếc xe ba bánh của Sơn Lâm vẫn thường gặp khá nhiều khó khăn khi đi lại trên con đường ngoằn ngoèo này.

Đã bước sang tuổi 28 nhưng Nguyễn Sơn Lâm chỉ cao khoảng 80cm và nặng chưa đầy 25kg - đây là di chứng của chất độc da cam dioxin di truyền từ người bố. Dù vậy, Lâm vẫn là một phóng viên “có tiếng tăm” ở trang tin thể thao bongda24h của báo điện tử Vietnamnet.

Lâm và em trai thuê trọ trong căn phòng khoảng 20m2 - căn phòng nhỏ nhưng ngập tràn niềm đam mê của anh: Bóng đá. 3 quả bóng da với đủ các màu sắc; lịch thi đấu các giải Anh, Italy, Tây Ban Nha; hình ảnh các huyền thoại bóng đá và poster các đội bóng anh yêu thích. Câu chuyện mở đầu của Nguyễn Sơn Lâm cũng ngập tràn không khí bóng đá: anh nói như… điểm báo những thông tin về bóng đá trong ngày.

Đặc biệt những câu lạc bộ Sơn Lâm yêu thích như Manchester United hoặc Barcelona thì anh đọc vanh vách tên, tuổi từng cầu thủ một. Lâm tâm sự: “Tôi đá bóng không phải bằng đôi chân như bao người khác. Tôi chỉ có thể đá bóng bằng đôi nạng gỗ, giúp tôi đi lại hằng ngày. Dẫu vậy, chẳng có gì ngăn cản tôi đến với bóng đá. Tôi trở thành một phóng viên bóng đá chuyên nghiệp ở một tờ báo điện tử dù không được đào tạo về nghiệp vụ báo chí vì tôi viết bóng đá bằng con tim, khối óc và một niềm đam mê bất tận”. Tình yêu với bóng đá được Nguyễn Sơn Lâm thể hiện qua những bài bình luận sắc sảo và hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

Hằng ngày đi làm, tối là quãng thời gian Sơn Lâm tranh thủ viết sách. Anh đang tập trung hoàn thành cuốn sách “Các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới”. Cuốn sách dày gần 200 trang này được Lâm hoàn thành trong một thời gian kỷ lục: 1 tháng. Dự định cuốn sách sẽ ra mắt độc giả vào tháng 9 tới. 

Nghị lực “thép”

Sinh ra và lớn lên ở thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Sơn Lâm không có được số phận may mắn và bình thường như những người khác. Ông Nguyễn Văn Miền, bố của Lâm, sau 11 năm chiến đấu khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam đã bị mất tới 81% sức khỏe và bị nhiễm chất độc da cam.

Ông sinh được 4 người con thì 2 người bị di chứng của chất độc da cam dioxin. Anh của Lâm bị viêm màng não, suy nhược thần kinh; còn Lâm bị loãng xương, nay liền mai gãy nên không thể đi lại bình thường được. Mang trên mình nhiều thương tật, lại nhiễm chất độc dioxin, đau ốm thường xuyên - người bố đâm ra thay đổi tâm tính, lắm khi điên loạn vì nhìn những đứa con mình sinh ra không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Gánh nặng gia đình dồn cả vào đôi vai tần tảo của người mẹ.

Bản thân Lâm thấy mẹ u sầu vì mình nên cũng nhiều lần nghĩ quẩn. Nhưng chính niềm đam mê bóng đá đã kéo anh ra khỏi những suy nghĩ tối tăm và dại dột đó. Trên đôi nạng gỗ, cậu cũng ra vỉa hè, bãi sông để mướt mồ hôi đuổi theo trái bóng nhựa cùng đám trẻ con hàng xóm.

Nhưng rồi, càng lớn lên, những mặc cảm lại càng hiện về, lũ trẻ trong xóm bỏ dần trái bóng để đến trường, mình Lâm rong ruổi mãi trên các bãi sông. Tủi phận! Lâm cũng khát khao được đến trường.

 Thế là Lâm đi học. Những ngày bình thường Lâm đi bằng nạng gỗ, những khi mưa gió thì nhờ bạn bè, bố mẹ hoặc anh trai cõng đến trường. Những năm học phổ thông, Sơn Lâm luôn là học sinh giỏi nhiều năm liền.

Nguyễn Sơn Lâm nhớ lại quãng thời gian khó khăn nhất của gia đình: đó là năm 1996, khi cha mất. Cả nhà 5 miệng ăn trông chờ vào tiền trông xe hằng tháng của mẹ. Lúc đó Nam, anh cả của Lâm mới 19 tuổi, đang là sinh viên đại học; anh thứ 2 là Hải đã 17 tuổi mà vẫn ngơ ngơ ngác ngác như trẻ lên 5; lại thêm Lâm cũng đã 14 tuổi nhưng hai chân teo tóp, mẹ vẫn phải lo từ tắm rửa, vệ sinh cá nhân và đi đâu cũng phải bế như trẻ con. Thương mẹ, Lâm lao vào học và quyết tâm sẽ đổi đời bằng con đường đại học. Không có điều kiện đi học ở các lò luyện, Lâm thức đêm chép lại vở của bạn.

Kỳ thi đại học đầu tiên, Lâm trượt. Lâm bi quan và chán nản vô cùng. Nhưng rồi quay về nhìn gia đình cơ cực của mình, làm gì còn lối thoát nào đâu ngoài con đường học! Lâm lại cắn răng, lại quyết chí: phải lên Hà Nội ở trọ, phải tập trung ôn thi đại học cho bằng được.

Những ngày đầu xa nhà bỡ ngỡ, Lâm phải tự lo mọi thứ sinh hoạt cá nhân. Rồi với quyết tâm của mình, Lâm đã thi đỗ Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội). 

Và niềm đam mê bất tận

Tốt nghiệp đại học, Lâm thông thạo cả 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nhật. Nhiều công ty ngỏ lời mời Lâm về làm ở bộ phận kinh doanh, biên tập, biên dịch nhưng niềm đam mê bóng đá cứ níu lấy Lâm. Và anh đã chọn nghề báo, làm ở trang tin thể thao của báo điện tử Vietnamnet để hằng ngày được “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”. Công việc hằng ngày của Sơn Lâm là dịch các tin, bài về bóng đá quốc tế ở các website tiếng Anh, Pháp, Nhật.

Các giải bóng đá vô địch ở các quốc gia châu Âu thường chênh lệch múi giờ khá nhiều so với Việt Nam nên Sơn Lâm thường phải làm việc cả vào ban đêm. Những thời điểm các cúp châu Âu diễn ra thì Sơn Lâm thường phải thức thâu đêm để tường thuật diễn biến các trận đấu cho độc giả. Công việc đòi hỏi độ tập trung cao, vất vả nhưng thu hút Sơn Lâm và làm anh quên đi bệnh tật. Lắm khi, về đến nhà, anh vẫn cố vào mạng internet để dịch bằng được vài cái tin mới, bằng không thì “áy náy, ăn cơm không ngon”.

Lâm yêu bóng đá nhưng thần tượng của anh không phải là một huyền thoại túc cầu mà là một người cùng cảnh ngộ với anh: Ototake, phóng viên thể thao khuyết tật người Nhật Bản. Ototake bị mất cả 2 tay, 2 chân nhưng vẫn sử dụng 2 đầu cánh tay để gõ bàn phím và cho ra nhiều bài bình luận xuất sắc trong mảng thể thao.

Chia tay tôi, Nguyễn Sơn Lâm tâm sự: “Tôi được ban biên tập và nhiều đồng nghiệp ưu ái nhưng không vì thế mà ỷ lại. Tôi phải lao động trước tiên là để nuôi sống mình, sau nữa là để tri ân những sự động viên, quan tâm của mọi người trong những lúc mình khó khăn nhất”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên