Tiếp loạt bài: "Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị":

Thấy gì từ cuộc họp dân trong đêm?

VOV.VN- Tối 7/4/2016, từ 20h, gần 200 người dân có mặt tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Thanh Hóa để tham dự hội nghị họp dân triển khai phương án bồi thường

Một cuộc họp bất ngờ và gấp gáp diễn ra với nhiều nội dung gay cấn, cho thấy những diễn biến đáng chú ý của vụ việc sau khi Báo TNVN liên tục đăng tải loạt bài phản ánh những bức xúc của người dân về dự án đang có nhiều tranh cãi.

Dãy nhà 2 tầng gồm: văn phòng, hội trường tập của Đoàn cải lương và nhiều hộ gia đình văn nghệ sĩ đang sinh sống.
Dãy nhà 3 tầng - nơi sinh sống của các gia đình nghệ sĩ xứ Thanh đã cũ nát, sập xệ.
Nước mắt rơi khi được bày tỏ ý kiến

Từ 20h00 đến 22h30, ngày 7/4/2016, gần 200 người dân có mặt tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Thanh Hóa để tham dự "Hội nghị họp dân triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ và giới thiệu các mặt bằng tái định cư đến các hộ dân ảnh hưởng dự án: Khu dân cư Nhà hát nhân dân, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa" theo giấy mời của Lãnh đạo UBND TP Thanh Hóa.

Sau phát biểu khai mạc của ông Lê Trọng Thụ, Phó Chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa, các hộ dân trong diện phải di dời đã lên phát biểu; Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, Giám đốc Cty Quảng Long (Chủ đầu tư dự án) cũng đăng đàn... Tất cả đều thống nhất: Sau 4 năm có dự án, một cuộc họp nghe ý kiến của chính những hộ dân ảnh hưởng bởi dự án, mới lần đầu tiên được tổ chức...

Cuộc họp lúc trào lên những tràng vỗ tay, lúc vang lên những tiếng nói bức xúc, lúc lặng đi vì những giọt nước mắt của người dân lên bục phát biểu. Hai người  rơi nước mắt là nhạc sĩ Dương Đức Dục và NSƯT Băng Thanh. Họ rơi nước mắt vì sau 4 năm mờ mịt thông tin, hôm nay mới được trực tiếp cất lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi thiết thân của gia đình mình với cán bộ chính quyền. Họ ủng hộ chủ trương của tỉnh về việc cải tạo Khu Nhà hát nhân dân, nâng cao đời sống văn nghệ sĩ, chỉnh trang đô thị sao cho xứng tầm đô thị loại một. Nhưng họ bức xúc vì cách triển khai dự án có nhiều điều không minh bạch, họ không rõ đây là dự án xã hội, thương mại hay phục vụ an ninh - quốc phòng?; kể cả việc ứng xử thiếu tôn trọng với họ là các văn nghệ sĩ cả một đời đi theo Đảng, cống hiến cho đất nước.

Nhạc sĩ Dương Đức Dục nói: “Đây là lần đầu tiên tôi được mời tham dự một cuộc họp liên quan đến số phận chính gia đình mình, một cuộc họp gấp gáp. Văn nghệ sĩ chúng tôi đói đấy, khát đấy, rét mướt đấy, nhưng vẫn phải cố gắng làm việc, đến bây giờ thông qua một dự án chưa rõ mục đích, một dự án không có tên, để đẩy chúng tôi ra đi, mù mờ, lặng lẽ, âm thầm tủi nhục?".

Ông Vũ Minh Công, Giám đốc Cty Quảng Long, phát biểu: "Tôi rất ngạc nhiên khi đến hôm nay mà nhiều bà con vẫn nêu những câu hỏi như: "Dự án tên gì?", "Mục đích dự án là gì?"... Tôi cho rằng, công tác thông tin tuyên truyền đến từng hộ dân là quá yếu kém. Vì cách đây hơn một năm, cũng tại đây tôi đã giải thích những nội dung này trong cuộc họp với các hộ dân".

Thực tế, "cuộc họp với các hộ dân" mà ông Công đề cập là cuộc họp giữa những người triển khai dự án với Sở VH-TT&DL và các Đoàn trưởng các Đoàn nghệ thuật. Kết quả "cuộc họp dân" như thế đã không đến được với các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi.

Không những thế, tại cuộc họp có mặt đầy đủ gần 200 hộ dân, nhiều ý kiến đã thể hiện sự ngờ vực về nội dung cuộc họp không có họ trước đây. "Dự án này liên quan đến dân, nên khi có các cuộc họp phải mời dân tham gia cho minh bạch, một số thành phần cán bộ không thể thay mặt dân chúng tôi đi họp được" - nghệ sĩ Hoàng Mạnh Hùng bức xúc. Nguyên Đoàn trưởng Đoàn kịch, đạo diễn Lê Thế Dương gay gắt: "Trong quá trình thực hiện, chúng tôi biết các anh trong ban dự án có quan hệ với một số hộ, trong đó có cả hộ NSND Mai Tư để thỏa thuận. Chúng tôi nghĩ, chả nhẽ NSND Mai Tư và các hộ đó "bán đứng" anh em văn nghệ sĩ?".           

Đáp lời, NSND Mai Tư xúc động: "Tôi được giữ cương vị Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, được phong tặng NSND là được sự ủng hộ của anh em. 40 năm hoạt động trong ngành, tôi trân trọng, biết ơn anh em văn nghệ sĩ, không bao giờ "bán đứng" văn nghệ sĩ. Người "bán đứng" là Giám đốc Sở VHTT&DL, vì một cuộc họp hết sức quan trọng về điều chỉnh dự án mà ông lại không có mặt. Rồi Thông báo số 24 ngày 28/1/2016 của UBND tỉnh ông ấy phải biết (về việc điều chỉnh dự án) không còn nhà chung cư, nhà làm việc của các đoàn nghệ thuật. Tại sao ông không làm văn bản gửi UBND tỉnh ngay, để ngày hôm nay xảy ra tình trạng này?”...

Việc "ai bán đứng ai" đúng - sai hãy chờ "hạ hồi phân giải". Nhưng qua các ý kiến đầy bức xúc, đã phản ánh một sự thật: Mâu thuẫn giữa các hộ dân trong diện di dời, giữa cán bộ và người dân, cùng những bức xúc do mờ mịt thông tin, đã lên tới mức cao trào. Tại sao lại như vậy? Tại sao phải sau 4 năm kể từ khi có dự án, khi đã chất chồng mâu thuẫn, dân làm đơn, báo chí phản ánh, mới tổ chức họp dân?...

Những chất vấn cần được làm rõ

Giơ cao tờ rao bán đất, nghệ sĩ Hoàng Mạnh Hùng nói: “Xin các anh giải thích, tờ rao bán đất này là như thế nào? Báo TNVN đã vào cuộc, tiếp xúc với sàn giao dịch bất động sản và thu thập được nhiều thông tin về các lô đất dự án. Ngay cả nhà tôi đang ở cũng được đem rao bán. Vậy xin hỏi ai bán? Đất nào để bán? Rồi bài thứ hai, Báo TNVN lại nêu lời phát biểu của Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, rằng Dự án phải thực hiện hai mục tiêu: Nâng cao đời sống văn nghệ sĩ, xứng tầm đô thị loại một. Chúng tôi đề nghị Ban GPMB nên khảo sát lại, không cào bằng bình quân, và phải làm rõ việc rao bán đất mờ ám này”.

Nghệ sĩ Hoàng Mạnh Hùng giơ cao tờ rơi rao bán đất và đề nghị xác minh làm rõ trách nhiệm.
Nhạc sĩ Dương Đức Dục quyết liệt: “Ngày 25/3, Báo TNVN đăng bài: “Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị”, thì ngày 26/3, tờ rơi bán đất được dán đầy đường Lê Phụng Hiểu, Đào Duy Từ… Đất của ai? Ai bán? Tiền thu cho ai? Rồi hôm nay hối hả giục chúng tôi đi? Đi đâu, về đâu? Chế độ đãi ngộ văn nghệ sĩ xứ Thanh như thế nào? Tái định cư ở đâu? Chúng tôi không nhất trí, không đồng thuận…”.

NSND Mai Tư đề nghị phải có quy hoạch chính thức, sau đó phải tiến hành đo đạc lại để đảm bảo quyền lợi của văn nghệ sĩ. Ông nói: "Tôi công nhận phản ánh của văn nghệ sĩ là chính xác khi họ cho rằng không công bằng trong đền bù, không đúng với giá trị tài sản, không đúng với những gì họ đáng được nhận”.

NSƯT Băng Thanh kiến nghị, để văn nghệ sĩ đỡ thiệt thòi sau hàng chục năm sống và làm việc trong những ngôi nhà xuống cấp, đề nghị cho họ được mua nhà theo Nghị định 61 để có cơ sở tái định cư tại chỗ.

 Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, PGĐ Sở VH-TT&DL phát biểu: "Nhiều cuộc họp với UBND tỉnh, thành phố, và các sở, ban ngành, tôi đã từng nói: Hãy thương văn nghệ sĩ, vì văn nghệ sĩ khổ lắm, không có lấy một tấc đất cắm dùi. Nhiều văn nghệ sĩ mong muốn được áp dụng nhà đất họ đang ở theo Nghị định 61. Nên tôi đề nghị các anh tìm hiểu, có thể áp dụng theo Nghị định 61 cho văn nghệ sĩ có quyền sử dụng đất". Ông Lê Thế Dương nêu: "Các anh cứ chia lô, minh bạch, chúng tôi đăng ký mua. Đề nghị các anh bỏ ngay bảng quy hoạch đang treo ở cổng Nhà văn hóa tỉnh xuống, vì dự án đã thay đổi. Nếu còn treo, các anh mắc thêm tội "treo đầu dê bán thịt chó"...

Với tư cách chủ trì cuộc họp, ông Lê Trọng Thụ, Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, phát biểu kết luận: "Dự án nào khi triển khai cũng có bất cập, chúng tôi sẽ cố gắng giảm thiệt hại nhỏ nhất cho bà con. Trong tuần tới, theo ý kiến chỉ đạo của tỉnh, Hội đồng GPMB sẽ lập văn phòng ngay tại khu dân cư, công khai các mặt bằng quy hoạch, giải đáp những thắc mắc của bà con. Niêm yết số điện thoại của tổ công tác để bà con tiện liên hệ. Tổ chức cho bà con đến các điểm tái định cư tham quan… Hội đồng GPMB sẽ xuống từng nhà lấy ý kiến, hộ nào muốn tái định cư tại chỗ bằng nhà chung cư, mặt đất, hoặc ra nơi tái định cư, chúng tôi sẽ tập hợp để chốt lại".

 

Bản đồ quy hoạch cũ (năm 2012) vẫn được treo tại Khu văn công Nhà hát nhân dân.
Ngày 11/4/2016, sau 4 ngày có cuộc họp dân gấp gáp, Phó Chủ tịch Lê Trọng Thụ ra ngay văn bản số 1140/UBND-TNMT về việc "GPMB thực hiện dự án khu dân cư Nhà hát nhân dân, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa", nội dung: Theo Điều 5, Nghị định 61-CP ngày 5/7/1994: "Nhà nước thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê phần diện tích đang được thuê để người mua nhà ở có điều kiện cải thiện chỗ ở, trừ các loại nhà ở sau đây: 1/Nhà ở thuộc khu vực qui hoạch xây dựng các công trình khác hoặc cải tạo thành nhà ở mới..." nên không thể thực hiện bán nhà cho các văn nghệ sĩ Khu Nhà hát nhân dân để cấp Giấy CNQSDĐ theo Điều 99 và Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 theo đề nghị của họ.

Tuy nhiên, điều đáng nói, từ năm 1994 (NĐ61-CP có hiệu lực) đến 2016 là 22 năm, trong khi Dự án qui hoạch cải tạo Khu Nhà hát nhân dân mới có trong những năm gần đây. Như vậy, hơn 20 năm về trước, việc không hóa giá nhà theo Nghị định 61 đã dẫn đến thiệt thòi cho các văn nghệ sĩ sau một đời cống hiến và sống trong những khu nhà xuống cấp không được cải tạo, là một thực tế rất đáng suy nghĩ, cần một sự giải thích thỏa đáng, thấu tình đạt lý.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị
Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị

VOV.VN -Mỗi hộ được đền bù 100 triệu - 500 triệu đồng và rời khỏi căn nhà mà họ đã sinh sống hàng chục năm qua để phục vụ cho một dự án kinh doanh thương mại.

Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị

Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị

VOV.VN -Mỗi hộ được đền bù 100 triệu - 500 triệu đồng và rời khỏi căn nhà mà họ đã sinh sống hàng chục năm qua để phục vụ cho một dự án kinh doanh thương mại.

“Màn kịch vụng” làm khổ văn nghệ sĩ xứ Thanh
“Màn kịch vụng” làm khổ văn nghệ sĩ xứ Thanh

VOV.VN - Có quá nhiều điều lạ lùng xung quanh dự án với mục đích là cải thiện đời sống của văn nghệ sĩ xứ Thanh và nơi làm việc của các đoàn nghệ thuật 

“Màn kịch vụng” làm khổ văn nghệ sĩ xứ Thanh

“Màn kịch vụng” làm khổ văn nghệ sĩ xứ Thanh

VOV.VN - Có quá nhiều điều lạ lùng xung quanh dự án với mục đích là cải thiện đời sống của văn nghệ sĩ xứ Thanh và nơi làm việc của các đoàn nghệ thuật