"Thức tỉnh" không bao giờ muộn

Tham vọng làm giàu khiến cho anh Nguyễn Văn Trường (Thôn Thiên Đức, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) vô tình sa vào con đường nghiện ngập. Thế nhưng anh đã kịp gượng dậy sau hơn 10 năm làm bạn với “nàng tiên nâu”.

Ảo mộng làm giàu

Đêm đã khuya, cả không gian của thôn Thiên Đức đã chìm trong giấc ngủ, nhưng ở trong căn nhà nhỏ cuối thôn, vẫn có một bóng người khom mình bên chõng tre. Anh kéo từng hơi thuốc lào thật dài, phả làn khói vào quảng hư không. Trong cơn say mơ màng, anh ngẫm cuộc đời mình. Làm lụng vẩt vả quanh năm mà anh không đủ tiền nuôi vợ nuôi con. Trong khi đó, mấy người trong xã đi một chuyến đào vàng về đã có nhà cao cửa rộng, đứa đi đào thuê cũng có vài cây vàng dắt túi. Nhìn người mà thương cho số phận….

Cơn say dứt, anh bừng tỉnh, trong đầu anh bỗng chợt nghĩ: “chẳng lẽ mình cứ khốn khó mãi”. Nghĩ vậy, sáng hôm sau, anh kiếm người bán chiếc máy xát lúa, lấy chút lưng vốn đi tìm vận may trên bãi vàng Ma Nu (Cao Bằng). Đấy là năm 1991.

Anh Trường đã tìm lại được hạnh phúc ngay chính trên quê hương của mình

“Vận xui” cứ đeo bám anh, lên bãi vàng chưa được 1 tháng, không may trong một lần sập hầm, bị thương ở đầu, anh phải về quê tĩnh dưỡng. Được nửa năm, anh quyết tâm đi tìm lại “ảo mộng” làm giàu. Lần này, anh lên bãi vàng Bình Lư (Lai Châu) vì nghe đâu ở đây dễ làm ăn hơn ở Ma Nu. Số phận bắt đầu mỉm cười với anh.

Ngoài làm công nhân đãi vàng, anh còn kiêm luôn cả công việc của một thợ cơ khí. Bởi vậy, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã có chút vốn để làm ông chủ. Giờ, ngoài mấy hầm khai thác vàng, hàng chục công nhân, trong tay anh còn có rất nhiều tiền và anh nghĩ đến hút thuốc phiện như một thú tiêu khiển qua ngày ở chốn hoang vu.

Chưa kịp mở rộng địa bàn làm ăn thì bãi vàng Bình Lư bị giải tán, bao nhiêu tiền bạc chưa kịp thu về. Anh đành lầm lũi về quê với chút lưng vốn cùng với những cơn nghiện không bao giờ dứt.

Với chút tiền ít ỏi còn sót lại, anh đầu tư một chiếc máy hút cát để kiếm sống qua ngày. Nhưng những cơn vật thuốc đã không để anh yên ổn làm ăn. Mỗi ngày, làm được 50.000đ thì anh đã tốn mất 70.000đ tiền thuốc. Của cải trong nhà cứ thế mà đội nón ra đi.

Vào Nam tìm cuộc mưu sinh

Cuộc sống ở quê quá chật vật, năm 1996 anh quyết định vào Nam đổi đời. Công việc của hai vợ chồng anh là đào giếng thuê. Thời gian đó, dân tứ xứ đổ vào Tây Nguyên rất đông. Người có tiền thì mua đất mở trang trại, người không có tiền thì làm công nhân. Bởi vậy mà công việc đào giếng của anh không lúc nào ngơi tay, nhưng được bao nhiều tiền của anh lại cho tan theo khói thuốc.

Cơn nghiện của anh ngày một nặng thêm, tiền gửi về nhà ngày một thưa dần. Nhiều hôm, nằm trong lán trọ một mình, trong cơn say, tỉnh của làn khói trắng, anh giật mình.

Ngày trước, anh cũng được ăn học tử tế, là một trong hai học sinh xuất sắc của xã Thái Bảo được đặc cách lên cấp III không cần qua thi cử. Rồi do hoàn cảnh khó khăn, ham mê sớm kiếm tiền đã nhanh chóng khiến anh bỏ lớp đi làm công nhân xây dựng. Giờ nghĩ lại, anh thấy tiếc cho mình, nếu anh chú tâm học hành thì cuộc sống của mình giờ đã khác đi, giờ không chỉ mình khổ mà cả vợ con cũng khổ.

Thức tỉnh!

Rồi bước ngoặt cuộc đời cũng xuất hiện khi anh nhận được cú điện thoại ở nơi quê xa. “Đã gần 10 năm rồi nhưng cái cảm xúc lúc đó đến cứ như ngày hôm qua” anh Trường nhớ lại.

Hôm đó, đang nằm trong lán, anh nghe có điện thoại. Giọng con gái anh bên kia đầu dây thảng thốt: “Bố ơi! Con đậu đại học rồi, giờ làm sao hả bố”.

Không gian như lặng đi. Sau một thoáng chốc, anh cất lời, giọng run run: “Học đi con, bố sẽ lo cho con tất”.

Cất điện thoại, trong lòng anh lúc ấy chỉ nghĩ, “mình phải cai nghiện để dành dụm tiền cho con ăn học”.

Tất cả mọi công việc, anh đều giao lại cho vợ, còn một mình khóa trái cửa lại để tự cai nghiện. Những ngày đầu, con thèm thuốc cứ dày xéo cơ thể anh, đầu óc anh cứ quay cuồng vật vả, “nhiều lúc định phá cửa bước ra nhưng hình ảnh con cái chăm ngoan học hành, hình ảnh người vợ tảo tần sớm hôm đã níu chân tôi lại”, anh tâm sự.

Một tuần, hai tuần trôi qua, cơn nghiện đến thưa dần, rồi đến năm 2006 anh dứt hẳn thuốc. Một cuộc sống mới đã mở ra trước mắt anh, anh lại có thêm tin vui. Để có tiền cho các con ăn học, vợ chồng anh làm việc nhiều hơn “vì lúc đó trong thâm tâm tôi chỉ mong sao đời các con sẽ khác với cuộc đời vất vả của bố mẹ nó”, anh Trường tâm sự. Năm 2003, bố mất, hai vợ chồng quay trở về quê hương.

Được chút tiền ít ỏi tích cóp được, anh dồn hết tiền mua xe công nông, vợ anh đi làm ở lò gạch trong làng. Năm 2004, đứa con thứ hai của anh lại đậu đại học, rồi tiếp đến thằng con trai thứ ba tiếp bước hai chị vào thời sinh viên. Cuộc sống gia đình đã vốn khó khăn nay càng thêm eo hẹp. Tiền của anh chạy công nông cũng không đủ để lo lắng cho ba đứa con đang theo học đại học và đứa út đang học phổ thông. Nghĩ trước đây mình có cái nghề sửa máy, anh quyết định dồn tất cả tiền nong, đi vay mượn để mở xưởng hàn. Trước tấm lòng hướng thiện của anh, Hội phụ nữ thôn đã cho anh vay 7 triệu đồng, Trưởng công an xã Thái Bảo, Phạm Công Quý lấy sổ đỏ nhà mình ra giúp anh mượn 10 triệu đồng của ngân hàng chính sách.

Ban đầu, mọi người trong thôn vẫn kỳ thị không dám đến làm tại cửa hàng của “thằng nghiện”, nhưng anh không nản chí, bằng việc giúp đỡ những việc vặt cho người trong thôn, niềm tin hướng thiện của anh cũng đầy theo năm tháng.

Với mỗi tháng làm được vài triệu đồng, anh không chỉ giúp cho con cái được học hành đến nơi đến chốn mà cuộc sống gia đình cũng cải thiện nhiều. Anh nói trong niềm vui: “Được cái, các cháu ngoan lắm anh ạ. Biết gia đình khó khăn nên ngoài đi học, còn đi làm để hỗ trợ cho cha mẹ được ít nhiều”.

Hạnh phúc đã trở lại, nụ cười đã xuất hiện trên môi anh. Cuộc sống với anh giờ thật ý nghĩa, vì không chỉ hạnh phúc khi con cái đã trưởng thành mà anh còn tìm lại được cuộc sống đích thực của mình – cuộc sống không mộng mị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên