Thung lũng bạc tỷ ở xứ Hàn

VOV.VN -Nông dân ở đây, họ coi ruộng rẫy của mình như là công ty của họ. Người ta quanh năm làm lụng, không ngơi nghỉ

Lên rẫy bằng xe hơi

Làng Shindo (thuộc CheongDo, tỉnh Gyeongsangbuk của Hàn Quốc) cách ga xe lửa Dong Deagu chừng 20 phút xe hơi, nằm lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ, bốn bề là núi đất, ngàn ngạt một màu xanh của cây đào, hồng, táo... Đây là nơi khởi nguồn của phong trào Saemual Undong (phong trào xây dựng Làng mới). Nơi đây có Khu lưu niệm về Phong trào nông thôn mới của Hàn Quốc, gần cổng còn lưu giữ một đoạn đường tàu cũ khi mà Tổng thống Pắc Chu Hy khi đó công cán bằng tàu hoả qua làng, để rồi có 1 quyết định lịch sử vào ngày 22-4-1970: Chính phủ chính thức phát động phong trào xây dựng làng mới Saemaul Undong - phong trào làm thay đổi mạnh mẽ xã hội nông thôn Hàn Quốc.

Làng Shindo- cái nôi của phong trào xây dựng làng mới

Đường quanh núi rộng thênh thang, phẳng kỳ, xe hơi đậu san sát. Những cây hồng xum xuê, qủa lúc lỉu, chỉ ngang tầm tay với. Nếu không được giới thiệu, tôi chắc rằng ai cũng ngỡ mình đang ở 1 khu du lịch sinh thái. Nhà của nông dân Hàn đều là nhà xây gạch 1 đến 2 tầng. Nhiều ngôi nhà lợp ngói xám, mái cong, hài hòa với màu xanh cây lá. Nhà nào cũng có khuôn viên sân vườn rộng. Dân ở đây chuộng loại tường bao xây bằng những hòn đá dạng tròn, e lip  nhiều kích cỡ xen kẽ nhau, nom khá đẹp mắt.

Ông Lee Sang Jin, 62 tuổi, có dáng vẻ lù khù của con người cần mẫn dẫn chúng tôi thăm làng dưới trời mưa lắc rắc. Ngỏ ý muốn vào thăm nhà, chả thấy ông nói gì. Chắc nể khách xa, cuối cùng thì ông cũng dẫn chúng tôi vào đến sân, nơi có cây lựu buông trái như những chiếc đèn lồng đỏ au. Khách, chủ cứ đứng che ô mà trò chuyện. Hỏi gì, bác nói đó, câu từ ngắn tối đa, nên thông dịch viên Quỳnh Tiên không phải vất vả căng tai, nhướn mày. Cửa nhà vẫn đóng chặt. Rất muốn ngó nghiêng xem nhà nông xứ Hàn sống thế nào nhưng xem ra bác nông dân này không có ý định mời vào thì phải! Chợt nhớ ra điều gì, ông quay lưng, mở cửa đánh rẹt. Tôi xăm xăm bước theo. Chị Quỳnh Tiên chạm tay ra hiệu. Tôi sựng lại. - Người Hàn dù ở thành phố hay nông thôn đều rất  không muốn người lạ vào nhà. Đơn giản vì đó là cuộc sống riêng tư của họ. - Quỳnh Tiên bỏ nhỏ vào tai tôi! Thành ra, tôi chỉ kịp lia mắt một lượt. Bộ Sa lông da màu vàng nâu kê gần cửa sổ, sàn lát gỗ, ti vi màn hình lớn...Tất cả toát lên một đời sống sung túc, tiện nghi.

Nhà dân làng Shindo

Dân làng Shindo chỉ sống bằng nghề nông, trồng 3 loại cây chính: hồng, đào, táo. Hồng giòn ở vùng này là loại hồng đặc sản ngon nhất Hàn Quốc với vị ngọt thơm đặc trưng, không đâu có. Thế nên, dân làng Shindo có ý thức rất cao về việc giữ chất lượng, thương hiệu cho cây quả đặc sản làng mình.

Theo ông Lee Sang Jin thì chỉ phun thuốc 1 lần duy nhất khi hồng vừa ra trái non, sợ sâu  ăn, thuốc này có nguồn gốc hữu cơ. Ngoài ra, không dùng bất kỳ loại thuốc hóa học nào, cứ  phải đợi cho quả chín tự nhiên mới thu hái. Mùa thu hái đào vào tháng 10 nên thời điểm này, người làng Shindo đang mong trời cho nắng liên tục để trái chín đều, kịp bán phục vụ tết Trung Thu, cái tết quan trọng của người Hàn Quốc.


Đào chờ vào vụ thu hoạch

Vườn cây ăn quả của ông Lee Sang Jin tít trên triền núi, ông đi làm vườn bằng ô tô. Dân làng Shindo đều đi làm bằng ô tô. Mỗi năm, riêng bán khoảng 20 ngàn tấn hồng đặc sản, ông đã kiếm được khoảng 20 triệu won, chưa kể tiền bán đào, táo. Dân trong làng, nhiều người thu 50-70 triệu won/năm từ cây ăn quả và hoa màu...Có người kiếm được 100 triệu won, tương đương 2 tỷ đồng Việt Nam. Trong khi lương công chức xứ Hàn, chỉ khoảng 24 triệu won/năm, người nào làm quản lý cấp cao lương cũng chỉ chừng 36 triệu won/năm. Nhà nông vùng này, đa số là tỷ phú theo cách nói của người Việt mình. Làm ra bao nhiêu, có thương lái đến tận làng thu mua hết đến đó. Hiện tại, hầu như nhà nào cũng có Internet, liên hệ mua bán qua Internet. Ở địa phương này, có Viện nghiên cứu chuyên về đào, chọn lựa những giống đào tốt nhất, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, năng suất cao, để người dân yên tâm với nghề trồng trọt.

Những trái táo chín mọng hấp dẫn

Nhưng không phải bỗng dưng mà đất “nhả” ra tiền một cách dễ dàng! Anh Jeon Jong Ryul, Giám đốc Khu lưu niệm về Phong trào nông thôn mới tại Cheongdo đưa ra 1 so sánh thú vị: Nông dân ở đây, họ coi ruộng rẫy của mình như là công ty của họ. Người ta quanh năm làm lụng, không ngơi nghỉ, kể cả mùa đông lạnh cóng. Sáng, họ lên rẫy rất đúng giờ và làm từ 10-12 tiếng, mới trở về nhà.  Đào, táo, hồng đều chỉ cho trái 1 vụ, cho nên mùa nào thức ấy, dưới tán cây, họ tận dụng từng khe đất nhỏ để trồng rau, đậu, ớt...

Chăm chỉ, không trông chờ vào bất kỳ ai là đặc tính nổi trội của nông dân xứ Kim Chi. Thu nhập tiền tỷ mỗi năm, chỉ bằng nghề trồng trọt quả là mơ ước của nhiều nông dân miền núi nước mình. Nhưng để mơ ước thành hiện thực giàu có này, ngoài cần cù, chịu khó, phải kể đến cái ý chí vươn dậy mãnh liệt của chính người nông dân nơi đây. Họ đã quyết thay đổi bằng được cuộc sống nghèo khổ của mình từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Hồng là thứ quả nổi tiếng có giá trị kinh tế cao ở vùng này

Vẫn nuôi giấc mơ thành phố

Làng Shindo chỉ có 50 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu. Anh Jeon Jong Ryul cho biết, bao nhiêu năm nay, dân số của làng vẫn chỉ dao động ở con số đó. Đây vẫn được coi là làng có quy mô lớn, vì còn nhiều người trẻ chọn ở lại làng  dựng cơ nghiệp, chứ nhiều ngôi làng ở Hàn Quốc đã biến mất vì lớp trẻ lớn lên rời quê, ra phố kiếm sống...Sỡ dĩ duy trì được số nhân khẩu như vậy còn bởi một lý do thuộc về tập quán, đó là  truyền thống gia đình nông dân ở đây, thường là người con cả sẽ ở lại làng, bên cạnh cha mẹ. Còn những người con khác thì không nhất thiết, cứ tha hồ bay nhảy.

Một góc làng Shindo


Sống ở làng, thu nhập bình quân 70 triệu won/người/năm, tính nhanh cũng gấp đôi lương công chức loại trung bình. Nhưng bay ra thế giới rộng lớn hơn cái thung lũng nhỏ dù rất đẹp, rất giàu của làng mình vẫn là ước vọng của số đông người trẻ, con em nông dân. Bản thân người nông dân cũng tìm mọi cách đầu tư cho con học lên cao để chúng có thể tìm cơ hội sống tốt hơn nữa. Như ông  Lee Sang Jin, có 3 người con thì cô con gái làm giáo viên, anh con út  học đại học, đang nuôi giấc mơ đô hội.

Vừa rồi, anh Jeon Jong Ryul, Giám đốc Khu lưu niệm về Phong trào nông thôn mới tại Cheongdo đã đệ trình lên cấp trên một đề án phát triển làng Shindo, quy mô 200 hộ dân với mục đích mở rộng ngôi làng bề thế hơn, nhằm níu giữ bước chân người trẻ ở lại, giữ lấy nghề trồng cây đặc sản.


Muốn làm trưởng thôn phải đóng 10 triệu won/năm

Mặc dù đã đặt lịch phỏng vấn trưởng làng Yang Hang Seok, nhưng chúng tôi vẫn không gặp được. Anh Jeon Jong Ryul phân trần, ông này có việc đột xuất ở nông trại cách đây chừng 20 phút xe hơi. Sống ở làng, nhưng trưởng làng Yang Hang Seok có một Nông trại trồng nấm kim châm lớn nhất Hàn Quốc. “Việc của nông trại cần giải quyết ngay dĩ nhiên là quan trọng rồi, vì hoạt động của nông trại có trôi chảy thì ông mới có tiền đóng hội phí 10 triệu won mỗi năm” – nên nhà báo Việt Nam thông cảm!”.

Ở đây, muốn làm trưởng làng, (như trưởng thôn ở ta), có thể tự ứng cử và đương nhiên phải có sự tín nhiệm của dân. Thế nhưng nếu như không có 10 triệu won đóng hội phí hàng năm thì cũng không thể thành trưởng làng. Tiền ấy dùng để vận hành tổ chức Chi hội Làng mới tại địa phương. Và để có quyết định trưởng làng, lại phải có 1 Uỷ ban điều hành của Hội phát triển phong trào nông thôn mới, xét lý lịch, phẩm chất đạo đức, tinh thần cộng đồng, vv....xem anh ta có đủ tiêu chuẩn hay không. Xét lên, xét xuống như thế, nhưng trưởng làng không hề được hưởng chút thù lao nào, mà còn phải nộp một khoản tiền lớn mỗi năm!

Anh Jeon Jong Ryul bảo, thường những người này đã có thu nhập ổn định và họ coi việc đóng tiền như vậy là làm từ thiện, để hỗ trợ cho chính ngôi làng và người dân của làng mình...Họ coi đó là  vinh dự, tự hào. Để động viên những tấm lòng như thế, hằng năm, chính phủ tặng bằng khen, huân chương cho những người có nhiều thành tích. Vinh dự nhất là được tặng huân chương của tổng thống.

Giải trí kiểu nông dân Hàn

Anh Jeon Jong Ryul mời chúng tôi bữa cơm quán ngoài thị trấn, cách làng chừng 5 phút xe hơi. Quang cảnh tựa như thị trấn Bắc Quang (Hà Giang). Một nhóm đàn ông Hàn Quốc đang ăn uống tưng bừng. Gặp người quen, anh Jeon Jong Ryul  chuyện phiếm 1 hồi. Xong, anh quay sang chúng tôi, giọng chưa hết phấn chấn: “Mấy bác nông dân làng Shindo đấy! Họ đang rủ tôi cuối tuần ra biển câu cá...Còn mấy anh đang uống bia kia thì vừa đi chơi golf về”. Chợt nhớ  câu chuyện lúc nãy của bác nông dân Lee Sang Jin, việc vườn đồi thư thả bác cũng thường đi câu cá, hoặc leo núi giải khuây.

Không chỉ biết cặm cụi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nông dân Hàn còn biết cách ăn chơi, hưởng thụ cuộc sống! Ngoài những “món” giải trí thông thường như cafe, karaoke, phim ảnh thì ra biển câu cá, chơi golf, leo núi là những môn thể thao họ khoái nhất. Tôi thầm ước....mình được là nông dân làng Shindo!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Hà Nội và Seoul
Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Hà Nội và Seoul

Chiều 18/9, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã có buổi tiếp Đoàn đại biểu Hội đồng thành phố Seoul (Hàn Quốc).

Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Hà Nội và Seoul

Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Hà Nội và Seoul

Chiều 18/9, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã có buổi tiếp Đoàn đại biểu Hội đồng thành phố Seoul (Hàn Quốc).

Nông thôn Hàn Quốc - Một giấc mơ có thực
Nông thôn Hàn Quốc - Một giấc mơ có thực

VOV.VN -Phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên, chuyển đổi cây trồng thích hợp, thu nhập của nông dân khoảng 70 triệu Won/năm

Nông thôn Hàn Quốc - Một giấc mơ có thực

Nông thôn Hàn Quốc - Một giấc mơ có thực

VOV.VN -Phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên, chuyển đổi cây trồng thích hợp, thu nhập của nông dân khoảng 70 triệu Won/năm

Thăm cố cung Gyeongbok ở Seoul
Thăm cố cung Gyeongbok ở Seoul

VOV.VN -Thăm Seoul, bạn có thể dễ dàng nhận thấy một đô thị lớn hiện đại, nhộn nhịp nhưng vẫn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử.

Thăm cố cung Gyeongbok ở Seoul

Thăm cố cung Gyeongbok ở Seoul

VOV.VN -Thăm Seoul, bạn có thể dễ dàng nhận thấy một đô thị lớn hiện đại, nhộn nhịp nhưng vẫn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử.