Quyền được chết: Giằng xé về đạo đức của bác sĩ-bệnh nhân

VOV.VN -Nhiều ca bệnh hiểm nghèo bệnh nhân phải tồn tại một cách đau đớn tột cùng, còn thầy thuốc thì bất lực.

Trong quá trình đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Dân sự sửa đổi,  vừa qua, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đề xuất bổ sung “quyền được chết êm ái” (hay còn gọi là cái chết nhân đạo) cho những bệnh nhân sống thực vật, hoặc ung thư giai đoạn cuối. Không chỉ xung quanh đề xuất này có nhiều ý kiến trái chiều do có những rào cản về mặt tâm lý, đạo đức; mà theo Vụ Pháp chế, trên thế giới mới chỉ có 4 nước áp dụng quyền này.

Tiến sỹ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, từ 2005, khi xây dựng Dự thảo Luật Dân sự đã có ý kiến đề cập “quyền được chết êm ái”. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa xem xét vì lúc đó, vấn đề này quá mới mẻ với nước ta. Trên thế giới, vấn đề này phụ thuộc nhiều vào truyền thống, văn hóa, quan niệm đạo đức của mỗi quốc gia.

“Trên thế giới mới có Hà Lan, Bỉ, 1 số bang của Thụy Sỹ và một số bang của Mỹ áp dụng quyền được chết”- TS Quang nói.

Dù biết rằng thời điểm này vẫn có những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này và đa số bác sỹ không muốn thực hiện cái chết nhân đạo cho bệnh nhân, nhưng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) vẫn đề xuất quyền được chết êm ái để dư luận và các đại biểu Quốc hội bàn luận. Bởi lẽ, trên thực tế, những người làm việc trong bệnh viện tận mắt chứng kiến nhiều ca bệnh hiểm nghèo mà y học không thể cứu chữa; bệnh nhân phải tồn tại một cách đau đớn tột cùng, gào thét, vật vã. Bệnh nhân thì quá khổ còn thầy thuốc thì bất lực. Những lúc như vậy, nhiều bệnh nhân mong muốn được ra đi nhẹ nhàng, được chết êm ái để giải thoát khỏi những đau đớn thì có thể được coi là nhân đạo hay không?

TS Quang nói: “Chúng tôi chưa nghĩ đến việc Quốc hội có thông qua đề xuất quyền được chết hay không nhưng trong lương tâm, đạo đức của chúng tôi luôn áy náy, dằn vặt về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi đề xuất để mong muốn dư luận và các đại biểu Quốc hội sẽ hiểu hơn về thực tế này hoặc chí ít cũng cảm thông với bệnh nhân”.

TS Nguyễn Huy Quang cũng thừa nhận, hiện nay, chưa có thống kê nào về nhu cầu được chết của những bệnh nhân sống thực vật hoặc ung thư giai đoạn cuối. Nếu pháp luật có quy định quyền được chết thì việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn vì người bệnh lúc thì nhận thức được năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng có lúc lại sống thực vật. Thậm chí lúc đau không thiết tha sống nữa và yêu cầu được chết nhưng sau đó lại không muốn chết. Còn khi bệnh nhân không còn nhận thức được năng lực hành vi dân sự thì người nhà bệnh nhân cũng khó khăn khi quyết định đề xuất cái chết nhân đạo cho người thân.

“Nếu có quy định này thì lúc đó phải thành lập Hội đồng về y khoa, Hội đồng về pháp luật và Hội đồng về đạo đức để quyết định chứ bác sỹ không thể toàn quyền quyết định; vả lại đa số bác sỹ sẽ không mong muốn làm việc này. Đối với việc điều trị bệnh nhân, luôn phải “còn nước còn tát”; khi không thể cứu chữa được là cả sự giằng xé về đạo đức, nhất là khi phải cố cứu chữa cho bệnh nhân, gây tốn kém mà biết chắc chắn rằng người bệnh không sống nổi. Một bên là cứ để cho người bệnh vật vã, gào thét, dần ra đi trong đau đớn còn một bên là bằng phương pháp y học để họ được chết nhẹ nhàng, thì cái nào đạo đức hơn cái nào?”- TS Quang day dứt.

Mỗi người có quyền được sống thì có lẽ họ cũng phải có quyền được chết trong những trường hợp đặc biệt. Lâu nay, mọi quan niệm đều hướng đến khía cạnh, ngành y là cứu người, bởi vậy việc người bệnh yêu cầu được chết vì đau đớn tột cùng và vì vô phương cứu chữa vẫn còn là điều rất xa lạ. Rõ ràng đây là một nhu cầu có thực nhưng cũng cần cân nhắc, tìm hiểu và phân tích vì sao quyền này đến nay mới được vài nước áp dụng!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bác sĩ lo ngại nếu thực hiện quyền được chết
Bác sĩ lo ngại nếu thực hiện quyền được chết

Dù có hay không ủng hộ đề xuất về quyền được chết, nhiều bác sĩ lo ngại về việc ai sẽ là người thực hiện vì chức năng cao quý nhất của nghề y là cứu người.

Bác sĩ lo ngại nếu thực hiện quyền được chết

Bác sĩ lo ngại nếu thực hiện quyền được chết

Dù có hay không ủng hộ đề xuất về quyền được chết, nhiều bác sĩ lo ngại về việc ai sẽ là người thực hiện vì chức năng cao quý nhất của nghề y là cứu người.

Đề xuất bổ sung quyền được chết trong Bộ Luật Dân sự
Đề xuất bổ sung quyền được chết trong Bộ Luật Dân sự

Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quyền được chết, cái chết nhân đạo dành cho người bị mắc trọng bệnh

Đề xuất bổ sung quyền được chết trong Bộ Luật Dân sự

Đề xuất bổ sung quyền được chết trong Bộ Luật Dân sự

Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quyền được chết, cái chết nhân đạo dành cho người bị mắc trọng bệnh