Quyết tâm nâng cao thể lực, trí lực của trẻ

Vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ sẽ được tập trung giải quyết trong giai đoạn 2011-2020

Ngày 1 - 2/6 được Bộ Y tế chọn là ngày vi chất dinh dưỡng. Đây là hoạt động được duy trì nhiều năm đúng dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc dinh dưỡng, phòng chống thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu i-ốt cho trẻ em và bà mẹ, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng giảm còn 10%, suy dinh dưỡng thể thấp còi chỉ còn từ 20 - 23%.

Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn về nội dung này.

** Xin ông cho biết tình trạng vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam hiện nay?

Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ và tăng trưởng của con người. Ở Việt Nam, do điều kiện kinh tế và khẩu phần ăn chưa đầy đủ nên tình trạng thiếu vi chất còn khá phổ biến. Thiếu máu dinh dưỡng còn ở mức cao, đặc biệt ở nhóm phụ nữ mang thai, tỷ lệ này là 30%, là yếu tố gây nguy cơ tử vong ở mẹ và ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc của thai nhi. Thiếu vitamin A ở trẻ em còn tồn tại ở dạng cận lâm sàng, đặc biệt ở vùng miền núi, vùng khó khăn. Cả nước còn trên 10% trẻ em thiếu vitamin A. Thiếu i-ốt còn rải rác ở một số vùng, việc cải thiện tình trạng thiếu i-ốt chưa bền vững.

** Bộ Y tế có những giải pháp gì để cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng ở người dân Việt Nam?

Cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng cho người dân Việt Nam đã và đang được triển khai, trong đó 2 nhóm đối tượng được quan tâm đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em. Trong những năm qua, Bộ Y tế tiến hành các can thiệp bổ sung viên sắt cho phụ nữ mang thai, bổ sung vitamine A cho trẻ em và bổ sung i-ốt cho toàn cộng đồng. Các hoạt động này góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ em, nâng cao thể lực và trí lực của trẻ.

Bên cạnh các giải pháp được tiến hành trong nhiều năm qua, từ năm nay, chúng ta sẽ tiến hành mở rộng một số can thiệp đặc biệt bao gồm: Đối với phụ nữ mang thai, can thiệp được tập trung là cải thiện tình trạng thiếu máu thông qua bổ sung viên sắt hoặc viên đa vi chất trong quá trình mang thai; Đối với trẻ em, can thiệp được ưu tiên là bổ sung vitamine A liều cao kết hợp với tẩy giun cho trẻ em. Can thiệp này sẽ đóng góp vào nâng cao khả năng miễn dịch, đẩy mạnh tăng trưởng ở trẻ em. Các can thiệp này đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị trong giảm suy dinh dưỡng thấp còi và được Bộ Y tế triển khai trên toàn quốc, có những ưu tiên cho vùng miền núi, vùng khó khăn - nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở mức rất cao.

Cải thiện tình trạng vi chất cho người dân Việt Nam đã và đang được triển khai
(ảnh: Internet)

** Thực trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?

Trong 10 năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tiếp tục đạt được nhiều thành thành tựu quan trọng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng về cân nặng đã giảm nhanh từ 36,7% (năm 1999) xuống 18,9% vào năm 2009 và hiện nay là 17,5% (sớm trước 2 năm so với mục tiêu đặt ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X). Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao, 31,9% trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi, và tình trạng này tồn tại ở tất cả các vùng miền trên cả nước. Suy dinh dưỡng thấp còi liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ tử vong, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tốn kém về chi phí điều trị cho gia đình và xã hội.

Suy dinh dưỡng thấp còi khi còn bé là một trong các nguyên nhân tiềm tàng làm tăng nguy cơ các bệnh mãn tính: Tiểu đường, tim mạch. Suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em ảnh hưởng đến tầm vóc của thế hệ này khi trưởng thành, ảnh hưởng đến khả năng lao động và thu nhập quốc dân.

** Vậy Bộ Y tế có những giải pháp gì để giảm số trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi trong thời gian tới?

Theo kế hoạch, vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi sẽ được tập trung giải quyết trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, do đã có những tiến bộ lớn về giảm suy dinh dưỡng cân nặng nên Bộ Y tế chỉ đạo chuyển sang mục tiêu cải thiện tầm vóc của trẻ em ngay từ năm 2009. Các can thiệp được ưu tiên bao gồm: bổ sung vi chất dinh dưỡng hoặc viên sắt và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai. Bổ sung vi chất dinh dưỡng, tẩy giun cho trẻ em, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ khi trẻ bị bệnh và giáo dục truyền thông cho cộng đồng; có những ưu tiên cho vùng miền núi, vùng khó khăn.

Mục tiêu mà Bộ Y tế đề ra là đến năm 2015, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng giảm còn 10%, năm 2020 là 8%; suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 20-23%.

** Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên